Nghị lực vượt khó của chàng trai với đôi tay “chim cánh cụt”
Dương Hữu Phúc hiện đã 28 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn. Công việc chính của Phúc là bán hàng online trên nền tảng xã hội như TikTok. Trước đó, Phúc từng bán hàng rong trên những con phố nhỏ trên bờ Hồ Gươm. Các mặt hàng chủ yếu là đồ chơi trẻ em hình thú đáng yêu, tạo được nhiều thiện cảm với người trên phố đi bộ.
Hình ảnh đời thường của Dương Hữu Phúc
Phúc chia sẻ, năm lớp 12, bên cạnh giờ học trên lớp, Phúc tranh thủ thời gian lúc rảnh rỗi đi làm thêm nghề cơ khí ở gần nhà để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Một ngày, Phúc đang làm thì bất ngờ bình oxy phát nổ khiến 2 cánh tay của em bị tổn thương.
Phúc được đưa vào viện cấp cứu. Nhưng sau đó bị nhiễm trùng xương, nên em được chuyển thẳng xuống Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp tục điều trị.
Phúc thường xuyên bán đồ chơi trên nhiều tuyến phố đi bộ, khiến nhiều người cảm động
Được sự động viên của gia đình, bác sĩ, Phúc đã cố gắng gượng dậy, vượt qua cơn đau, bệnh tật. Một tháng sau khi điều trị, Phúc được xuất viện trở về nhà.
Sự cố năm đó khiến Phúc phải cắt một phần cánh tay, cuộc sống hoàn toàn bị đảo lộn. Phúc phải tập làm quen với các đồ vật khi mất đi đôi tay, tất cả mọi việc, từ đơn giản nhất như đánh răng, rửa mặt, ăn uống đến cả việc giặt quần áo, cầm nắm các đồ vật...Thiếu tình thương của bố từ nhỏ, chị gái đã đi lấy chồng nên khi đó, mẹ là chỗ dựa và là “cánh tay” giúp Phúc mọi việc.
Trước đó, Phúc từng bán vòng hoa đội đầu nhưng thu nhập bấp bênh, dịch bệnh khiến cuộc sống thêm khó khăn
Hơn một năm sau tai nạn, Phúc vẫn mong ước được đi học và chạm tới ước mơ trở thành Kỹ sư thiết kế đồ hoạ. Một lần tình cờ thử cầm bút lên viết tên của mình, Phúc thấy bản thân vẫn có thể viết được. Phúc xin mẹ đi học lại lớp 12 và đến năm 2016, em xuất sắc thi đỗ Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ.
Sau 4 năm học tập tại Đại học, Phúc luôn cố gắng không nghỉ bởi em tin rằng, mọi nỗ lực đều được đền đáp và chỉ có học tập mới dẫn đường đến thành công.
Mới đầu, nhiều người chưa quen còn tỏ ra miệt thị với Phúc, nhưng khi biết hoàn cảnh đó, ai nấy đều cảm thông và giúp đỡ
Sau khi tốt nghiệp, Phúc trở thành nhân viên thiết kế nội ngoại thất cho một công ty ở Hà Nội, với thu nhập phù hợp để trang trải cuộc sống. Cuối tuần, Phúc lại ra phố đi bộ Hồ Gươm rao bán đồ chơi cho trẻ em kiếm thêm thu nhập giúp mẹ chữa bệnh suy thận.
Phúc tâm sự: “Em khá may mắn vì vẫn có thể tự làm được một số việc phụ giúp gia đình. Em thích theo dõi các bạn sáng tạo nội dung trên TikTok, nhiều kênh truyền cảm hứng tích cực cho em, nên em cũng tập tành quay video và đăng tải”.
Kênh tiktok của Phúc hiện có hơn 100k lượt theo dõi, hơn 2,3 triệu lượt thích
Những thước video đầu tiên còn khá vụng về nhưng điều khiến Phúc vui là được làm chính mình, được nhiều người chia sẻ và động viên khi biết hoàn cảnh. Phúc cũng tìm hiểu cách bán hàng trên mạng, đăng ảnh sản phẩm, phát trực tiếp quảng cáo sản phẩm, tăng thêm thu nhập.
Sau mỗi giờ livestreams bán hàng, dù muộn nhưng Phúc vẫn cố gắng đóng hàng để gửi đến khách
Từ ngày làm nội dung trên TikTok, cuộc sống của Phúc nhiều tiếng cười hơn. Mỗi tin nhắn đều chứa đựng tình cảm yêu thương, sẻ chia của những người chưa từng quen biết. Các đơn đặt hàng đồ chơi cũng từ đó nhiều lên. Phúc không còn phải vất vả đứng nắng mưa trên phố bán hàng. Phúc mong muốn mẹ và bản thân có thật nhiều sức khỏe, làm nhiều việc có ích để sống vui vẻ mỗi ngày.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.