Một số điều luật có hiệu lực từ 1/8 cần biết khi ra đường
2016-07-31 16:15:47
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Bắt đầu từ 1/8, Cảnh sát cơ động sẽ hoạt động từ 6h30 đến 24h, Cảnh sát giao thông sẽ xử phạt vi phạm trên đường mà không cần lập biên bản và có hơn 100 lỗi vi phạm giao thông bị tăng mức phạt là những tin tức người dân khi lưu thông trên đường cần biết.
Cảnh sát giao thông sẽ xử phạt vi phạm không cần lập biên bản
Căn cứ vào Điều 56 của Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2013), Điều 15 Thông tư 01/2016/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 15/02/2016), Nghị định 46/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/8/2016) thì CSGT xử phạt vi phạm không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp: Xử phạt cảnh cáo; hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.
Ảnh minh hoạ |
Căn cứ vào Điều 56 của Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2013), Điều 15 Thông tư 01/2016/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 15/02/2016), Nghị định 46/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/8/2016) thì CSGT xử phạt vi phạm không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp: Xử phạt cảnh cáo; hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản. Đối với các trường hợp xử phạt không lập biên bản nêu trên thì CSGT phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Cảnh sát cơ động hoạt động từ 6h30 đến 24h
Cảnh sát cơ động hoạt động từ 6h30 đến 24h
Ảnh minh hoạ |
Bắt đầu từ 6h30 ngày 1/8, trên địa bàn 12 quận và các huyện ngoại thành, lực lượng CSCĐ sẽ tập trung tuần tra từ 6h30 đến 24h, nhắc nhở, xử phạt người điều khiển, người ngồi trên môtô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy vi phạm quy định của pháp luật về mũ bảo hiểm.
Việc xử phạt các lỗi vi phạm căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt các lỗi vi phạm giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/8.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn CSCĐ nhấn mạnh, trong pháp lệnh của CSCĐ đã quy định rõ, lực lượng CSCĐ có quyền hạn xử lý vi phạm Luật Giao thông trong bất cứ thời gian, địa điểm nào được Giám đốc CATP Hà Nội cho phép. Việc triển khai tăng cường CSCĐ tuần tra lưu động, xử phạt vi phạm mũ bảo hiểm được đơn vị thực hiện trên cơ sở Kế hoạch số 204 của CATP Hà Nội về “Tổng kiểm tra xử lý người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện vi phạm các quy định về mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và các hành vi vi phạm dừng đỗ sai quy định”.
Đối với 12 quận nội thành, các đơn vị quản lý địa bàn phải tập trung vào những tuyến phố chính, trục huyết mạch, tuần lưu liên tục trên đường. Xử phạt xong trường hợp nào là di chuyển tuần tra để phát hiện trường hợp khác vi phạm. Riêng ở các huyện ngoại thành cần tập trung vào những thị trấn, thị tứ, thị xã, tuyệt đối không tuần tra ở các tuyến Quốc lộ, đường liên thôn, liên xã.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, từng CBCS CSCĐ phải thực hiện nghiêm quy định, quy trình công tác cũng như điều lệnh CAND. CSCĐ sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ chủ động phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo nội dung kế hoạch; sau 24h đêm đến 5h sáng ngày hôm sau CSCĐ vẫn sẽ tập trung vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm như kế hoạch từ trước đến nay đơn vị vẫn đang thực hiện.
“Nghiêm cấm CBCS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ truy đuổi người vi phạm. Ngoài ra, CSCĐ còn phối hợp với lực lượng CSGT... hỗ trợ giải quyết những sự cố về giao thông khi có yêu cầu. Qua kiểm tra xử lý vi phạm về mũ bảo hiểm, nếu phát hiện thêm lỗi hoặc tội phạm sẽ tiếp tục xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ nói.
Hơn 100 lỗi vi phạm giao thông tăng mức phạt
Kể từ 1/8, Nghị định 46 bắt đầu có hiệu lực với 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ bị tăng mức phạt so với quy định tại Nghị định 171, 107. Nhóm vi phạm hiệu lệnh tín hiệu đèn, nồng độ, vi phạm tốc độ được thay đổi nhiều nhất.
Hơn 100 lỗi vi phạm giao thông tăng mức phạt
Ảnh minh hoạ |
Kể từ 1/8, Nghị định 46 bắt đầu có hiệu lực với 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ bị tăng mức phạt so với quy định tại Nghị định 171, 107. Nhóm vi phạm hiệu lệnh tín hiệu đèn, nồng độ, vi phạm tốc độ được thay đổi nhiều nhất.
Theo đó, người tham gia giao thông nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ. Tài xế ôtô vi phạm, mức phạt 2 triệu đồng so với Nghị định 171 hiện hành, lỗi này bị phạt tối đa 1,2 triệu đồng. Người đi môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), vượt đèn vàng bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng.
Người điều khiển ôtô vi phạm về nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3) có thể bị phạt đến 18 triệu đồng (so với mức phạt cũ tối đa 15 triệu đồng).và bị tước GPLX tối đa 6 tháng. Đối với người điều khiển môtô vi phạm lỗi này sẽ bị phạt tối đa 4 triệu đồng (so với 3 triệu đồng trước đó), đồng thời tài xế bị tước GPLX 5 tháng (mức cũ 2 tháng).
Người điều khiển ôtô vi phạm tốc độ vẫn giữ nguyên mức phạt đến 8 triệu đồng nhưng sẽ bị tước GPLX đến 5 tháng. Còn người điều khiển xe máy chạy vượt quá tốc độ trên 20km/h có thể bị phạt đến 4 triệu đồng và tước GPLX 3 tháng.
Người đi môtô, xe gắn máy vào đường cao tốc có thể bị phạt đến 7 triệu đồng, tước GPLX đến 3 tháng. Người đi bộ đi vào đường cao tốc cũng bị phạt tiền đến 200.000 đồng. Người điều khiển ôtô không tuân thủ các quy định dừng đỗ, quay đầu, đi ngược chiều trên cao tốc có thể bị phạt đến 6 triệu đồng...
Nghị định 46 cũng đưa nhiều quy định mới vào khung phạt. Cụ thể, hành vi ném gạch, đất, cát, đá hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ, có thể bị phạt đến 1 triệu đồng; hành vi rải, đổ hóa chất gây hỏng đường bộ bị đến 7 triệu đồng với cá nhân, 14 triệu đồng với tổ chức.
Ngoài ra, Nghị định 46 quy định cũng quy định, các tổ chức thu phí đường bộ để lượng ôtô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên 1 làn trên 100 xe, chiều dài trên 750 m hoặc mỗi xe qua trạm thu phí phải dừng trên 10 phút mà không áp dụng giải pháp do cơ quan chức năng chỉ đạo, phạt từ 8 đến 70 triệu đồng.
Kể từ 1/1/2017, người điểu khiển ôtô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển, bị phạt đến 800.000 đồng. Lực lượng chức năng sẽ áp dụng công nghệ cao để xử phạt hành vi vi phạm này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Ngọc Bích (TH)