Nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai
Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường, trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng (nhiệt độ ngày 24/4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ thấp nhất 50 năm gần đây); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại ĐBSCL.
Tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.
Tuy vậy, với sự chỉ đạo ứng phó kịp thời nên mặc dù trong năm có nhiều đợt thiên tai lớn, song không có thiệt hại về người trên biển trực tiếp do bão gây ra. Hạn hán xâm nhập mặn vượt mốc lịch sử nhưng thiệt hại về nông nghiệp đã được giảm thiểu đáng kể chỉ bằng khoảng 25% so với năm 2016.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp của các Bộ, ngành và địa phương, sự vào cuộc của nhân dân; sự tham gia góp sức của nhiều tổ chức quốc tế nên công tác phòng, chống thiên tai đã được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Trong công tác dự báo, thời gian qua, cơ quan dự báo quốc gia đã có nhiều phát triển cả về hệ thống dự báo cũng như nâng cao chất lượng, tiến độ cung cấp thông tin nhất là dự báo vị trí và cường độ bão đã dần tiệm cận với dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; các đợt mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn đã được dự báo, cảnh báo sớm.
Hệ thống quan trắc cảnh báo chuyên dùng, dịch vụ trong dự báo, số liệu mưa lũ cung cấp cho nhiều địa phương và doanh nghiệp, nông dân đã bước đầu hình thành, phát triển và phát huy hiệu quả. Hệ thống công trình PCTT cũng được quan tâm đầu tư, đã từng bước nâng cao khả năng chống chịu của công trình, xóa dần các trọng điểm xung yếu bằng nhiều nguồn vốn.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, trong thời gian tới sẽ khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai; rà soát, điều chỉnh quy chế hoạt động, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp.
Đồng thời, tiến hành rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời; nhất là các tình huống bão muộn trên biển Đông, đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ; mưa lũ lớn sau thời gian hạn hán kéo dài như dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và kinh nghiệm của nhiều chuyên gia.
Bên cạnh đó, khẩn trương kiểm ra, rà soát đầu tư nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, khu tầu thuyền neo đậu trú tránh bão. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, nhất là quan trắc, giám sát, dự báo phục vụ chỉ đạo, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.