Lời nhắn gửi khẩn thiết của nữ bác sĩ chuyên 'giải quyết hậu quả' tiêm filler làm đẹp tại spa
Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) gần đây liên tiếp tiếp nhận các ca biến chứng sau tiêm filler tại spa.
Một bệnh nhân 27 tuổi đang làm công nhân tại Đài Loan đến một tiệm Spa tại Đài Bắc để tiêm filler nâng mũi. Sau khi tiêm 0,4ml , bệnh nhân thấy chóng mặt, mắt không nhìn thấy được, sùi bọt mép và co giật.
Một ca biến chứng sau tiêm filler tại spa |
Chị H được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện và xử trí như một trường hợp tắc mạch. Sau 2 ngày điều trị tại Đài Loan, nữ bệnh nhân này về Việt Nam. Sau khi điều trị tại một vài bệnh viện, chị nhập viện Xanh Pôn trong tình trạng mắt phải đã bị hỏng hoàn toàn, mắt trái được điều trị tiếp.
Mới đây nhất, BS Phạm Thị Việt Dung tiếp nhận một nữ bệnh nhân rất trẻ tuổi không may mù mắt.
"Trước khi đến khoa, bệnh nhân đã đi nhiều bệnh viện và tuyệt vọng khi nhận được câu trả lời là những cái lắc đầu của bác sĩ..." - BS Phạm Thị Việt Dung, chia sẻ.
Biến chứng mù mắt sau tiêm filler là do filler bị trôi vào lòng động mạch trung tâm võng mạc. Biến chứng này liên quan nhiều đến kỹ thuật tiêm.
Khi đã trôi vào lòng mạch gây tắc, hoại tử và mù thì không cứu được nữa. Việc đưa thuốc giải làm tan filler vào đúng mạch máu bị tắc được xem là... "khó ngang lên trời". Hơn nữa, tổn thương do tắc mạch không dễ dàng hồi phục ngay cả nếu mạch thông trở lại.
Ngay hôm sau ca này, các bác sĩ tại đây tiếp tục tiếp nhận một nữ bệnh nhân đến khám với biến chứng tắc mạch sau tiêm filler tại spa. Điều may mắn là cô gái này chưa bị mù.
Khai thác thông tin, nữ bệnh nhân trẻ tuổi cho biết cô biết rõ người tiêm cho mình không phải là bác sĩ.
"Cô ấy là nhân viên spa làm việc lâu năm trong nghề rồi. Người tiêm còn cho xem ảnh đi hội thảo tiêm filler chỗ có các bác sĩ Hàn Quốc dạy" - bệnh nhân cho hay.
BS Việt Dung chia sẻ, năm trước, bộ môn bác sĩ phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội tổ chức hội thảo chuyên đề về tiêm filler, điều kiện xét đối tượng tham gia rất chặt chẽ, chỉ các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc các bác sĩ chuyên ngành có liên quan mới được tham dự.
Tuy nhiên, điều khiến nữ bác sĩ này bức xúc là kết thúc buổi hội thảo, rất nhiều người làm việc tại spa ùa vào chụp ảnh cạnh phông nền, banner của hội thảo ở phía ngoài hội trường.
Chuyện này, theo BS Dung là không lạ ở nhiều cuộc hội nghị, hội thảo.
TS Phạm Thị Việt Dung thăm khám cho một bệnh nhân |
TS Việt Dung một lần nữa kêu gọi những vị "bác sĩ fake" (bác sĩ giả mạo) khoác áo blouse trắng không qua trường lớp đào tạo này đừng vì cái lợi trước mắt mà bất chấp những rủi ro có thể gây ra cho khách hàng.
Với các chị em có nhu cầu làm đẹp, nữ bác sĩ khẩn thiết nhắn gửi: Đừng nghĩ rằng hỏng thì bắt đền. Chẳng biết đền được bao nhiêu nhưng người thiệt đầu tiên là chính các bạn. Mắt mù rồi, đầu mũi cụt rồi, mông, vú loét, vón cục và biến dạng rồi... thì không làm lại được như cũ ..
"Tai biến trong phẫu thuật, thủ thuật y tế luôn hiện hữu, ngay cả với các bác sĩ có kinh nghiệm nhất, được đào tạo bài bản nhất, nhưng một điều chắc chắn là bác sĩ càng có kinh nghiệm, càng có kiến thức vững chắc thì càng giảm tỉ lệ rủi ro trong khi phẫu thuật, thủ thuật" - BS Việt Dung chia sẻ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.