Thương binh nặng không đầu hàng số phận
2016-06-27 16:25:45
0 Bình luận
Từng bị địch tra tấn, tù đày trong kháng chiến chống Mỹ, trở về cuộc sống đời thường, thương binh Đỗ Trọng Vinh (SN 1947), thôn Ngàn Am, xã An Dương (Tân Yên) với nghị lực phi thường đã vượt lên khó khăn phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Dũng cảm trong chiến đấu
Dù biết ông là thương binh nặng nhưng khi gặp, tôi hầu như không nhận thấy vẻ gì khác biệt, ngoài một bên chân đi giày và chân còn lại đi...dép. Ông đùa vui, chân đi dép là của mẹ, còn chân đi giày là của "núi rừng" (tức là làm bằng gỗ). Đó là thương tích chiến tranh của người cựu binh này.
Câu chuyện về tháng ngày đầy gian khó nhưng hào hùng và oanh liệt của một người lính bắt đầu từ đây. Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở giai đoạn ác liệt, ông Vinh nhập ngũ, hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ và trở thành chiến sĩ trinh sát đặc công. Ban ngày, ông ngủ trong hầm bí mật, đêm tối luồn qua nhiều lớp hàng rào thép gai, trà trộn vào khu dân cư, thu thập, nắm tình hình quân địch.
Cái nghề mà ông gọi vui là “lính phơi áo hàng rào” luôn cận kề với hiểm nguy. Ngay dưới những dãy thép gai, quân thù thường cài nhiều loại mìn sát thương lớn, chỉ sơ sểnh là những chiến sĩ đặc công có thể phơi thân trên hàng rào. Nhưng gian nan, hiểm nguy không thể khuất phục được những chiến sĩ Quân giải phóng. Hơn ba năm ở chiến trường, ông đã cung cấp nhiều thông tin quý để đơn vị triển khai đánh địch có hiệu quả.
Năm 1970, trong một lần thực hiện nhiệm vụ, ông Đỗ Trọng Vinh bị địch bắt đưa về khám Chí Hòa. Tại đây, chúng dùng nhiều đòn tra tấn tàn bạo nhất đối với người chiến sĩ cách mạng. Không khai thác được gì, địch tháo khớp một bên chân của ông, để vết thương hở, thường xuyên chảy máu, da không bọc kín được. Nén chặt nỗi đau đớn, hằng ngày, ông giấu một ít muối để rửa vết thương trong gần 4 năm ở tù. Cách làm ấy không làm vết thương lành nhưng ít nhất đã giúp ông tránh được nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử. Với ý chí kiên cường của người lính, ông tự vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt để tồn tại.
Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, ông được thả tự do trong lần trao đổi tù binh. Khi về trại điều dưỡng thương bệnh binh, ông chỉ còn 30kg. Được các bác sĩ quân y hết lòng cứu chữa, sau ba lần mổ, vết thương liền da. Năm 1975, ông trở về với gia đình.
Gian khó không sờn lòng
Trở về quê hương khi đất nước đã hòa bình là niềm hạnh phúc vô bờ. Ông nên duyên với bà Nguyễn Thị Thành và sinh 4 người con. Là trụ cột gia đình, cựu chiến binh (CCB) Đỗ Trọng Vinh luôn trăn trở làm thế nào để thoát khỏi đói nghèo.
"Được may mắn trở về từ bom đạn ác liệt của chiến tranh, mọi khó khăn của cuộc sống không còn là trở ngại với tôi” - ông Vinh tâm sự. Hằng ngày, ông cùng vợ con “một nắng hai sương” xoay trần giữa vùng đất đồi cằn cỗi để gây dựng cơ nghiệp.
Ông trồng trọt, chăn nuôi theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Hơn hai chục năm trước, thấy ở quê chưa có máy xay sát, ông mạnh dạn đầu tư, kết hợp mua nhiều thóc tích trữ rồi bán chịu cho bà con, đến vụ mới thu hồi. Nguồn cám tận dụng được từ xay sát gạo, ông nuôi lợn, gia cầm.
Khi máy xay sát không còn hiệu quả, ông tìm hướng đi mới. Năm 2006, có chủ trương dồn điền đổi thửa, ông đổi ruộng lấy 6 sào ao liền khu, khoảnh để nuôi cá giống, cá thương phẩm. Quanh vườn nhà trồng 100 gốc vải, xoài, chuối, nhãn, dứa và trồng 1ha bạch đàn cao sản. Mỗi tấc đất thấm đẫm những giọt mồ hôi của người cựu binh kiên cường.
Từ một hộ khó khăn, gia đình ông trở nên khá giả, có điều kiện chăm lo, hỗ trợ các con tạo lập cuộc sống mới. Đến nay, 4 người con của ông đều trưởng thành, tích cực lao động, sản xuất. Giờ đây, tuổi đã cao, vợ chồng ông vẫn miệt mài với những công việc phù hợp với sức khỏe như nuôi cá, chăm sóc vườn cây, thu lãi mỗi năm hơn 100 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Duy Long, Chủ tịch Hội CCB xã An Dương, ông Vinh là điển hình tiêu biểu của người lính Cụ Hồ. Trở về địa phương là thương binh nhưng ông vượt lên mọi khó khăn của cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, có thời điểm còn tạo công ăn, việc làm cho một số người dân địa phương. Ông đã chứng minh nghị lực phi thường của người lính, biến “sỏi đá thành cơm”.
Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, ông Vinh còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, là Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Ngàn Am. Ông vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa, nhà thờ và sắp tới làm đường giao thông liên thôn. Năm 2013, gia đình ông vinh dự được công nhận “Gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu” cấp tỉnh./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo BGDT