Hơn 1,1 triệu người khuyết tật được hưởng trợ cấp hằng tháng
Theo báo Quân đội Nhân dân, hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Số liệu trên cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết thêm, hiện số người khuyết tật được tiếp cận các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Đến nay đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người. Số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng hơn 1,1 triệu người. Cả nước đã thành lập được 20 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường.
Giáo dục nghề nghiệp, phổ biến pháp luật và tạo việc làm cũng đặc biệt được quan tâm, trong giai đoạn 2012-2022, bình quân mỗi năm có từ 17.000 đến 20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Cả nước có 63 trung tâm dịch vụ việc làm, bình quân mỗi năm các trung tâm đã tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho khoảng 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%...
Nâng cao nhận thức về chính sách pháp luật cho người khuyết tật (Ảnh minh họa).
Chia sẻ với báo Lao động Thủ đô, chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai Phạm Quang Khoát cho biết, Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai hiện có hơn 300 hội viên. Hội đã và đang phối hợp với các tổ chức đoàn thể tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội của quận cũng như đóng góp ý kiến trong nhiều văn bản liên quan đến người khuyết tật.
Bên cạnh đó, Hội cũng đã chủ động sáng tạo, tập trung tổ chức nhiều hoạt động như: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, kế hoạch hỗ trợ người khuyết tật của Nhà nước, Thành phố và của quận Hoàng Mai tới người khuyết tật; vận động và tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện Luật Người khuyết tật; nâng cao năng lực cho cán bộ Hội. Đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn, trau dồi kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm trợ giúp pháp lý cho hội viên. Từ đó, giúp họ vượt lên khó khăn, mặc cảm, nỗ lực học tập, lao động, hoà nhập cộng đồng.
Theo chuyên trang Pháp luật và Xã Hội, trong những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người khuyết tật luôn được Hội Người mù Thành phố Hà Nội quan tâm.
Ngoài ra, Hội còn thường xuyên tổ chức các chương trình, hội nghị tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn. Qua đó, giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trong khuôn khổ chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho người khuyết tật, các luật sư được mời tới chia sẻ cũng đã giải đáp nhiều câu hỏi cho cán bộ, hội viên của Hội. Đồng thời, chia sẻ và nâng cao kỹ năng cho người khuyết tật khi xử lý các tình huống vướng mắc tới pháp luật. Dành sự quan tâm đặc biệt tới cộng đồng người khuyết tật, nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân nói chung và cộng đồng những người khuyết tật nói riêng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.