Mùa xuân kể chuyện “tìm nhau”

2016-02-13 20:00:36 0 Bình luận
Giữa muôn vàn màu sắc của cuộc sống, cách các đôi trai gái tìm đến với nhau cũng thật là muôn hình, muôn vẻ...
Trên dải đất hình chữ S của chúng ta có rất nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Ở mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán riêng, nhưng riêng gì thì riêng, cái không bao giờ và không thể nào khác được là chuyện tình yêu đôi lứa. Giữa muôn vàn màu sắc của cuộc sống, cách họ tìm đến với nhau cũng thật là muôn hình, muôn vẻ...

Những phiên "chợ tình" trên núi

... Nếu như những con đường miền xuôi đẹp dịu dàng như những thiếu nữ tuổi dậy thì, thướt tha và mềm mại, thì những con đường miền núi lại hấp đẫn bằng vẻ hoang sơ sơn nữ, thấp thỏm và huyền bí. Dọc đường đi, trên những sườn núi, những thửa ruộng lớp lớp như những chiếc thang bắc vào mây lần lượt đổi màu theo từng mùa lúa chín; thảng đôi lúc, xa xa, một vài nếp nhà sàn mái tranh bàng bạc, thấp thoáng giữa xanh của rừng, giữa mỏng mảnh của mây làm cho con đường như ngắn lại, nhưng thời gian thì cứ dài ra bởi những điều níu kéo... Chỉ đến khi những hàng sa mộc cổ thụ xanh rì suốt bốn mùa, một thứ cây thuộc họ tùng, rất đặc trưng của Sa Pa, hiện ra trong vài tầm với, người ta mới chợt nhận ra mình đã đến nơi...


Ông Giang A Vang và vợ Vang Thi Xo lần đầu gặp nhau tại chợ tình cách đây hơn 30 năm. Ảnh: AFP.

Sa Pa bên cạnh bao nhiêu vẻ đẹp mà nhiều người cầm bút, cầm máy đã ghi lại, còn là nơi hò hẹn của những lứa đôi từ bao đời nay. Ấy là những cô gái Mông luôn miệt mài với công việc xe lanh nhuộm vải; Ấy là những chàng trai Mông ngang tàng với những cây dao, khẩu súng kíp đầy tinh thần thượng võ. Chính họ là những người đã góp phần tô thêm cái màu chàm bình dị mà sinh động của cuộc sống vào màu của núi non, cây cỏ. Đêm xuống, họ tìm nhau bằng tiếng đàn môi bập bùng, bằng tiếng nhị réo rắt thiết tha, trên những con đường hoe vắng, tạo nên một không khí thật nguyên sơ. “Chợ Tình” đấy. Cái “chợ” mà lâu nay từng khiến bao người, cả ta, cả tây, cứ tò mò và háo hức đấy. 

“Chợ” được “họp” vào tối thứ bảy hàng tuần. Vào lúc thị trấn lên đèn, từ khắp các ngả đường, người ta lũ lượt đổ về khu vực trung tâm. Đây là lúc vui nhất; từng tốp, từng tốp, ban đầu là nam riêng, nữ riêng, sau đó là đan hoà vào với nhau, tiếng đàn môi của các cô gái xen lẫn với tiếng nhị của các chàng trai tạo nên một thứ hoà âm trầm từ đáy sông cao tới tận sườn non. Và rồi chẳng biết những “nam thanh nữ tú” người Mông ấy đã “nhấm nháy” nhau từ khi nào, hay chỉ đến đây họ mới bắt đầu đi “tìm” để “hiểu”, mà chỉ một chập từ đầu đến giữa đêm là “chợ” đã vãn; từng cặp, từng cặp dìu nhau mất hút vào màn đêm dày đặc và se lạnh của vùng cao. Khi đó, những người đã quen chỉ cần nghe tiếng nhị cũng có thể biết được chủ nhân của nó đang ở trong tâm cảnh nào. Người tìm được bạn thì tiếng nhị dường như dập dồn, gấp gáp hơn, cứ vậy một hồi lâu rồi... tắt. Còn những người chưa tìm được bạn thì tiếng nhị càng về khuya càng kéo dài ra, ai oán, rồi cứ thế mất hút dần trên những con đường hiu hắt... Một điều thật lạ (và cũng thật thú vị) là cho đến khi ấy chỉ còn tiếng nhị chứ tuyệt không thấy tiếng đàn môi nào...! Cứ thế rồi đến một ngày thành đôi, thành lứa; rồi lên ông, lên bà...


Các chàng trai cô gái múa hát trong những phiên chợ giao duyên - ảnh: phunukieuviet.

