Người đàn ông liệt nửa người là chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho gần 30 công nhân

2021-10-25 07:08:33 0 Bình luận
"Với tôi, khuyết tật chỉ là bất tiện chứ không phải bất hạnh", Việt Hoài, ông chủ ngồi xe lăn của một doanh nghiệp xã hội, mở đầu câu chuyện về đời mình.

Phạm Việt Hoài bị liệt nửa người sau một tai nạn năm 7 tuổi. Dù ngồi xe lăn, bản tính hiếu động trong cậu bé Hoài không đổi. Cậu luôn là thủ lĩnh ý tưởng của đám trẻ trong khu tập thể gần cầu Chương Dương. Thấy người ta phá bỏ công trình xây dựng cũ, Hoài rủ các bạn đi đẽo gạch cũ mang về bán lại lấy tiền mua bánh. Không chạy nhảy được, cậu bé khiếm khuyết vẫn đẽo vữa, xếp lên xe lăn lắc tay, chuyển đến nơi tập kết.

Trẻ con ngày đó có trò chọi cá. Người thua mất luôn con cá cho người thắng. Hoài luyện cá chọi để đánh thắng thật nhiều, sau đó luyện lại đám cá thua cuộc đó, mang bán lại cho những đứa trẻ không có tiền mua mới. "Chúng nó chơi quay, chọi gà, chọi cá... Tôi cũng chơi. Tôi chẳng thấy mình khác biệt khi đứng cạnh bạn bè", anh kể.

Nhưng về nhà, Hoài như trở thành một con người khác. Cậu bé phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ và hai anh trai. Năm 14 tuổi, một ngày mùa hè nóng như đổ lửa, chỉ mình Hoài ở nhà. Cậu muốn tắm nhưng không ai hỗ trợ. "Tôi chợt nghĩ nếu mai này bố mẹ mất, các anh đi làm, tôi sẽ dựa vào ai", Hoài nhớ lại.

Anh lao xe lăn vào nhà tắm, cố dùng tay chống, nâng cơ thể sang ghế nhưng ngã nhào xuống đất. Sau một tiếng trầy trật dưới nền gạch, anh nghĩ ra cách úp ngược chậu tắm làm bậc thang, nhấc dần người từ thau lên ghế. Sau này, dù người thân chạy lại giúp, anh gạt đi. Hàng chục lần bầm dập vì ngã, cậu bé Hoài chủ động được trong sinh hoạt.

Anh Phạm Việt Hoài nói chuyện với phóng viên trong văn phòng của mình, hôm 19/10. Ảnh: Phạm Nga

"Vì sức khỏe yếu, cả nhà dồn tình thương cho tôi", Hoài kể. Anh trai tặng Hoài một bộ máy tính sau tháng đầu đi làm. Hoài học đánh máy và chỉnh sửa ảnh rồi mở dịch vụ này tại nhà để kiếm thu nhập.

Năm 18 tuổi, Hoài và hai người bạn thân mở cửa hàng dịch vụ photocopy ở đường Nguyễn Chí Thanh. Làm được hơn hai năm, cả ba phải thanh lý cửa hàng do không tìm được tiếng nói chung.

Trải nghiệm đầu thất bại không làm Hoài nản chí. Một lần anh tình cờ đọc về công nghệ đúc hàng rào bê tông của Nga, không cần xây móng như tường gạch, dựng rất nhanh, giúp tiết kiệm chi phí. Thấy tiềm năng, anh gọi thêm một người bạn cùng đầu tư. Ngồi xe lăn, anh đến các công trình khảo sát, thương thảo hợp đồng. Công việc thuận lợi, Hoài có tiền tỷ trong tay.

"Nhưng tôi nhận ra không phải người khuyết tật nào cũng làm chủ được đời mình. Gia đình, xã hội cũng mặc định người khuyết tật là yếu thế, ăn bám, làm họ tin mình vô dụng", anh nói. Hoài muốn hỗ trợ những người khuyết tật khác có cuộc sống độc lập như mình.

Đúng lúc đó, anh biết một nhóm người câm điếc được dạy nghề may, nhưng không tìm được việc làm. Hoài tập hợp họ lại, bàn với hai người bạn khác cùng góp vốn, thành lập doanh nghiệp xã hội chuyên làm các sản phẩm thủ công như thú nhồi bông, tạp dề, găng tay, nệm ghế salon.... Năm 2013, doanh nghiệp xã hội của anh ra đời.

"Tôi mang hàng đi chào bán, có người hỏi 'anh cần bao nhiêu, tôi hỗ trợ' vì thấy tôi ngồi xe lăn nên nghĩ muốn đến 'xin tiền'. Tôi khẳng định muốn hợp tác dựa trên chất lượng sản phẩm", anh nói.

Những cuộc gặp gỡ cuối cùng cũng mang về cho ông chủ doanh nghiệp non trẻ đơn hàng đầu tiên làm 300 con thú nhồi bông. Nhưng trong hơn hai tháng, 9 nhân viên không giao đủ số hàng như trong hợp đồng. Sau lần đầu mất điểm, Hoài bỏ luôn công việc xây dựng, chuyên tâm cho công ty mới thành lập.

