Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình áp dụng công nghệ để quản lý, bảo vệ rừng
Những năm gần đây, ngành kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ ứng dụng ảnh vệ tinh trong theo dõi, giám sát tài nguyên rừng; theo dõi diễn biến rừng gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng, diễn biến rừng. Năm 2023, tỉnh Quảng Bình hiện có 549.571,59 ha rừng; trong đó rừng tự nhiên 469.960,95 ha; rừng trồng 79.610,64 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 68,7%, tăng 0,01% so với năm 2022. Đây chính là tiềm năng và cơ hội rất lớn khi tham gia vào thị trường các - bon trong nước và quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững và duy trì ổn định độ che phủ rừng của tỉnh Quảng Bình vào năm 2025 theo kế hoạch đề ra.
Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình ứng dụng phần mềm frms 4.0 trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Hiệu quả ứng dụng công nghệ vào quản lý, bảo vệ rừng
Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4527/QĐ-UBND ngày 25/12/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Bình đến 2020, định hướng đến năm 2025 để triển khai thực hiện; đồng thời triển khai các cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp là 615.530,15 ha, trong đó đất quy hoạch rừng đặc dụng 144.310,83; đất quy hoạch rừng phòng hộ 151.888,88 ha; đất quy hoạch rừng sản xuất 319.330,44 ha.
Cùng với quản lý bảo vệ rừng, trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, việc ứng dụng KHCN như sử dụng máy bẫy ảnh để phục vụ cho công tác điều tra, giám sát về các loài thú, các loài động vật quý hiếm; sử dụng máy ghi âm trong việc điều tra các loại động vật quý hiếm cần được bảo tồn sử dụng máy ảnh có độ phân giải cao để kiểm tra, theo dõi và ghi nhận các loài động vật, thực vật trong khu bảo tồn. Qua đó giúp cho việc ghi nhận sự có mặt, giám sát các loài thú, động vật rõ ràng, chính xác và độ tin cậy cao hơn.
Nếu như trước đây, mỗi lần đi rừng, cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách ngành kiểm lâm địa phương phải đem theo bản bản đồ giấy, máy định vị, la bàn, thì nay tất cả đều được tích hợp trong một chiếc điện thoại thông minh. Mỗi ngày, cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách ngành kiểm lâm địa phương chỉ cần truy cập vào phần mềm cập nhật diễn biến rừng được cài đặt trên điện thoại, có thể theo dõi các điểm nghi ngờ thay đổi rừng từ ảnh vệ tinh cung cấp. Không chỉ giúp hỗ trợ việc xác minh, thu thập thông tin biến động rừng tại hiện trường, xác định ranh giới, tọa độ chính xác và hiệu quả, mà sử dụng các phần mềm chuyên ngành lâm nghiệp đã giúp các cán bộ cùng với các chủ rừng xây dựng phương án để đi kiểm tra, đo đạc vị trí cụ thể ở ngoài thực địa nhanh, thuận lợi, chính xác hơn.
Hiệu quả ứng dụng công nghệ vào quản lý, bảo vệ rừng
Theo Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý bảo vệ rừng đã và đang mang lại những hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, trong công tác quản lý rừng, các đơn vị đã chú trọng ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRMS, các phần mềm Mapinfo, Microstation, QGIS; các thiết bị để khảo sát, kiểm tra, đo vẽ thực địa như GPS, máy tính bảng, điện thoại di động được cài đặt phần mềm FMRS mobile, Vtool; các ứng dụng bản đồ, ảnh vệ tinh để cập nhật diễn biến rừng, khảo sát thực địa, kiểm tra, đo vẽ, cập nhật các thông tin hiện trường.
Việc sử dụng ảnh vệ tinh kết hợp phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp còn giúp cho lực lượng ngành kiểm lâm địa phương điều chỉnh, cập nhật diễn biến rừng qua từng tháng vào cơ sở dữ liệu FRMS, đồng bộ hóa dữ liệu theo dõi diễn biến rừng hàng năm.
Ứng dụng rộng rãi
Những năm gần đây, lực lượng kiểm lâm đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, bảo vệ rừng bằng các phần mềm như: FRMS, QGIS, Google Earth, VTools Survey…
Các phần mềm này đều đã được tích hợp lên máy tính bảng, điện thoại, hỗ trợ nhiều chức năng cho cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Với các tính năng như đo đạc, hỗ trợ kiểm tra thực địa, quản lý số lô rừng, trạng thái rừng, tên chủ hộ có rừng, loại cây trồng, năm trồng, trữ lượng…những phần mềm này giúp lực lượng kiểm lâm phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về tài nguyên rừng.