“Chợ tình” là chỗ để tìm nhau. Ngoài Sa Pa, người ta còn biết đến “Chợ tình” Mường Khương (Lào Cai) và “Chợ tình” Khau Vai (Hà Giang) nữa. Nhưng cái đặc biệt của chợ Khau Vai là mỗi năm chỉ họp có một lần, vào dịp tháng Ba; “Chợ tình” cũng theo đó mà dài tới cả năm trời mới có được một phiên; Và nó trở thành nơi hò hẹn của những cặp tình dang dở. Quanh năm tất bật với mưu sinh, chỉ có một ngày được trở về sống thật với lòng mình, với những kỷ niệm nồng nàn, âu cũng là điều đáng để người ta mong đợi suốt năm và ghi nhớ suốt đời...

Cạy cửa tìm nhau

Người Dao Tiền ở Thanh Sơn, Phú Thọ sống ven những sườn núi, bên những mảnh nương nhỏ, rải rác, với những bận bịu riêng của mỗi người, nên họ ít có cơ hội giao tiếp với nhau ngoại trừ một vài câu chuyện họa hoằn bên bến nước cuối ngày. Vậy nên đêm xuống, là lúc các trai bản lên đường tìm đến từng nhà...

Cách người Dao Tiền tìm đến với nhau xem ra có vẻ gì đó vừa ngang tàng, lại vừa quyết liệt. Chẳng Thôi hay Xao gì hết, mà là cạy cửa thẳng thừng. Theo phong tục, nhà nào có con gái đến tuổi cập kê thì cha mẹ đều phải kê giường cho con ở sát cửa ra vào. Tối đến, các chàng trai có thể cạy cửa vào nhà rồi tìm tới giường của cô gái để xin phép được tìm hiểu. Gọi là cạy cửa, nhưng xin đừng hiểu theo nghĩa của hành vi "Leo tường, khoét vách”. Chàng trai chỉ việc luồn tay qua khe cửa, lần ngược lên trên để nhấc chiếc chày gỗ chèn cửa đặt nhẹ nhàng ra ngoài là xong. Nếu cô gái không ưng thì có thể đuổi cổ anh chàng ra ngoài; khi đó phải liệu mà chuồn cho êm, bằng không có thể bị người nhà thức dậy nện cho một trận, thậm chí có thể còn bị chém nữa. 


Tiếng kèn trong ngày cưới - ngày hạnh phúc nhất của những chàng trai cô gái Dao càng thêm phần ý nghĩa. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngược lại, nếu cô gái đồng ý, anh chàng có thể ở lại trong màn, bố mẹ dù có biết mười mươi cũng phải tỏ ra không hề hay biết; miễn sao sớm hôm sau anh chàng phải biết điều vén màn, lách cửa chuồn sớm, trước khi cả nhà thức dậy. Có trời mới biết được họ Tìm gì và Hiểu được những gì ở nhau đêm ấy; nhưng nhiều cặp đã thành vợ thành chồng chỉ sau một lần “cạy cửa”. Cũng có anh chàng “cao số”, đi khắp bản mà chẳng được ai ưng, rồi chuyện có người khi vào đến nơi, thấy im ắng, tưởng ngon lành, hoá ra “lô cốt” đã có “địch”, lại ngậm ngùi quay ra cũng không phải là không từng có; Vậy mà chưa bao giờ thấy có chuyện mất đoàn kết giữa các chàng trai trong bản. Hoá ra quyền đi tìm tuy là ở người con trai, nhưng quyền lựa chọn thì vẫn là ở người con gái; và với cánh đàn ông, chuyện cạy cửa để vào được nhà nhiều khi tưởng là khó, nhưng rồi hoá ra đến lúc muốn ra khỏi cửa còn khó hơn rất nhiều...

Chọc sàn, dỡ vách thành duyên

Đã bao giờ bạn để ý ngôi nhà sàn của người Thái Tây Bắc có điểm gì đặc biệt khác với những ngôi nhà sàn của các dân tộc khác hay chưa? Đó là sàn nhà được lát bằng những thân vầu bổ ra thành sạp, giống như những tấm mành của người miền xuôi, thay vì sàn gỗ. Chẳng hiểu xa xưa điều đó có nguyên nhân gì, nhưng với những cặp tình nhân thì điều ấy thật tiện để hẹn hò.


Những cô gái Thái đẹp dịu dàng, e ấp. Ảnh minh họa: svhttdldienbien.

