Nét đẹp văn hoá của người Thái - Mai Châu
Nơi đây từng hội tụ những chiến sỹ Tây Tiến, những đoàn quân tiến về Tây Bắc giải phóng Điện Biên rồi đón đoàn quân trở về trong những điệu xòe, những đêm múa sạp đầm ấm tình quân dân
Các đồng chí lãnh đạo huyện cho biết: “Đảng bộ và nhân dân Mai Châu rất tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương”. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Mai Châu, Hòa Bình các dân tộc anh em chung sống đoàn kết, ổn định và phát triển. Nhiều quy tắc trong thế ứng xử đã thành thói quen, trở nên một phản xạ tự nhiên ứng xử đối với mọi người.
Du khách du lịch trong và ngoài nước đến với Mai Châu bị cuốn hút bởi tình đất, tình người ở Bản Lác, Bản Văn, Bản Pom Coọng, một thung lũng ngút ngàn mây xanh, nơi sinh sống của dân tộc Thái với 5 dòng họ: Cầm, Lò, Hà… Theo Trưởng Bản Hà Công Tím: “Bản Lác đã có tuổi đời trên 700 năm”. Bản Lác cho du khách khám phá, thưởng thức những đặc sản của núi rừng, tận hưởng khí hậu trong lành, mát mẻ được thiên nhiên ban tặng với vẻ đẹp hùng vĩ, hiếm có. Điều đầu tiên du khách nhìn thấy là những nếp nhà sàn nép mình dưới thung lũng xanh tươi, bảng lảng trong làn sương mờ ảo được mệnh danh là: “Thung lũng trong sương”
Nét đẹp ứng xử của người Thái Mai Châu
Bố mẹ và con cái trong gia đình người Thái ít khi to tiếng với nhau. Đứa trẻ sinh ra đã được bố mẹ chăm ẵm chu đáo, Nhà có thịt con gà hay con vịt bao giờ cũng dành cái đùi cho các con . Từ năm đến mười tuổi, bố mẹ thường dẫn con đi xem lễ, ăn cưới, con cái được ngồi cạnh, có phần riêng. Trên mười tuổi, các con có quyền gây dựng vốn. Con trai gây vốn bằng cách kiếm cá, lấy gỗ, làm lương dẫy, săn bắn thú…
Con gái đi lấy măng, nhặt quả, dệt vải, chăn nuôi… Vốn đó bố mẹ không xâm phạm.
Chàng rể có bổn phận chăm sóc bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ của mình, Con dâu, khi đã về nhà chồng vẫn có quyền đi lại thăm hỏi bố mẹ đẻ, các bậc cha mẹ không có sự phân biệt con đẻ và con nuôi, con vợ lẽ và con vợ cả, con chung và con riêng… tôn trọng sự lựa chọn người yêu của con cái
Trong ngôi nhà của người Thái Mai Châu, mỗi cặp vợ chồng ở một màn, màn rộng, màu xám thay cho tấm phên ngăn. Hôn nhân của người Thái quy định người con trai phải ở rể một đến ba năm, sau mới chính thức đưa vợ về nhà mình. Quy định đó đã phần nào hạn chế tính gia trưởng, phụ quyền, tạo điều kiện cho người vợ và người chồng hướng tới sự bình đẳng, sống có trách nhiệm với nhau.
Có chứng kiến một cuộc đón khách đến nhà, mới thấy hết tấm lòng quý khách của dân tộc Thái. Khách tới nhà có nhiều loại, có khách đến chơi thăm, lại có khách đến nhờ vả. Dù là khách nào chăng nữa hễ đã đến chân cầu thang, cầm gáo ống nứa múc nước rửa chân, gia đình vui mừng lắm, ống nứa rửa chân thường bé, không phải làm thế để tiết kiệm nước, đây là cách hãm chân khách, khách có rửa chân lâu một chút, người trên nhà mới kịp chuẩn bị chu đáo. Khách lên sàn, bà chủ đã vận quần áo đẹp ra đón, dịu dàng trải chiếu để chồng mời khách…
Bản của người Thái gồm nhiều nhà sàn dựng liền nhau, nhà nọ gọi nhà kia nghe rõ. Đây là kiểu bố cục để chống thú dữ và giặc cướp vào bản, Bản gồm nhiều dòng họ khác nhau cùng cộng cư sinh sống, có ý thức cộng đồng cao. Các già làng được tôn trọng, có uy lực sai khiến con cháu.
Mỗi thành của bản đều chịu sự chăm lo giúp đỡ nhiều các thành viên khác trong bản, vì lẽ đó trong họ xuất hiện tâm lý chịu ơn. Đã chịu ơn phải có trách nhiệm quý trọng, giúp đỡ trả lại người cùng bản. Xã hội Thái không chấp nhận lối sống chỉ biết có mình, vun vén cho mình, càng không chấp nhận lối sống tự phụ, huênh hoang, vỗ ngực ta đây là người tài, người giỏi.
Trong xã hội cổ truyền Thái, mẫu người lý tưởng không phải là bậc hiền nho quân tử của đạo Khổng, càng không phải là mẫu người lắm tiền nhiều của, mà là người chăm việc lo lắng cho dân trong làng bản, xả thân giúp đỡ mọi người khi cần thiết.
Khiêm nhường là đặc trưng trong giao tiếp của dân bản Thái. Họ không nhận về mình cái hay, cái giỏi cho đó là còn kém, còn phải vươn lên nhiều mới xứng lời khen của mọi người.
Người Thái Mai Châu là vậy. Quý trọng con người, không gen gét, hẹp hòi, đố kỵ… rất mến khách, luôn đoàn kết giúp đỡ gắn bó như anh em một nhà, đó là truyền thống tốt đẹp của các dân tộc sống trong “thung lũng mờ sương”huyền ảo, thấm đậm tình đất và tình người Mai Châu.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.