Quảng Bình hiện có 651.319 ha diện tích rừng và đất chưa có rừng (rừng tự nhiên 469.317ha, rừng trồng 120.722 ha, chưa có rừng 61.280 ha). Tỷ lệ che phủ rừng 68,70%, đứng thứ 2 cả nước, theo ước tính giai đoạn 2018 - 2025 với hơn 4,5 triệu tấn các - bon rừng giảm phát thải so với giai đoạn tham chiếu 2005 - 2015. Hiện Quảng Bình là 1 trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ tham gia triển khai thí điểm kết quả chuyển nhượng giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính.
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ đã và đang hỗ trợ tích cực cho lực lượng kiểm lâm tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng
Ông Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp là xu thế tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, giải quyết “bài toán” hạn chế về nguồn nhân lực. Chuyển đổi số còn góp phần giúp lực lượng kiểm lâm quản lý, nắm bắt được thông tin, thu thập số liệu tin cậy, kịp thời, chính xác, để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.
Để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, vừa qua, Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình phần mềm theo dõi diễn biến rừng frms đã được nâng cấp phiên bản frms 4.0 ứng dụng rộng rãi trên toàn quốc. FRMS tích hợp nhiều ứng dụng như xem ảnh vệ tinh, cập nhật các nguyên nhân biến động rừng và đất lâm nghiệp như trồng rừng, khai thác rừng trồng, cháy rừng, phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng...
Trước đây, khi chưa ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám, việc kiểm tra hiện trạng, diễn biến rừng cũng như nắm thông tin về các vụ việc phá rừng, cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả; đôi lúc chưa đạt hiệu quả như mong đợi. lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng phải vào rừng để tuần tra, kiểm tra, phát hiện bằng mắt thường các biến động rừng. Vì vậy nhiều biến động rừng và đất lâm nghiệp chưa được theo dõi kịp thời, cập nhật đầy đủ. Nhờ áp dụng ảnh viễn thám, phần mềm frms, hằng ngày, lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng kiểm lâm có thể rà soát và phát hiện được các biến động ngay tại nơi làm việc, sau đó mới tổ chức kiểm tra, xác minh các nguyên nhân biến động ngoài thực địa, cập nhật vào phần mềm kịp thời.
Nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ, công việc của lực lượng kiểm lâm giờ đây cũng thuận tiện hơn. Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa phương sử dụng điện thoại di động thông minh, máy tính cài đặt ứng dụng frms - Phần mềm cập nhật diễn biến rừng, phần mềm quản lý dữ liệu rừng ven biển Việt Nam kết hợp các phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp khác và thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo biến động rừng.
Phối hợp với UBND các huyện, xã có rừng, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sử dụng điện thoại, máy tính, máy định vị vệ tinh (GPS) kiểm tra, rà soát các vị trí có biến động rừng theo các nguyên nhân để cập nhật dữ liệu chính xác vào phần mềm theo dõi diễn biến rừng. Qua đó, giúp Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình tổng hợp kết quả theo dõi diễn biến rừng và diện tích chưa thành rừng của toàn tỉnh để tham mưu Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn trình UBND tỉnh quyết định công bố hiện trạng rừng toàn tỉnh. Đồng thời giúp lực lượng kiểm lâm nắm bắt thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời, chính xác đưa ra các giải pháp, hoạch định chính sách về phát triển lâm nghiệp trong tương lai. Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị và ứng dụng khoa học và công nghệ, Chi cục kiểm lâm tỉnh còn chỉ đạo, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nghiên cứu những sáng kiến, giải pháp hỗ trợ nghiệp vụ. Thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng khoa học và công nghệ đã và đang hỗ trợ tích cực cho lực lượng kiểm lâm tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, qua đó không chỉ góp phần ngăn chặn những biến động xấu xâm hại đến tài nguyên rừng, nhất là các vụ phá rừng trái pháp luật, bảo vệ động vật hoang dã mà còn thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Thời gian tới, Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo các hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là các phần mềm ứng dụng, thiết bị, ảnh viễn thám…trong công tác theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và phát hiện các vụ vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, động vật hoang dã và bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Hiện nay việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, BVR được lực lượng toàn ngành triển khai và đã mang lại những hiệu quả tích cực. Thời gian tới, chi cục sẽ đề xuất lên cấp trên xin đầu tư thêm các máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho công việc, như: Máy định vị GPS, máy tính bảng, máy tính có cấu hình cao, trang bị các phần mềm chuyên dụng, máy bay không người lái, lắp đặt những bộ giám sát có thể phát hiện tiếng cưa máy ở những khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại...".
Từ việc ứng dụng công nghệ số, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh được nâng cao. Các cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Nhận thức của nhân dân trong công tác tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được nâng lên, góp phần bảo vệ "lá phổi xanh" cho địa phương. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động của ngành kiểm lâm tỉnh nhà và đặc biệt là Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.