Người chỉ huy trận đầu tiên đánh Mỹ của Sư đoàn 320
Tôi và đại tá Tô Xuân Hinh đến thăm Anh hùng LLVTND Trung tướng Khuất Duy Tiến khi ông vừa có chuyến công tác ở một số tỉnh Tây Nguyên để chỉ đạo Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng bằng (Sư đoàn 320) xây dựng bia chiến thắng ghi công các anh hùng liệt sỹ của Sư đoàn trở về Hà Nội. Vừa gặp thủ trưởng, đại tá Tô Xuân Hinh đã phấn khởi "Báo cáo thủ trưởng, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho cụ Chung rồi, vui quá, anh em trong ban liên lạc và gia đình Bác Tuẫn, vợ cụ Chung ở quê Thái Bình biết tin này phấn khởi lắm thủ trưởng ạ ". Trung tướng Khuất Duy Tiến nói: "Vậy là tốt rồi, suốt 5 năm trời cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Quân đoàn, cùng Sư đoàn và Ban liên lạc 320 theo đuổi bây giờ mới thấy nhẹ lòng một chút. Nghĩ về anh Chung, mình thương anh quá, còn sống thì anh Chung hơn mình một tuổi. Với mình, anh Chung là đồng đội, là bạn vong niên, cùng chia ngọt sẻ bùi khắc phục khó khăn gian khổ đánh giặc suốt hai thời kỳ kháng chiến cho đến chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Căm Pu Chia đánh đổ chế độ Pôn Pốt. Anh Chung là sỹ quan có tài, có tâm và có tầm chỉ huy đánh giặc giỏi. Ngày anh Chung hy sinh, mình mất đi cánh tay phải tham mưu đắc lực của Sư đoàn 320 đấy. Anh Chung là người chỉ huy cấp tiểu đoàn trực tiếp đánh Mỹ đầu tiên của Sư đoàn 320 ta, đã ghi vào sử sách của Binh đoàn Tây Nguyên".
Ngồi lặng một hồi lâu, ký ức cuộc chiến trở về với người tướng già, Trung tướng Khuất Duy Tiến chậm rãi kể: Ở cương vị là Tiểu đoàn trưởng, Trần Ngọc Chung được chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ chỉ huy đánh trận mở đầu phục kích cắt giao thông đường 9 ở khu vực dãy đồi Động Mã, tạo điều kiện cho hướng chính chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh bao vây tiêu diệt quân Mỹ ở Tà Cơn, Làng Vây. Trưa ngày 24 tháng 1 năm 1968, từ trận địa phục kích dưới chân đồi Động Mã, mặc cho máy bay trinh sát chỉ điểm và pháo địch bắn dọn đường gây một số thương vong cho bộ đội, nhưng Tiểu đoàn trưởng Trần Ngọc Chung vẫn đợi cho đoàn xe gồm 9 chiếc GMC chở đầy lính Mỹ lọt hẳn vào trận địa mới lệnh cho nổ súng tiêu diệt. Sau khi tiêu diệt 40 tên Mỹ, số lính Mỹ còn lại tháo chạy về căn cứ gần đó, Tiểu đoàn trưởng Chung dự đoán Mỹ sẽ cho quân phản kích, ông lệnh cho Đại đội 1 cơ động lên núi Kiếm cách trận địa 500 mét sẵn sàng đánh địch giải tỏa, lệnh Đại đội 3 chuẩn bị đánh vận động vào đội hình tấn công của địch. Đúng dự đoán của anh, quân Mỹ điều hai đại đội có 10 xe tăng, thiết giáp yểm trợ từ căn cứ Tân Lâm (241) ra phản kích thông đường, chúng đã bị cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn 7 do Trần Ngọc Chung chỉ huy đánh bại ngay ở phía Tây cầu Thiện Xuân. Vậy là ngay ngày đầu xuất kích đối mặt với quân Mỹ, Tiểu đoàn 7 đã đánh hai trận, tiêu diệt hơn 100 lính Mỹ, bắn cháy 2 xe tăng, 8 xe ô tô GMC. Chiến thắng của trận phục kích, phản kích Đường 9 ở Động Mã, Thiện Xuân, Tiểu đoàn 7 của Trần Ngọc Chung không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà còn tạo sức mạnh tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 trong cuộc đọ sức quyết liệt với quân Mỹ ở Cam Lộ, Gio Linh phía đông tỉnh Quảng Trị trong chiến dịch xuân hè 1968.
Trung tướng Khuất Duy Tiến, Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 và Đại tá Tô Xuân Hinh kể về Thượng tá Trần Ngọc Chung
Trung tướng Khuất Duy Tiến kể thêm: Bị đánh thảm bại trên dãy đồi Động Mã, hôm sau địch điều hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ quyết chiếm cao điểm 105 làm bàn đạp tấn công dãy chốt Động Mã của Tiểu đoàn 7. Được Bộ tư lệnh Sư đoàn giao nhiệm vụ phối hợp với Tiểu đoàn 8 tổ chức đánh địch khi chúng chưa kịp củng cố công sự. Trần Ngọc Chung đã nhanh chóng chỉ huy đơn vị chiếm lĩnh trận địa, trong khi lực lượng Tiểu đoàn 8 gặp khó khăn chưa bắt được liên lạc. Không để lỡ thời cơ, Trần Ngọc Chung trực tiếp bò vào cách địch 50 mét trinh sát mục tiêu, phát hiện địch đào dở công sự và căng bạt để ngủ, súng ống để ngổn ngang. Quyết đánh địch không đợi lực lượng Tiểu đoàn 8 sẽ mất thời cơ, 5 giờ sáng ngày 27 tháng 1 năm 1968, Trần Ngọc Chung phát lệnh nổ súng. Trận đánh chỉ diễn ra trong hai mươi phút, hầu hết quân Mỹ ở cao điểm 105 bị tiêu diệt, tiểu đoàn 7 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cắt đứt đường số 9.
