Nam Định: Linh thiêng và trang trọng tại Lễ dâng hương tưởng niệm 722 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn

2022-09-15 21:42:58
Sáng 15/9 (tức ngày 20/8 âm lịch năm Nhâm Dần 2022), tại Đền Thiên Trường thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) và Di tích lịch sử - văn hóa Đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc), Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các vị Vua Trần và 722 năm ngày mất Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (20/8 âm lịch năm 1300 – 20/8 âm lịch năm 2022).

Nhân dịp lễ tưởng niệm này, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi lẵng hoa tưởng nhớ 722 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nam Định, cùng các vị đại biểu dự Lễ dâng hương các vị Vua Trần và tưởng niệm 722 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo tại Đền Thiên Trường (phường Lộc Vượng, TP Nam Định). (Ảnh: Khánh Dũng/Báo Nam Định)

Dự Lễ dâng hương có các đồng chí: Phạm Gia Túc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Quốc Chỉnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Chung, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU; Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc.

Lễ dâng hương tưởng niệm 722 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Trong không khí linh thiêng, thành kính, các đại biểu đã ôn lại chiến công hiển hách của Vương triều Trần và công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo trong 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII.

Cùng ngày, tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức dâng hương tưởng niệm 34 năm ngày mất Tổng Bí thư Trường Chinh (20/8 âm lịch 1988 – 20/8 âm lịch 2022). Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã gửi lẵng hoa tưởng nhớ Tổng Bí thư Trường Chinh.

Các cụ ông cao tuổi thành kính dâng hương tưởng niệm các vị Vua Trần và tưởng niệm 722 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc  Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại Đền Thiên Trường (phường Lộc Vượng, TP Nam Định).

Đồng chí Trường Chinh - tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 (tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, đồng chí đã 3 lần được bầu làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng; Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đồng chí Trường Chinh là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chiến lược tài giỏi về chính trị, quân sự và là nhà văn hóa, một trí thức lớn của dân tộc. Với 81 năm tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã mang tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (1228-1300), quê ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định). Ngài là anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Làm tướng, ngài dẹp bỏ “thù nhà”, dốc lòng báo đền “nợ nước”, góp công lớn khi ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông. Sau khi ngài mất, triều đình đã phong tặng ngài là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương.

Đông đảo người dân đã về dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Trải qua mấy ngàn năm lịch sử đấu tranh sinh tồn, dân tộc Việt Nam đã sinh ra rất nhiều nhà chính trị, quân sự, văn hóa…, lỗi lạc có công với dân, với nước. Tên tuổi của họ gắn liền với những trang sử hào hùng của đất nước như: Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi, Quang Trung… Trong số đó, Trần Hưng Đạo nổi lên là nhân vật tài hoa đức độ, một nhân cách lớn, một thiên tài quân sự - người mà tên tuổi đã gắn liền với chiến công ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông (thế kỷ 13-14). Đặc biệt là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 và ông đã được nhân dân “thánh hóa” với cách gọi đầy tôn kính: “Đức Thánh Trần”, cũng chỉ có ông chứ không phải ai khác được mọi thế hệ xưng tụng làm “Cha”.

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, Đức Thánh Trần Hưng Đạo có một vị trí, vai trò rất đặc biệt. Từ một anh hùng dân tộc có thật trong lịch sử với những chiến công hiển hách, ngài bước vào không gian thiêng liêng của đời sống tín ngưỡng dân gian như một vị thánh của dân tộc. Nhân dân Việt Nam suy tôn ngài là Đức Thánh Trần, lập đền thờ ở khắp mọi miền đất nước.

Việc Ngài được “thánh hóa” là hiện tượng hợp với tâm thức và ước nguyện của người Việt: là thần thánh hóa người có công với dân, với nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông bờ cõi, được muôn đời ngợi ca bởi tấm gương trung hiếu, khí phách kiên cường, tài năng quân sự và tấm lòng tín nghĩa. Nhân dân không gọi trực tiếp tên của Ngài mà gọi là Hưng Đạo Đại Vương - Đức Thánh Trần, là Cha. Việc thờ phụng Đức Thánh Trần hiện nay đã trở thành một hình thức tín ngưỡng dân gian phổ biến của nước ta: Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần.