Khi đã “bén” nhau từ sau những hội còn, những đêm xòe tưng bừng, náo nhiệt; khi một chàng trai cảm thấy trong lòng không thể dửng dưng trước một bóng dáng yêu kiều nào đó, thì đêm xuống, chờ cho đến lúc mọi công việc của một ngày đã kết thúc, chàng trai sẽ tìm đến nhà cô gái, chọn đúng chỗ cô gái nằm ngủ và chọc nhẹ vào sàn; thật nhẹ thôi, nhưng sàn vầu vốn phóng khoáng và cởi mở, sẽ khiến cho cô gái cảm nhận đầy đủ nỗi niềm trong lòng chàng trai. Và cũng thật nhẹ nhàng, cô gái dỡ tấm ván vốn được kín đáo gá hờ hững bên vách nhà từ trước, hầu như nhà nào cũng có một tấm vách như vậy, và đu mình ra ngoài. Dưới sàn, chàng ghé lưng cõng nàng chạy thẳng vào rừng. Ở đó, đất trời là của họ, bờ cây, dòng suối là của họ, màn đêm đồng lõa với họ, và tương lai đang chờ đợi họ...

Chuyện Chọc sàn, dỡ vách thì chỉ có thế, nhưng điều khó khăn nhất với người đi chọc sàn là làm sao chọc cho thật đúng chỗ cần chọc. Thật vô phúc cho anh nào chọc phải lưng các bậc “phụ huynh”.... Vậy nên dù sàn thưa vách gá, cũng chỉ có một người dám chọc. Và đó chính là điều bí mật riêng của mỗi người...

Đi Sim, ngủ Thảo

Đối với một số dân tộc sống bên dãy Trường Sơn thì đời sống cộng đồng có một vai trò rất quan trọng. Chính vì lẽ đó mà ngay cả việc tìm hiểu nhau của thanh niên nam nữ đến tuổi lập gia đình cũng không nằm ngoài những tập quán gắn với sinh hoạt tập thể của họ. Người Vân Kiều và một số dân tộc khác ở miền núi tỉnh Quảng Trị và một số vùng lân cận có tục Đi Sim, là cách để thanh niên nam nữ có điều kiên tiếp xúc và tìm hiểu nhau. Thường thì mỗi bản đều có một ngôi nhà gọi là Nhà Sim, trong những dịp lễ hội, thanh niên nam nữ trong bản sẽ tập trung lại Nhà Sim để nghe người già trong bản truyền dạy những điều cần biết cho cuộc sống mai sau cùng những phong tục tập quán của dân tộc mình mà họ có trách nhiệm gìn giữ. Sau mỗi đêm như vậy, khi người già đã trở về nhà, đám thanh niên ngủ lại Nhà Sim sẽ có cơ hội để tìm hiểu lẫn nhau. Như một đàn chim mới ra ràng, chúng ríu rít cùng nhau một chặp rồi từng đôi một sẽ dần tách ra khỏi bầy để tìm nơi đậu riêng cho mình. Cùng với những gì đã học được ở Nhà Sim, những đôi chim này thực sự có đủ khả năng để xây nên một chiếc tổ riêng của mình.


Đi Sim là cách để thanh niên nam nữ có điều kiên tiếp xúc và tìm hiểu nhau.

Cũng tương tự như Đi Sim, người Raglai ở vùng Nam Trung bộ có tục Ngủ Thảo, cũng là cách để cho những con chim tự do tìm đến với nhau. Có thể nói Đi Sim hay Ngủ Thảo thì cũng đều là những sinh hoạt mang tác dụng tích cực trong đời sống cộng đồng của người dân ở những vùng này. Có lẽ ngoài những đạo lý mang tính tập quán của mỗi dân tộc, thì chính sự tự do lựa chọn của những con chim trong những lần Sim, lần Thảo ở đây chính là nguyên nhân giữ cho cuộc sống lứa đôi của họ mãi mãi vững bền...

*

Trên con đường lang thang suốt dọc chiều dài đất nước, lắm lúc tưởng chừng như vô định, tôi đã bao lần qua những nơi này, cũng đã từng dừng chân nghỉ lại; mỗi điều từng gặp đã dần trở nên một điều gì rất khó phai nhạt trong cuộc sống mỗi ngày đang trôi qua của mình. Ấy vậy mà những câu chuyện của tình yêu thì vẫn mãi chẳng bao giờ cũ. Có thể hôm nay cái cách mà người ta tìm đến với nhau đã phần nào khác đi, nhưng điều không thể thành xa lạ, là cho dù bằng cách nào đi chăng nữa, thì đã đến với nhau cũng là đến bằng cả tấm lòng.../.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38

“Hành trình khôi phục phòng Nam dược chuẩn Y khoa”

Ngay từ ngày đầu thành lập Y Dược Việt đã xác định rõ hướng đi cho mình là phát triển các sản phẩm từ thảo dược, dược liệu có sẵn của đất nước Việt Nam (Nam Dược).
2024-04-23 15:35:00

SHB hai năm liền được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
2024-04-23 10:53:14
Đang tải...