Tượng đài bất tử giữa đất trời Gio An
Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân,Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu thuật lại những câu chuyện thời chiến.
Có nhiều câu chuyện chúng tôi được nghe đi, nghe lại nhiều lần nhưng vẫn thích thú, cảm thấy mới lạ, như câu chuyện về “cây đa huyền thoại” và tình cảm của Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân,Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu và Trung đoàn 27 Triệu Hải dành trọn cho mảnh đất và con người Gio An... Trong thời chiến, khi đánh trận Gio Cam (Gio Linh và Cam Lộ), quân giải phóng đóng quân ngay làng Gia Bình. Ở phía bắc làng có một cây đa lớn và một cái giếng cổ xếp bằng đá ở cạnh nhau. Cây đa Gia Bình là cây đa có một không hai ở Quảng Trị, và trở thành đài quan sát của quân ta, có thể nhìn rõ về phía Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang…
Địch phát hiện ra công dụng của cây đa nên không ngày nào chúng không nã pháo, bom đạn vài ba đợt nhằm hạ gục cây đa. Bao nhiêu bom đạn trút xuống nhưng những cành lớn, cành nhỏ gãy xuống lại có những chồi non nảy sinh. Cây đa như một tượng đài bất tử sừng sững giữa đất trời Gio An như thách thức kẻ thù. Cũng tại cây đa này đã chứng kiến quá trình chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân, dân ta. Tiêu biểu là tổ 3 người đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Địch bắt được chiến sĩ Cao Như Thiêm, tra khảo dụ dỗ không được, chúng trói anh vào gốc đa Gia Bình và xả đạn. Trước lúc ngã xuống, chiến sĩ Cao Như Thiêm còn hô vang: “Đảng Lao động muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”... Và cũng tại đây, cả một Ban chỉ huy của Trung đoàn Sông Dinh bị trúng một quả đạn pháo, 7 người đã hy sinh... Đến năm 1972, khi Quảng Trị được giải phóng, cây đa mới ngã xuống. Trung tuần tháng 8/1998, Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cùng những người bạn chiến đấu năm xưa và lãnh đạo địa phương về thôn Gia Bình để tìm lại cây đa, giếng nước. Sau khi xác định đúng vị trí của gốc đa xưa, Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu đã trồng một cây đa búp đỏ. Việc làm đầy nghĩa tình đó càng tô thắm thêm tình cảm thiêng liêng giữa những người từng chiến đấu, để lại tuổi xuân, một phần thân thể và đã hy sinh tại mảnh đất này. Kể từ ngày trồng cây đa trên mảnh đất Gio An, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã có nhiều lần trở lại, và mỗi lần trở lại, ông đều mang đến nhiều niềm vui cho người dân Gio An và các đồng chí, đồng đội đang yên bình trong giấc ngủ thiên thu. Tháng 3/2008, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lại cùng đồng đội về thăm Gia Bình, cùng với dân làng góp công, góp sức phục dựng lại giếng Đìa và đình làng Gia Bình. Cùng đi với ông là những doanh nhân hảo tâm với tâm nguyện được làm những việc làm thiết thực tri ân những người con ưu tú đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do quê hương, đất nước. Anh Lê Văn Tuấn, Giám đốc công ty Thanh Bình tại Hà Nội là một trong những người có nhiều việc làm nghĩa tình tại Gio An. Anh là con của một gia đình có nhiều liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến. Khi nghe những chiến công vang dội, những hy sinh mất mát của hàng trăm liệt sĩ trên đất Gio An, bên cây đa, giếng Đìa và tâm nguyện của những cựu chiến muốn xây tặng người dân Gia Bình một ngôi đình làng với ý nghĩa thờ liệt sĩ không nơi đâu ấm áp hơn là thờ trong lòng dân, anh Lê Văn Tuấn đã quyết định tặng làng 100 triệu đồng để xúc tiến triển khai công trình. Tập thể cán bộ, chiến sĩ Xí nghiệp 334 (Bộ Quốc phòng) cũng đã góp công, góp sức vào công việc tình nghĩa này. Tháng 7/2008, đình làng Gia Bình được khánh thành trọng thể. Ngày nay, bên cây đa, giếng Đìa và đình làng trang nghiêm là tấm bia đá, chiếc am thờ khắc ghi những chiến công bất tử của những người lính quân giải phóng năm xưa… Ngoài ra, anh Tuấn còn tài trợ gần 800 triệu đồng để xây dựng khu du tích cây đa, giếng đìa, khởi công xây dựng năm 2008, khánh thành, bàn giao 2011. Mới đây, anh đã ủng hộ hơn 2 tỷ đồng để xây dựng chùa Gio An, khởi công ngày 22/12/2011, dự kiến hoàn thành vào ngày 22/12/2012. Đứng trước đài chiến thắng Đồi 82 tại thôn Hảo Sơn, lòng tôi thấy ấm hẵn lên. Năm 2009, Đảng bộ và nhân dân xã Gio An cùng những tấm lòng vàng trong, ngoài tỉnh đã long trọng tổ chức lễ khánh thành Đài chiến thắng Đồi 82, được khởi công từ năm 2007. Đài chiến thắng Đồi 82 toạ lạc trên diện tích 1.400 m 2 , tổng kinh phí xây dựng là 780 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương và đóng góp của con em địa phương đang công tác, sinh sống trên cả nước và các cựu chiến binh Trung đoàn Gio An, các đơn vị quân đội, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân,Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu thắp hương tưởng nhớ những người đồng đội đã anh dũng hy sinh.
Những ngày giữa tháng 9/2011, tôi có dịp về dự lễ khánh thành Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Gio An do ông Trần Văn Túy, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh tài trợ. Tại mảnh đất Gio An này nhiều người thân của ông Trần Văn Túy đã chiến đấu, hy sinh và được đưa vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã. Nhiều lần đến Gio An, ông luôn ấp ủ xây dựng nhà bia tưởng niệm, xây dựng lại tường rào, xây mới các nấm mồ... để yên lòng các anh nơi chín suối. Công trình Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Gio An được xây dựng với tổng kinh phí trên 530 triệu đồng, được khởi công từ tháng 6/2011 theo phong cách truyền thống với kết cấu 8 cột, 2 tầng mái, tổng diện tích sàn khoảng 40 m 2 , cao khoảng 7 m. Ngày cắt băng khánh thành, bàn giao công trình, ông Túy đã không ngăn nổi những dòng nước mắt khi thắp những nén hương lên bát hương tại nhà bia tưởng niệm và các phần mộ chí. Hôm nay, đứng trên mảnh đất Gio An, nhìn thấy thành quả mà người dân nơi đây chung tay, xây dựng từ hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh với những ngôi nhà kiên cố khang trang, những con đường trải nhựa, bê tông, bạt ngàn rừng cao su chúng tôi rất đỗi tự hào về mảnh đất anh hùng này, mảnh đất đã gieo vào lòng khách phương xa nhiều tình cảm, kỷ niệm khó quên, và nhận lại nhiều tấm chân tình thông qua nhiều hành động thấm đượm nghĩa tình…
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.