Mẹ động kinh, bố tâm thần, nam sinh nghèo vào đội tuyển Toán quốc gia
Đó là hoàn cảnh của gia đình em Phạm Văn Thông (SN 2004, quê ở Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên). Bố mẹ em đến với nhau do cuộc hôn nhân sắp đặt, mẹ - chị Hoàng Thị Quy cso tiền sử động kinh, còn chồng- anh Phạm Văn Hinh thiể năng trí tuệ.
Chồng ngờ nghệch, nên chị Quy là lao động chính trong nhà, lăn lộn đủ nghề từ trồng cần nước đem ra chợ lớn bán buôn từ 3 - 4 giờ sáng, đến làm mành, chọc tâm sen, phụ vữa. Mỗi năm cần được giá, nhưng năm nay thất thu, 2.000 - 3.000 đồng/mớ cũng chẳng ai mua. 9 tháng thai kỳ mang thai em Thông, chị Quy không dám hoạt động mạnh vì sợ tái phát bệnh, có khi mất cả mẹ lẫn con.
Mâm cơm đạm bạc của gia đình 4 người
Biết cha mẹ đều bệnh tật, Thông tự nhủ phải phấn đấu không ngừng trong học tập. Từ bé, em Phạm Văn Thông đã có thành tích nổi bật về môn Toán. Nhà nghèo, em chưa từng xin mẹ đi học thêm. Năm lớp 7, Thông đạt giải 3 học sinh giỏi cấp huyện môn Toán. Đến lớp 9, tiếp tục đạt giải khuyến khích. Đặc biệt, trong kỳ thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Hưng Yên, Thông xuất sắc đỗ vào lớp chuyên Toán, đứng thứ 4 toàn trường.
Nhà cách trường hơn 10 km, thời gian đầu Thông xin mẹ đạp xe đi học. Nhưng nghĩ đường xa, con vất vả, họ hàng giúp đỡ chị Quy mua cho Thông chiếc xe đạp điện. Nhà xa, lắm hôm học ca chiều, Thông lại xách theo cặp lồng cơm ăn trưa, tối lại về.
Thông dạy em gái học bài (Ảnh: Vietnamnet)
Tháng 8/2020, Thông vinh dự là 1 trong 8 học sinh chuyên Toán của tỉnh Hưng Yên, tham gia Đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia. Dù không đạt giải, nhưng em không nản chí, tập trung ôn luyện cho lần thử sức vào năm sau.
Hiện Thông đang học lớp 12 – thời điểm quan trọng nhất trong đời học sinh. Nguyện vọng cao nhất của Thông là đỗ vào ngành Y Đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội. “Mỗi ngày, em dành ra 7-8 tiếng để học theo lịch trên trường. Sau đó, tối về em sẽ tự học. Tùy vào số lượng kiến thức và bài tập mà học nhiều hay ít”.
Em Phạm Văn Thông (Ảnh: Vietnamnet)
Dù việc học đã chiếm đến hơn 50% thời gian của một ngày nhưng Thông luôn sắp xếp thời gian hợp lý để giúp đỡ cha mẹ việc nhà. Mỗi ngày, em thức giấc từ khi trời còn chưa sáng để giúp mẹ cắt rau, làm rau mang đi bán, nấu ăn sáng, ăn trưa… cho cả nhà.
Thông thường đi ngủ sau 10 giờ tối, có hôm là sau 12 giờ và dậy muộn nhất là 6 giờ - 6 rưỡi sáng. Nhờ biết phân bổ thời gian hợp lý, em vừa có thể làm được việc nhà, vừa kiêm luôn vị trí gia sư cho em gái, lại vừa có thể hoàn thành việc học với kết quả tốt.
“Sinh ra trong gia đình khó khăn, đôi khi em nghĩ việc mình đi học sẽ trở thành gánh nặng cho bố mẹ. Nhưng rồi điều đó lại trở thành nguồn động lực để em cố gắng hơn nữa trong học tập và tiến gần hơn đến ước mơ của mình”, Thông nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.