Một góc xưởng sản xuất của công ty anh Hoài. Nơi đây có gần 30 nhân sự, trong đó có 24 công nhân là người câm, điếc. Ảnh: Phạm Nga

Anh xuống xưởng làm cùng nhân viên. Thấy họ nhồi bông bằng que bình thường, anh nảy ra ý tưởng làm que hình chữ V để nhồi được nhiều bông hơn. Hoài xây dựng quy trình sản xuất theo từng bước một. Anh đánh số, dán nhãn từng loại vải, từng chất liệu sản phẩm theo bước để nhân viên giao tiếp bằng ngôn ngữ kí hiệu dễ hiểu. Năm nay, hơn 1.000 đơn hàng, 24 nhân viên hoàn thiện chỉ trong sáu ngày.

Anh mở thêm tour trải nghiệm cho học sinh, sinh viên, khách nước ngoài để thay đổi nhận thức về người khuyết tật. Ở đó, các bạn trẻ bình thường tập điều khiển xe lăn trên nhưng các bậc thang, mặc áo bằng một tay, mặc quần mà không co duỗi khớp chân.... "Tôi muốn người trẻ hiểu rằng người khuyết tật rất khó khăn, nhưng cũng rất giỏi đối diện và vượt qua nghịch cảnh", anh nói.

"Tiếp xúc và làm việc với anh Hoài, tôi quên mất anh ấy là người khuyết tật. Anh dày dặn kinh nghiệm thương trường và đầu đầy ý tưởng", anh Kiều Tuấn, một stylist đã 5 năm làm tư vấn sản phẩm cho công ty của Phạm Việt Hoài, nói.

Sau hơn 8 năm thành lập, công ty hiện có gần 30 nhân viên, trong đó có 24 lao động là người câm điếc. Lê Vân, 27 tuổi, một công nhân thế hệ đầu cho biết, kể từ khi vào làm việc với những người khuyết tật giống mình nên thấy tự tin hẳn lên. "Anh Hoài là gương sống để bọn em học cách làm chủ cuộc đời. Em không còn nghĩ mình là kẻ vô dụng, ăn bám nữa", cô gái nói.

Anh Hoài bên vợ và con trai trong chuyến du lịch Mộc Châu năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đứng sau những nỗ lực khẳng định bản thân của anh Hoài là vợ, chị Bùi Minh Tâm. Anh chị kết hôn sau 10 năm yêu nhau trong sự cấm đoán của bố mẹ.

"Khi bên anh, tôi không thấy mình thiệt thòi, cũng không thấy anh khác biệt", chị Tâm nói. Với vợ con, anh là một nguồn năng lượng dồi dào và niềm lạc quan lớn. Lúc chị sinh con, nhìn anh Hoài ngồi xe lăn mà lau nhà, nấu cơm... nhoay nhoáy, mẹ chị mới yên tâm con mình không khổ.

Tổ ấm nhỏ làm cuộc sống của anh Hoài trọn vẹn hơn, bên cạnh những nhân viên và cộng sự xem công ty là nhà.

"Con người không cần hoàn hảo về hình thức, chỉ cần tâm hồn không khuyết tật, trái tim luôn khát khao và ý chí mạnh mẽ, lối rẽ nào rồi cũng sẽ đưa đến thành công", anh nói.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Lễ Công bố thành lập Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF

Sáng ngày 11/5, Lễ Công bố quyết định thành lập Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF đã diễn ra tại TP. HCM.
2025-05-11 15:09:35

Thủ tướng: Cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trước 31/10/2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025, sớm hơn 2 tháng so với mục tiêu ban đầu đã đề ra; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ (xong trước ngày 27/7) và người có công với cách mạng (xong trước ngày 2/9).
2025-05-11 13:21:21

Hải Phòng - minh chứng sống động cho ý chí và khát vọng vươn xa

Sáng 11/5, TP.Hải Phòng long trọng tổ chức chương trình duyệt đội ngũ và diễu hành quần chúng chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thành phố (13/5/1955 - 13/5/2025). Hải Phòng hôm nay không chỉ là “cái nôi” của những con tàu mà còn là minh chứng sống động cho ý chí và khát vọng vươn xa.
2025-05-11 11:14:01

Ngân hàng “đẩy vốn” tín dụng tạo cú hích kinh tế chuyển mình

Hệ thống ngân hàng Việt Nam vừa cung ứng vốn cho nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ 8% vừa duy trì kiểm soát lạm phát, cân bằng hài hòa tỷ giá và lãi suất trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước không ít khó khăn thách thức bởi cuộc chiến thương mại toàn cầu gia tăng.
2025-05-10 15:00:29

Quảng Ninh: Lễ thượng cờ Tổ quốc trang trọng, thiêng liêng trên đảo Cô Tô

Sáng 9/5, Huyện ủy, UBND huyện Cô Tô tổ chức Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đảo Cô Tô. Đây là một trong những hoạt động tiêu biểu của huyện đảo thiết thực Kỷ niệm 64 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô (9/5/1961-9/5/2025); kỷ niệm 135 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2025-05-10 14:54:49

Thành phố Hải Phòng công bố ‘điểm du lịch’ và khai trương đoàn tàu ‘Hoa Phượng đỏ’

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2025), Thành phố phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức công bố Ga Hải Phòng trở thành “điểm du lịch” và khai trương đoàn tàu chất lượng cao mang tên “Hoa Phượng đỏ”
2025-05-10 10:00:21
Đang tải...