Những năm 1972 - 1974, tại chiến trường Tây Nguyên với cương vị là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, Trần Ngọc Chung đã cùng Đảng ủy và chỉ huy Trung đoàn lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đánh hàng chục trận lớn nhỏ trên đường 19 phía tây tỉnh Gia Lai. Tháng 12/1972 tiêu diệt Tiểu đoàn 22 biệt động quân ở khu vực Nhà Lá. Tháng 9/1973 tiêu diệt Tiểu đoàn 80 biệt động quân ở cứ điểm Chư Nghé. Tháng 4/1974 đánh tiêu diệt Tiểu đoàn 82 biệt động quân cụm cứ điểm 711 Làng Siêu. Tháng 8 năm 1974, đánh tiêu diệt Tiểu đoàn 81 biệt động quân bên ngoài cứ điểm Plây Me. Ở trận đánh tiến công cứ điểm Chư Nghé ngày 22 tháng 9 năm 1973 khi ấy đại tá Tô Xuân Hinh là Trung đội trưởng, đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 trực tiếp chiến đấu dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Trần Ngọc Chung. Đại tá Tô Xuân Hinh kể: Trận đánh cứ điểm Chư Nghé, Trung đoàn trưởng Chung trực tiếp vượt qua ba hàng rào cứ điểm, hướng dẫn Tô Xuân Hinh đặt mìn định hướng ĐH 30 phá toang vật cản, còn lại tạo hố để bộ đội ém mình. Cửa mở thông, quân ta tràn lên tấn công, sau ba giờ thực chiến, quân ta làm chủ căn cứ Chư Nghé, toàn bộ Tiểu đoàn 80 biệt động quân của địch bị tiêu diệt. Chiến thắng này góp phần giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ hành lang vận chuyển chiến lược Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh (đoạn qua phía tây tỉnh Gia Lai và phía Bắc tỉnh Đắc Lắc. Trận công kiên tác chiến "Bí mật cơ động lực lượng, hình thành thế bao vây, tập trung hỏa lực và lực lượng, phương tiện đột phá trên hướng chủ yếu dùng bộc phá mở cửa nhanh, liên tục của Trung đoàn 48 do trung đoàn trưởng Trần Ngọc Chung chỉ huy được đánh giá là bước phát triển mới nhiều mặt về phương thức tác chiến tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở địa bàn rừng núi ". Trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 trên cương vị Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 320, Trần Ngọc Chung được cử trực tiếp xuống Trung đoàn 48 chỉ đạo các phương án chiến đấu, Trung đoàn 48 đã đánh thắng giòn giã các trận có ý nghĩa quan trọng như Thuần Mẫn - Đường 14 , Đồng Dù - Củ Chi Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3 năm 1975, góp phần cùng Sư đoàn lập chiến công to lớn…
Dừng câu chuyện khá lâu, vầng trán người tướng già như giãn ra, hình như ông không chế ngự được cảm xúc khi nói về người đồng chí, người bạn vong niên mấy chục năm sát cánh chiến đấu. Mắt rướm lệ, giọng chùng xuống, ông kể: Sáng hôm ấy, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Sư đoàn Trần Ngọc Chung tắm giặt rồi ăn sáng, sau đó trực tiếp báo cáo Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến đi kiểm tra đốc chiến ở Trung đoàn 48. Khi xe đến Đường 3, Ta Keo, tỉnh Căm Pốt thì trúng đạn phục kích của tàn quân Pôn Pốt, Thượng tá Trần Ngọc Chung đã hy sinh.
29 năm quân ngũ, dù ở cương vị nào Trần Ngọc Chung cũng thể hiện bản lĩnh chỉ huy quả cảm, quyết đoán, nêu cao trách nhiệm cá nhân trước tập thể, dám nghĩ, dám làm. Những trận đánh mà ông chỉ huy đều vận dụng sự linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật quân sự, không chỉ có hiệu xuất chiến đấu cao, mà quan trọng hơn là mất ít xương máu của chiến sỹ. Thành tích trong chiến đấu và chỉ huy chiến đấu của thượng tá Trần Ngọc Chung gắn liền với thành tích đặc biệt xuất sắc của Trung đoàn 48 Thăng Long hai lần được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.
Ngày 26 tháng 4 năm 2018 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định 622/QĐ/ CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho thượng tá Trần Ngọc Chung. Báo Quân khu Ba giới thiệu bài viết "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Ngọc Chung" qua lời kể của Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 và đại tá Tô Xuân Hinh, nguyên là Phó Chính ủy Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Binh đoàn Tây Nguyên (Quân đoàn 3).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.