Mẹ mất sớm, bố khuyết tật, nữ sinh sáng đi học chiều làm thuê kiếm tiền 'mua chữ'
Đó là cô bé Trần Thị Bình An (19 tuổi, cựu học sinh trường THPT Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Gia cảnh An đặc biệt khó khăn khi bố mẹ đều khuyết tật, không làm được việc nặng. Đáng thương hơn nữa, người mẹ cô yêu thương nhất mắc bệnh ung thư, qua đời khi An mới học lớp 8.
Trước đây, khi bố An nhận đan giỏ thuê, gia đình còn có cái ăn qua ngày. Sau này, hàng đan giỏ ít dần, ba không có việc làm nên An đã tự tìm việc làm thêm ở tuổi 16, 17 tuổi.
Cứ hễ cuối tuần được nghỉ học, cô bé lại đi bưng bê cả ngày cho một quán phở ở thị trấn. Hè đến, An dùng hết thời gian phụ dọn dẹp ở quán ăn. Số tiền kiếm được, cô dùng trả tiền học cho năm tiếp theo. Dẫu biết vất vả, khó khăn nhưng An vẫn luôn ghi nhớ lời mẹ dặn lúc sinh thời để cố gắng hơn trong học tập.
Ý chí của An khiến mọi người khâm phục (Ảnh: TTO)
Thời phổ thông khép lại cũng là lúc An đứng trước những sự lựa chọn lớn hơn. Xác định từ đầu là "không có tiền", An chọn hướng theo bậc cao đẳng vì học phí rẻ.
Để trang trải chi phí học tập ở Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM, An nhận làm nhân viên bán hàng và sắp xếp lịch học để có thể đi học một buổi, đi làm một buổi, thời gian còn lại sẽ dành cho tự học ở nhà. Cầm đồng lương những tháng đầu tiên, cô sắm chiếc laptop vừa túi để học online. "Mình muốn sẽ học thật nhanh nhất để có thể ra làm, lo cho mình và cho ba. Có nghề nghiệp ổn định, ở phương xa chắc mẹ cũng sẽ mỉm cười hài lòng", An nói.
Tương tự An, cô bạn Trần Thị Thu Trang (19 tuổi, tân sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học, TP.HCM) cũng là tấm gương vượt qua nghịch cảnh. Cha của Trang chạy xe ôm, mẹ bán cà phê cốc vỉa hè, kinh tế bấp bênh. Năm 2016, cha của Trang đột quỵ, liệt người do biến chứng của tai biến mạch máu não, chưa đến một năm sau thì qua đời. Số tiền chạy chữa trong khoảng thời gian ấy đã khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu về vật chất và suy sụp về tinh thần.
Nữ sinh Trần Thị Thu Trang (Ảnh: TTO)
Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trang đánh bạo xách vài chai nước ngọt từ quán cóc đang phải đóng cửa ở nhà đến trường bán cho các bạn. Thấy suôn sẻ, Trang mang thêm vài bịch bánh tráng, bánh bông lan… vào trường bán.
Nhờ "chuyện kinh doanh" này, Trang có đồng ra đồng vào để có thể tiếp tục học ngành marketing Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học.
Hiện nay, cô đang làm nhân viên bán thời gian cho một nhà hàng Nhật ở TP.HCM. Trang chia sẻ: "Giờ mình chỉ còn một nỗi lo, cũng là mục tiêu trong những năm tới: học thật tốt để nhận được những suất học bổng chính sách hằng năm".
Cùng với An, Trang là một trong những tân sinh viên được nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" năm nay.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.