Mảnh đất thiêng sinh hiền tài
Đường Lâm ngày nay và làng Mía ngày xưa là làng thuần Việt cổ, minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của nền văn minh châu thổ sông Hồng qua hàng nghìn năm. Không phải ngẫu nhiên mà trước đây, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm từng là trấn lỵ của Sơn Tây. Đường Lâm cùng các địa danh lân cận được lưu truyền trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh; làng Mía (Nam Nguyễn) là quê ngoại của Hai Bà Trưng. Đặc biệt nhất, Đường Lâm là nơi duy nhất trong lịch sử dân tộc có "một ấp hai vua". Đây là nơi sinh ra hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền, hai bậc anh hùng có công lớn với đất nước và nhiều danh nhân đất Việt như Giang Văn Minh, Kiều Oánh Mậu, Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Phan Kế An…
Vùng đất “địa linh nhân kiệt”
Đường Lâm là cái tên gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử, là nơi được mệnh danh là đất "hai vua" - nơi sinh thành của hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Sinh vào thời đất nước bị giặc ngoại xâm, Phùng Hưng (thế kỷ thứ 8) sớm hình thành ý chí đánh đuổi giặc, độc lập, tự chủ. Ông chiêu mộ nghĩa quân hào kiệt, dấy binh, nổi dậy chống lại ách thống trị đô hộ của nhà Đường. Nghĩa quân đánh đuổi quân đô hộ nhà Đường khỏi thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Phùng Hưng xây dựng nền độc lập tự chủ cho đất nước được 7 năm thì qua đời. Tại quê hương thôn Cam Lâm của ông, nhân dân đã lập đền tưởng nhớ ông. Ngôi đền hiện nay mang dáng vẻ kiến trúc thế kỷ 19, gồm các hạng mục: Cổng nghi môn, Tả hữu mạc, Đại bái và Hậu cung. Lễ hội Đền Phùng Hưng được tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng âm lịch (là ngày mất của Bố Cái Đại Vương) với đông đảo nhân dân các địa phương về dự.
Đình Phùng Hưng.
Chỉ cách đền thờ Phùng Hưng một quãng ngắn là lăng Ngô Quyền (Ngô Vương, 898-944). Ngô Quyền được biết đến là Tổ Trung hưng của dân tộc, khi là người đầu tiên gây dựng nền độc lập của đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc. Sau khi đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương, định đô ở Cổ Loa với mong muốn kế thừa nhà nước Âu Lạc xưa kia. Lăng Ngô Quyền được xây những năm đầu thế kỷ 20, theo kiến trúc nhà bia bốn mái. Đền thờ được xây cách lăng khoảng 100m. Phía trước lăng là một cánh đồng rộng nằm giữa hai sườn đồi, cạnh đó là đồi Hổ Gầm, tương truyền xưa là nơi thuở nhỏ Ngô Quyền thường cùng bạn chăn trâu, cắt cỏ và tập luyện võ nghệ. Đặc biệt, ở đây còn có một rặng duối cổ thụ 18 cây, tương truyền là nơi Ngô Quyền cho quân sĩ buộc voi chiến.
Đường Lâm còn là quê hương Thám hoa Giang Văn Minh (1573-1638), một nhà ngoại giao nổi tiếng của nước ta. Khi đi sứ nhà Minh, vua Minh ra vế đối “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến nay vẫn phủ rêu xanh) nhắc lại sự kiện Mã Viện đàn áp nhân dân ta thời Hai Bà Trưng, thể hiện sự ngạo mạn của “thiên triều”. Giang Văn Minh đã đối lại bằng câu: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa máu đỏ). Bị làm nhục, vua Minh giết hại ông. Nể người có tiết tháo, nhà Minh cho ướp xác Giang Văn Minh bằng thuỷ ngân và cho sứ bộ mang thi hài ông về nước. Những dấu ấn liên quan đến Giang Văn Minh đều được người dân gìn giữ, gồm mộ phần, ngôi quán nơi làm lễ mai táng, đền thờ Thám hoa Giang Văn Minh.
Đền thờ Thám hoa Giang Văn Minh.
Những di tích lịch sử, văn hoá hấp dẫn du khách
Diện tích tuy không lớn nhưng Đường Lâm chứa đựng một quần thể di tích được xếp hạng di tích quốc gia. Trong đó, Chùa Mía là ngôi chùa được mệnh danh là bông hoa xuất sắc về nghệ thuật tạo hình thế kỷ XVII.
Ngôi chùa tọa lạc trên một khu đất cao giữa làng với hồ nước nhỏ trước mặt và nhìn ra sông Hồng. Tương truyền tại dòng sông này, chúa Trịnh đi thuyền rồng, tuần thú xứ Đoài và gặp cô thôn nữ xinh đẹp. Bà là người đã để lại ngôi chùa Mía nổi tiếng với gần 300 bức tượng phật hoàn toàn mang màu sắc dân tộc Việt Nam.
Chùa Mía ngày nay.
Bước qua tam quan chùa, các công trình bề thế lần lượt hiện ra. Nổi bật giữa sân chùa là tháp cửu phẩm liên hoa. Tháp cao 13m, thiết kế hình bát giác, gồm chín tầng. Phía trong có cầu thang dùng để đi lên đỉnh tháp. Mỗi góc hình bát giác ở chín tầng tháp phía trên đều được các nghệ nhân chạm trổ hình các con rồng uốn lượn rất tinh xảo.
Tòa bảo Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa.
Giữa trung tâm của làng cổ Đường Lâm, đình Mông Phụ là nơi du khách dừng chân để thưởng lãm những tinh hoa trong kiến trúc Việt cổ còn tồn tại đến ngày nay. Đình Mông Phụ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1984.
Đình làng Mông Phụ.
Bao quanh đình là một hệ thống hàng rào xây bằng đá ong , loại đá đặc trưng trong việc xây dựng các công trình kiến trúc tại khu vực này. Hàng rào đá ong này đã mang lại cho ngôi đình một nét trầm mặc cổ kính, một nét đẹp không giống bất cứ ngôi đình nào trên đất nước Việt Nam. Đình Mông Phụ không chỉ là nơi gửi gắm ước muốn bình an, thịnh vượng của người dân làng Mông Phụ mà còn mang những giá trị đặc biệt trong dòng chảy của kiến trúc truyền thống Việt.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.