Mãi ''tuổi hai mươi thành sóng nước''
Không chỉ là tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn những người đã ngã xuống, những người đã bỏ lại một phần máu thịt ở chiến trường, hiến dâng tuổi thanh xuân cho nước nhà được độc lập, cho toàn dân được tự do, những hoạt động tri ân người có công với nước còn là để nhắc nhở thế hệ trẻ noi gương sáng của cha anh tận hiến vì nền hòa bình, nỗ lực cống hiến cho nước nhà được phồn vinh, phát triển bền vững.
1. Những ngày này, các hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020) đang bước vào giai đoạn cao điểm. Cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhà nhà hưởng ứng chương trình, hoạt động tri ân, thể hiện trách nhiệm chăm sóc thân nhân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.
Trên bình diện quốc gia, theo Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã, đang và sẽ có các hoạt động tri ân mang tính nổi bật với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, đoàn thể. Các tỉnh, thành phố đồng loạt tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công, gia đình liệt sĩ... Dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký Quyết định số 1097/QĐ-CTN ngày 8-7-2020 về việc tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh...
Thành phố Hà Nội và các địa phương tiếp tục thực hiện tốt chính sách, chương trình chăm sóc người có công, vận động nhân dân phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Năm ngoái, chỉ tính riêng thành phố Hà Nội đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt hơn 37,5 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 450 nhà ở và tặng sổ tiết kiệm cho gần 4.800 người có công...
Những người lính trẻ nơi biên giới - “lá chắn thép” trên tuyến đầu chống dịch bệnh Covid-19
Đó chỉ là một số phần việc cụ thể nằm trong tổng thể chương trình, đề án, việc làm nhằm tiếp tục thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh và chính sách lớn của Nhà nước Việt Nam về chăm sóc người có công với cách mạng trong suốt 73 năm qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ.
Chính sách giàu tính nhân văn đó không chỉ thể hiện đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đùm bọc “không để ai bị bỏ lại phía sau”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Đó còn là sự thể hiện hình mẫu ứng xử có tác dụng soi đường cho thế hệ trẻ, khích lệ họ tiếp bước tiền nhân làm điều có ích cho đất nước và nhân dân.
Tinh thần đó, bài học đó, như đã đi vào thơ ca nhạc họa tự bao giờ: “Chúng tôi đi không tiếc đời mình/ Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?” (trường ca Những người đi tới biển).
2. Lịch sử dân tộc dẫn dắt bao thế hệ người Việt trưởng thành qua những cuộc chiến tranh vệ quốc oai hùng. Những chiến công nối tiếp, tinh thần xả thân vì Tổ quốc của biết bao thế hệ đi trước đã hợp thành tượng đài kỷ niệm vững chắc trong lòng dân, gợi nên suy nghĩ về trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam với chính mình, với Tổ quốc và nhân dân.
Cho tới giờ, với bao tầng xúc cảm hiện hữu thường nhật về lớp người đã đóng góp máu xương vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì nền hòa bình trên mảnh đất hình chữ S và nhân loại nói chung, chúng ta vẫn không quên thông điệp hào hùng mà các anh hùng, liệt sĩ đã truyền cho người ở lại.
Ngày 27-7 này, bên tượng đài kỷ niệm, trong những buổi lễ tưởng nhớ người đã khuất sẽ lại vang lên câu chuyện về các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm với những trang nhật ký làm dậy sóng tuổi trẻ Việt Nam. Là câu chuyện về bức thư từ Thành cổ Quảng Trị làm rơi nước mắt biết bao người của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, người ra đi ở độ tuổi hai mươi, để lại quê nhà một bóng hình yêu thương “bảy ngày làm vợ, cả đời làm dâu”. Là khúc tráng ca về những người con ưu tú của Tổ quốc đã trải qua giờ phút cuối cùng của cuộc đời ở những nơi nay đã thành địa danh lịch sử: Đồi A1, cánh đồng Mường Thanh, nhà tù Côn Đảo, hang Tám Cô, ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn... Là câu chuyện về tình đồng đội gắn bó keo sơn giữa những người nằm lại nơi chiến trường với người may mắn có cơ hội trở về từ cuộc chiến. Như cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị Lê Bá Dương, người đã tạc vào dòng Thạch Hãn những vần thơ làm rung động lòng người để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trong mùa hè đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.
3. Chiến tranh đã lùi xa. Tuổi trẻ Việt Nam đang trên con đường mới, với vũ khí không cần thiết phải là cây súng. Khói lửa chiến tranh đã tắt nhưng hành trình lập thân, lập nghiệp, góp phần dựng xây, bảo vệ đất nước vẫn cần điểm tựa truyền thống, những tấm gương xả thân vì nghĩa lớn để “tuổi hai mươi thành sóng nước” như ngày nào vẫn đang được nhắc tới trong những ngày này. Giờ đây, vẫn là “Tuổi hai mươi như lẽ đời đã thấy/ Thì xa xôi cách mấy cũng lên đường” (Những người đi tới biển).
Lý tưởng và hoài bão nâng bước tuổi trẻ Việt Nam. Bên cạnh những cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ canh giữ đất trời, biển đảo của Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, “thức cho dân ngủ yên, gác cho dân vui chơi”, còn có những người sĩ quan quân đội sẵn sàng tạm xa gia đình để làm nhiệm vụ ở châu Phi xa xôi, trở thành những sứ giả hòa bình tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bao người lính trẻ sẵn sàng “màn trời chiếu đất” ở biên giới để ngăn nguồn lây nhiễm vi rút SAR-CoV-2 xâm nhập Việt Nam, sẵn lòng nhường giường nệm ấm êm cho những người cần yên lòng cách ly nhằm ngăn vi rút lây truyền trong cộng đồng. Những sĩ quan công an, thanh niên tình nguyện rời gia đình, vợ con để sát cánh cùng các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 trong những tháng ngày vừa qua. Tổ quốc cần, chúng ta luôn có mặt, sẵn sàng như ngày nào cha anh hừng hực khí thế “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”...
Có thể nói rằng hiện nay, thế hệ trẻ lớn lên đủ đầy trong một đất nước độc lập tự do và nền hòa bình có được nhờ bao thế hệ đổ công sức, xương máu để tạo dựng. Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những tấm gương bình dị mà cao quý vẫn xuất hiện hằng ngày, với hình ảnh khác xưa. Tuổi hai mươi ở tuyến đầu trên mặt trận nghiên cứu, lĩnh hội thành tựu khoa học, công nghệ, tri thức, phát triển kinh tế, văn hóa, trở thành những công dân toàn cầu góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững, tham gia hợp tác tạo dựng một khu vực ASEAN và thế giới hòa bình, ổn định, phồn vinh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.