Mục tiêu trọng tâm của Đề án Hoàn thiện hệ thống TCQC kỹ thuật xây dựng định hướng đến năm 2030
Đến năm 2030 sẽ hoàn thành biên soạn và ban hành 100% tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo quy hoạch định hướng mới (Ảnh: TL).
Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn là hành lang kỹ thuật, đóng vai trò quan trọng định hình sự tồn tại, phát triển của công trình xây dựng, đồng thời góp phần quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả đầu tư công trình xây dựng.
Phạm vi của Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng bao gồm: Quy hoạch xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng và khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, kiểm định, bảo trì, sửa chữa các công trình xây dựng (công trình dân dụng, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình an ninh, công trình quốc phòng và các công trình xây dựng khác).
Phạm vi của Đề án liên quan đến toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đang áp dụng trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), tiêu chuẩn nước ngoài (TCNN), tiêu chuẩn quốc tế (TCQT), tiêu chuẩn khu vực (TCKV).
Theo Quyết định số 198/QĐ-TTg, mục tiêu tổng quát của Đề án là hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; đảm bảo an toàn trong xây dựng; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia.
Ngoài mục tiêu trọng tâm của đề án đến năm 2021, định hướng đến năm 2030, các Bộ, ngành phải thực hiện nhiều nội dung trọng tâm cụ thể. Trong đó tập trung Hoàn thiện, nâng cao chất lượng, thường xuyên soát xét, cập nhật nội dung các quy định trong Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng; Hoàn thành biên soạn và ban hành 100% tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo quy hoạch định hướng mới; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác xây dựng tiêu chuẩn. Các tổ chức hoạt động nghề nghiệp tích cực tham gia biên soạn, công bố TCCS và trình công bố TCVN theo quy định.
Đề án cũng nêu rõ những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, thời gian thực hiện các mục tiêu này. Cụ thể, lập quy hoạch hệ thống quy chuẩn kỹ thuật xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, lập quy hoạch và phê duyệt danh mục “Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng”.
Biên soạn, soát xét, sửa đổi hệ thống quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; Lập quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng; Biên soạn hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo quy hoạch định hướng mới; Tăng cường quản lý chất lượng tiêu chuẩn cơ sở trong hoạt động xây dựng; Tăng cường quản lý việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực trong hoạt động xây dựng; Xây dựng cơ sở dữ liệu, đổi mới công tác thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; Nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, biên soạn, thẩm tra, thẩm định, công bố hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựng; Đổi mới giáo trình trong hệ thống giáo dục đào tạo nguồn nhân lực của ngành Xây dựng.
Hoàn thiện, đổi mới cơ chế chính sách về công tác biên soạn và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách để đến năm 2030: Nhà nước chỉ tập trung nguồn lực để xây dựng và công bố các TCVN về xây dựng cốt lõi phục vụ công tác khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo trì, sửa chữa công trình xây dựng; Xã hội hóa các tiêu chuẩn xây dựng còn lại, tạo điều kiện cho các hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ biên soạn, công bố TCCS hoặc trình công bố TCVN theo quy định. Thời hạn hoàn thành trước 31/12/2030.
Về kết quả thực hiện Đề án, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt quy hoạch định hướng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và danh mục tiêu chuẩn cốt lõi lĩnh vực xây dựng. Nội dung văn bản nêu rõ: Thực hiện Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng. Trong các nhiệm vụ của Đề án, có nhiệm vụ “Lập quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng tới năm 2030”, cụ thể: Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, quy hoạch định hướng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng; Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt quy hoạch định hướng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực xây dựng và danh mục tiêu chuẩn cốt lõi lĩnh vực xây dựng.
Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành định hướng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực xây dựng và danh mục các tiêu chuẩn cốt lõi (quan trọng) thuộc lĩnh vực xây dựng theo định hướng mới do Bộ Xây dựng quản lý.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ một số nội dung cụ thể: Phê duyệt quy hoạch định hướng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực xây dựng với các nội dung Thống nhất chủ trương về việc phân định lại phạm vi quản lý tiêu chuẩn do BXD biên soạn, quản lý, theo dõi để tránh trùng lặp.
Cùng với đó là phê duyệt kế hoạch thực hiện soát xét, biên soạn các TCVN giai đoạn 2020 – 2030 với kế hoạch soát xét đề ra: Đối với 18 TCXDVN và 06 TCXD: đến hết 2021 sẽ soát xét xong. Đối với 809 TCVN hiện tại: năm 2017 - 2019 đã soát xét 63 TCVN; giai đoạn 2020 - 2025 sẽ soát xét 228 TCVN; giai đoạn 2026 - 2030 sẽ soát xét 518 TCVN.
Trong quá trình soát xét, dự kiến sẽ có những TCVN bị hủy bỏ, dự kiến trước mắt là 32 TCVN.
Về kế hoạch biên soạn mới, đến 2030 dự kiến sẽ soát xét và biên soạn mới 1.145 TCVN, trong đó có 144 TCVN cốt lõi. Trong kế hoạch biên soạn mới: năm 2017 - 2019 đã biên soạn mới 139 TCVN; giai đoạn 2020 - 2025 sẽ biên soạn mới 664 TCVN ; giai đoạn 2026 - 2030 sẽ biên soạn mới 342 TCVN .
Đối với 144 TCVN cốt lõi: Năm 2020 đang biên soạn mới 35 TCVN; năm 2021 sẽ biên soạn mới 77 TCVN; năm 2022 sẽ biên soạn mới 32 TCVN. Bộ Xây dựng cũng lưu ý, trong quá trình biên soạn mới sẽ phát sinh những tiêu chuẩn theo nhu cầu thực tiễn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.