Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan - Người “thổi hồn” cho Văn Hóa thờ Mẫu
Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Loan trong 1 lần hầu Đồng.
Bà sinh ra là để phụng sự cửa đình (thần) thờ Tam Tứ phủ, là con của Mẫu như một định mệnh. Phụ mẫu bà lúc đang là lãnh đạo đội du kích Hoàng Ngân ở quê nhà Hưng Yên, cụ luôn lấy đền Mẫu Tân La (nay thuộc thành phố Hưng Yên) để hoạt động cách mạng. Lúc thì nấp trên nóc đền, lúc lại nấp dưới những đống chiếu trong đền để chỉ đạo chị em đánh giặc. Khi cụ mang thai được 3 tháng, có đêm nằm mơ thấy con mèo rơi từ nóc đền xuống lòng mình.
Sau đó, bà được sinh đúng giờ Sửu ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Hợi (tức ngày 24 tháng 4 năm 1959), trùng với ngày Mẫu giáng đền Tân La. Lớn lên, bà từng sống trong chùa Bà Bẩy ở Kiến An, Hải Phòng gần nơi cha làm việc. Khi đó, cha bà là sư đoàn trưởng Sư đoàn 363 pháo cao xạ với nhiệm vụ bảo vệ thành phố Cảng thân yêu. Những đêm nằm trong chùa, bà thường mơ thấy “đầu trâu mặt ngựa” nhưng không quá bận tâm. Mãi đến sau này khi đã nghiên cứu về đạo Mẫu, bà mới nghe những người đồng già nói đó là cha mẹ đưa linh vật trông coi bà.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan nhận bằng khen của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín Ngưỡng Việt Nam.
Năm 2019, nghệ nhân Kim Loan trở thành một trong những thanh đồng, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cùng với 16 nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể thờ Tam phủ của người Việt.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan từng chia sẻ: “Trong bầu không khí tự do tín ngưỡng như hiện nay, nhiều tôn giáo, tín ngưỡng được phục hồi, phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, lớn mạnh nhất vẫn là đạo Mẫu, nhưng ranh giới giữa đạo Mẫu và nghi thức lên đồng còn quá mong manh, khiến phần lớn người dân cho rằng đây vẫn là hình thức “mê tín dị đoan”.
Bà hiểu sự kỳ thị này đều có nguyên nhân từ lịch sử, song cũng từ chính những biến tướng diễn ra trong thực tế thực hành tín ngưỡng hiện nay nên nhiều người vẫn lầm tưởng. Mắt thấy những giá đồng thiếu quy củ, tai nghe chuyện về những kẻ lợi dụng lòng tin để trục lợi, bà hiểu nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là sự thiếu hiểu biết về đạo và lòng tham của con người.
Nhìn thấu được những góc khuất ấy, bà luôn lấy đó làm điều răn chính mình. Đồng thời dạy bảo con nhang đệ tử trong bản hội, nhắc nhở họ tránh phạm phải lỗi lầm, cùng nghiên cứu về lịch sử đạo Mẫu, học hát những làn điệu dân ca, tìm hiểu về nghi thức hầu đồng. Bà nói: "Là con Mẫu mà không biết về Mẫu, không hiểu tường tận thì sẽ thực hành không đúng, gây nên những cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội đối với Đạo Mẫu cũng như nghi lễ hầu đồng" - nghệ nhân Kim Loan khẳng định.
Với vai trò là phó chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hoá đạo Mẫu Việt Nam - trực thuộc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam,nghệ nhân Kim Loan luôn cùng các thanh đồng đạo quan và các nhà nghiên cứu dày công hỗ trợ cho Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Liên tiếp tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm khoa học ở các tỉnh thành, địa phương. Thường xuyên cố vấn, giúp đỡ những người làm công tác văn hóa của thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh cả nước nói chung trong việc quản lý hoạt động tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan mong muốn đem nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu tiếp xúc gần hơn với giới trẻ và người dân Việt Nam cũng như thế giới.
Gần đây, bà đã cho ra đời 1 số tác phẩm âm nhạc như “Bài ngợi ca Mẹ Bát nàn đại tướng Đông Nhung, Nhớ nhau, Đông Về, Cô đồng say, Ơn cha mẹ, Bản tình ca xa xôi, Trả lại cho em, Đường tu và chảnh của đồng, Hương nhãn tình nồng, Tôi thích, Hưng Yên đẹp tươi…” đã được giới thiệu và biểu diễn trong chương trình “Hướng về di sản” chào mừng ngày Di Sản văn hoá Việt Nam tại Nhà Hát Lớn Hà Nội ngày 24/11 vừa qua. Với mong muốn hình ảnh nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu được mọi người tiếp nhận và nhìn nhận hơn, góp phần lưu giữ và bảo tồn nét đẹp trong tín ngưỡng văn hoá dân gian của dân tộc.
Ở tuổi 62, nghệ nhân ưu tú Kim Loan không cho phép bản thân nghỉ ngơi, mà vẫn đắm say, nhiệt huyết, trăn trở với tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian. Bà luôn ý thức được trách nhiệm của mình, đau đáu tìm hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đạo Mẫu, ra sức lan tỏa tín ngưỡng dân gian này sao cho xứng đáng với sự vinh danh của cộng đồng trong nước và cộng đồng quốc tế.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.