Nghệ An: Phấn đấu năm 2020 thực hiện xong việc xoá nhà ở tạm, dột nát cho gia đình người có công
Nghệ An là tỉnh có số lượng người có công với cách mạng lớn. Đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận và giải quyết chế độ cho trên 45 ngàn liệt sỹ, 2.669 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 6 ngàn cán bộ lão thành, tiền khởi nghĩa; gần 40 ngàn thương binh, 13 ngàn bệnh binh, 20 ngàn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học; trên 900 người là cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày; … Trong đó, đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên cho 77.211 người với số tiền chi trả gần 1.226.520 triệu đồng/tháng.
Ảnh minh họa
Thực hiện Quyết định số 40/2011/QĐ-TTgngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, đến nay tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định giải quyết chế độ trợ cấp cho 11.018 trường hợp, trong đó đã chi trả cho 10.500 người, với tổng kinh phí thực hiện: 25.904.836.900 đồng. Việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà cho người có công khó khăn về nhà ở cũng được triển khai ráo riết trong 4 năm qua theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện toàn tỉnh có tới 26.846 hộ cần hỗ trợ nhà ở, trong đó có 13.098 hộ sửa chữa nhà ở, 13.748 hộ xây mới nhà ở với tổng kinh phí ngân sách cần có để hỗ trợ theo quy định là 811,880 tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn cả về số lượng và kinh phí. Hiện trung ương đã cấp 34.889.000.000 đồng và tỉnh đã đối ứng 1.731.000.000 đồng để hỗ trợ cho 1.018 hộ người có công, trong đó có 305 hộ sửa chữa nhà ở, có 713 hộ xây mới nhà ở.Vẫn còn tới 25.828 hộchưa được hỗ trợ vì chưa có kinh phí.
Ngoài ngân sách nhà nước, cộng đồng xã hội cũng đã chung tay vào việc hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách, có công với cách mạng. Quỹ đền ơn đáp nghĩa toàn tỉnh hàng năm cũng đã thu được trên 18 tỷ đồng. Nhiều tổ chức hội phát động phong trào như Hội phụ nữ và thanh, thiếu niên với phong trào "áo lụa tặng mẹ, tặng bà" đã có hàng vạn sản phẩm quần áo, chăn màn tặng các gia đình thương binh liệt sỹ khó khăn. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Đến nay tất cả các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống của tỉnh đều được các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng, chăm sóc. Đi đôi với việc trợ giúp trực tiếp gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh và người có công, Nghệ An đã có sự quan tâm để giải quyết những vấn đề cơ bản, lâu dài cho sự ổn định và cải thiện đời sống các gia đình chính sách thông qua việc hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Và hiện nay đang thực hiện cải thiện nhà ở và xoá nghèo cho các hộ gia đình người có công, với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 thực hiện xong việc xoá nhà ở tạm bợ, dột nát và hộ gia đình người có công nghèo.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách người có công vẫn đang có những bất cập, trở ngại cả từ phía hệ thống văn bản pháp luật cũng như quá trình thực hiện. Hành lang pháp lý để thực hiện chính sách ưu đãi người có công qua nhiều năm bổ sung đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, cũng có không ít những chồng chéo, bất cập.
Chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam/Đioxin, khi triển khai đang rất vướng do sự thiếu đồng bộ trong các văn bản hướng dẫn, gây ách tắc trong khâu lập hồ sơ, như các giấy tờ chứng minh thời gian, các loại bệnh, việc chuyển hồ sơ giám định y khoa để xác định mắc bệnh rất chậm, văn bản hướng dẫn thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện; hiện chưa có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn về bệnh, tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh. Bên cạnh đó, do quy định chưa thật cụ thể, khoa học, nên việc áp dụng, thực hiện rất khó. Thêm nữa, vẫn chưa có hướng dẫn với trường hợp thương binh đồng thời là bệnh binh và cũng đồng thời là người mất sức lao động mà bị mắc bệnh, hoặc sinh con dị dạng, dị tật thì có được xem xét giải quyết chế độ chất độc hóa học không và giải quyết hưởng chế độ như thế nào.
Với đối tượng lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP cần thiết mở rộng thêm căn cứ xác nhận, đặc biệt là đối với người còn sống để việc triển khai trong thực tế được thuận lợi hơn.