Cũng như các tín ngưỡng dân gian khác, Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là một hình thái biểu thị đức tin, niềm tin của nhân dân, nội dung nổi bật của Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần là truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

"Tháng tám giỗ cha - tháng ba giỗ mẹ” đã trở thành một tập quán tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Trong số các vị Thánh bất tử, chỉ duy nhất Đức Thánh Trần – Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là nhân vật lịch sử có thật, được cho là linh thiêng bậc nhất. Có thể hiểu điều này giống như lòng ngưỡng mộ và tôn sùng mà nhân dân dành cho vị Anh hùng gắn với những chiến công hiển hách thế kỷ XIII.

Đức Thánh Trần là biểu tượng bất diệt của bản trường ca về chủ nghĩa yêu nước, yêu dân tộc; là hình mẫu về sự hy sinh, cống hiến vì nhân dân, vì đất nước. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần chính là tuân thủ quy luật “sinh vi tướng, tử vi thần” trong văn hóa Việt, có giá trị to lớn trong giáo dục nhân cách và đạo lý làm người; giáo dục, vun bồi lòng yêu quê hương, yêu giống nòi, bài học về ý thức tự lực tự cường dân tộc, về việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Nhiều nghi lễ tín ngưỡng như rước kiệu, tế lễ, hát văn và nhiều trò chơi dân gian... được diễn ra tại lễ tưởng niệm Đức Thánh Trần.

Hàng năm, cứ vào dịp tháng 8 âm lịch, tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, Tỉnh Nam Định), chính quyền và nhân dân địa phương lại long trọng tổ chức ngày lễ giỗ của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn với nhiều nghi lễ tín ngưỡng như rước kiệu, tế lễ, hát văn và nhiều trò chơi dân gian khác như: múa rồng, múa lân, biểu diễn võ thuật, đấu vật, chơi cờ người,…

Cụ ông Trần Huy Chiến - Trưởng từ, BQL khu di tích đền Trần, cùng các cụ ông cao tuổi và quý đại biểu thập phương thắp hương tưởng niệm Đức Thánh Trần.

Việc tổ chức nghi lễ giỗ Đức Thánh Trần tại đền Trần (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa; đồng thời còn mang tính giáo dục lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, giá trị lịch sử dân tộc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố và tỉnh Nam Định ngày càng phát triển vững mạnh.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc.

Người TNG Holdings Vietnam mang “giọt thương” gửi vào ngân hàng máu

Ngày 20/9/2023, hàng trăm người TNG và cán bộ nhân viên một số công ty tại tòa nhà TNR Tower nô nức tham dự ngày hội “Giọt Thương”, chung tay đóng góp vào ngân hàng máu. Chương trình do TNG Holdings Vietnam phối hợp với bệnh viện Việt Đức tổ chức.
2023-09-21 19:35:24

SHB là Ngân hàng Micro SME tốt nhất Việt Nam

Với danh mục sản phẩm đa dạng, thủ tục tinh gọn, dịch vụ chất lượng cao dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, SHB vừa được tạp chí quốc tế Alpha Southest Asia bình chọn là “Ngân hàng Micro SME tốt nhất tại Việt Nam”.
2023-09-21 19:31:18

Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh

Chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp sau tác động của đại dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
2023-09-21 11:37:54

Nguyệt Sắc - Mang những nét đẹp cổ truyền đến với thế hệ hiện đại

Từ xa xưa, Trung thu vẫn luôn mang trong mình một nét đẹp riêng vốn có. Nhắc đến Trung thu không ai là không nhớ đến những sự tích về Trung thu và phong tục rước đèn trông trăng. Đêm Trung thu, mọi người sẽ cùng nhau quây quần bên mâm ngũ quả, những chiếc bánh nướng bánh dẻo và một ấm trà nhỏ.
2023-09-21 08:47:53

Thủ tướng kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực để tương lai không phải chịu thảm họa đại dịch

Chiều 20/9 (theo giờ New York), tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về sẵn sàng ứng phó và phòng chống đại dịch đã khai mạc trọng thể, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
2023-09-21 08:23:05

Fed không tăng lãi suất và dự báo duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến năm 2024

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 20/9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức hiện tại, song ủng hộ một đợt tăng lãi suất vào cuối năm 2023 và tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến năm 2024.
2023-09-21 07:39:55
Đang tải...