Mở rộng cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Trên thực tế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ. Tại Nghị quyết này, Chính phủ chỉ đạo ngành Ngân hàng dành 100 nghìn tỉ đồng từ nguồn huy động vốn của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC), nông nghiệp sạch. Ngay sau đó, NHNN đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tiết giảm chi phí để cho vay với lãi suất thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường của NHTM. Các NHTM đã cam kết dành đủ nguồn vốn để cho vay.
Thương lái mua hàng hóa của nông dân |
Để xác định khách hàng thuộc diện vay vốn, Bộ NN&PTNT đã ban hành quy định tiêu chí xác định khách hàng có dự án NNUDCNC, nông nghiệp sạch được hưởng cơ chế vay vốn trên. Theo đó, tất cả các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm các khách hàng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh) đáp ứng tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao theo quy định của Bộ NN&PTNT đều là đối tượng được hưởng chính sách vay vốn ứng dụng công nghệ cao với gói giá trị 100 nghìn tỉ đồng.
Kể từ khi triển khai chính sách đến nay, đã có 17 nghìn khách hàng có dư nợ. Doanh số cho vay kể từ khi triển khai chương trình đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, dư nợ khoảng 38 nghìn tỉ đồng. Riêng tại Cà Mau, thời gian qua các tổ chức tín dụng đã tập trung nguồn vốn cho vay ngành tôm và Cà Mau là tỉnh có dư nợ cho vay tôm cao nhất khu vực ĐBSCL và khoảng 25% tổng dư nợ lĩnh vực tôm toàn quốc (cho vay tôm toàn quốc đạt 33.433 tỉ đồng, khu vực ĐBSCL là 19.329 tỉ đồng). Trong đó dư nợ cho vay nuôi tôm công nghệ cao theo gói 100 nghìn tỉ đồng đạt 51 tỉ đồng, với 94 khách hàng.
Mặc dù chương trình đã đạt được những kết quả tích cực; tuy nhiên, NHNN cũng thừa nhận việc cho vay nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Cà Mau nói chung và nuôi tôm công nghệ cao nói riêng còn khó khăn do hạn chế về đối tượng được thụ hưởng chính sách. Thực tế cho thấy, hiện nay mới có một doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp NNUDCNC (Công ty TNHH Việt Úc Cà Mau – theo thông tin tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), doanh nghiệp này chưa phát sinh dư nợ tại các tổ chức tín dụng) chưa có khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Còn trên toàn quốc, NHNN cho biết, đến nay toàn quốc có 3 khu NNUDCNC Phú Yên, Bạc Liêu, Hậu Giang; 5 vùng NNUDCNC tại Lâm Đồng, Kiên Giang (2 vùng lúa và tôm), Phú Yên và Long An; 46 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận NNUDCNC (trong đó có 2 doanh nghiệp được tỉnh cấp theo QĐ 19/2018/QĐ-TTg).
Để tháo gỡ khó khăn này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 19/2018/QĐ-TTg ngày 19/4/2018 quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp NNUDCNC giao UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp NNUDCNC cho các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh (thay vì thuộc thẩm quyền Bộ NN&PTNT như trước đây).
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 trong đó quy định mở rộng việc cho vay không có tài sản đảm bảo (tối đa 70% giá trị phương án nông nghiệp công nghệ cao) đối với tất cả các doanh nghiệp có dự án NNUDCNC nằm ngoài khu, vùng NNUDCNC. Đồng thời, giao Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chuẩn xác định và xác nhận dự án NNUDCNC làm cơ sở để các tổ chức tín dụng mở rộng cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện dự thảo, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong quý 3/2019.
Như vậy, Nhà nước đã có chính sách cho vay lĩnh vực NNUDCNC nói chung và đối với ngành tôm nói riêng. Để đẩy mạnh tín dụng đối với ngành tôm, nhất là tôm ứng dụng công nghệ cao, bên cạnh việc tích cực triển khai cho vay của ngành Ngân hàng, cần sự phối hợp của các đơn vị liên quan. Ngoài ra, để ngành tôm phát triển bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh rà soát và quản lý quy hoạch, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, công tác thị trường, triển khai chính sách bảo hiểm.../.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.