Các văn bản cũng chưa hướng dẫn cụ thể về thủ tục, hồ sơ xác nhận liệt sỹ đối với trường hợp bị bắt, tra tấn. Trường hợp vợ liệt sĩ tái giá chỉ được hưởng trợ cấp hàng tháng, là thiệt thòi cho họ. Đối tượng này ở Nghệ An khá lớn, như vậy sẽ rất thiệt thòi cho nhiều gia đình.
Việc khám giám định vết thương còn sót cũng gặp nhiều trở ngại. Cần thiết phải quy định rõ ràng việc giám định vết thương còn sót là do trước đây bản thân đối tượng người có công với cách mạng khai còn sót, hay vì lý do Hội đồng giám định y khoa giám định còn sót.
Đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày: Theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH thì trường hợp hưởng chế độ tù đày được trả trợ cấp theo tháng kể từ ngày 01/9/2012 đối với trường hợp đã hưởng trợ cấp 1 lần (tức là truy nhận từ ngày 01/9/2012), nhưng có trường hợp vừa mới làm hồ sơ được hưởng thì không nhận được tiền truy lĩnh, trong khi có trường hợp làm hồ sơ trước thì được hưởng cả tiền truy lĩnh và tiền theo tháng, dẫn đến sự bất công giữa các đối tượng.
Việc ủy quyền về thờ cúng liệt sĩ, ký giấy xác nhận về phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng có một số trường hợp là anh em trong gia đình không chịu xác nhận nên việc lập hồ sơ gặp khó khăn. Đồng thời, số tiền phải chi trả cho các trường hợp này thì địa phương cũng lúng túng trong xử lý, vì không thể giao trực tiếp cho đối tượng khi còn vướng mắc mà cũng không thể giữ lại. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp gia đình có tranh chấp.
Trong trợ cấp một lần cho đối tượng hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, vẫn áp dụng mức trợ cấp 120.000 đồng/năm, mức trợ này ít và chậm thay đổi kể từ năm 1995. Trong khi mức trợ cấp của đối tượng khác thường xuyên được nâng lên.
Việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng được tỉnh nhà gắn với phong trào xây dựng đơn vị xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ theo 6 tiêu chuẩn hướng dẫn của Trung ương. Tiêu biểu như huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghi Lộc, TP Vinh, Nam Đàn, TX Cửa Lò đã có 100% số xã, phường, thị trấn được công nhận; nhiều xã, phường tiêu biểu như: Vân Diên, Nam Anh (Nam Đàn), Giai Xuân (Tân Kỳ), Quỳnh Đôi, Quỳnh Xuân (Quỳnh Lưu), Hưng Tân, Hưng Đạo (Hưng Nguyên), phường Nghi Thuỷ, Nghi Hòa (TX Cửa Lò), phường Hưng Bình, Hưng Hòa (TP Vinh), Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Đồng Hợp (Quỳ Hợp) ... đã chăm lo, và có nhiều cách làm "Đền ơn đáp nghĩa" hiệu quả thiết thực để 100% gia đình chính sách có mức sống khá. Tuy nhiên, ở một số địa phương công tác này triển khai còn chậm; lợi dụng sự thiếu hiếu biết thông tin của người có công nên cán bộ chi trả ở địa phương đã giữ lại tiền chi trả trợ cấp điều dưỡng phục hồi sức khỏe, tiền hương khói liệt sĩ, hoặc một số đối tượng đã lợi dụng chính sách để “khai man” hồ sơ hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, làm ảnh hưởng đến chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Với số lượng lớn người có công với cách mạng lớn, công tác quản lý và thực hiện các chính sách ưu đãi đặt ra cho tỉnh nhà nhiều yêu cầu rộng lớn. Trong khi đó Nghệ An vẫn còn là một tỉnh nghèo, lại liên tục phải chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lụt, đời sống nhân dân và người có công gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với việc nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về người có công với cách mạng, chính quyền và người dân tỉnh nhà cũng cần nỗ lực hơn nữa để các đối tượng là người có công với cách mạng được hưởng đâỳ đủ, kịp thời các chính sách của nhà nước, để cuộc sống của họ được giảm bớt những khó khăn, lúc đó tính ưu việt của chính sách tốt đẹp này mới phát huy được trọn vẹn.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.