Người đàn ông một tay chơi cùng lúc 2 nhạc cụ, nhiều người mê
Ông Thái Văn Hai (73 tuổi), hay còn gọi là Hai Cụt, ngụ xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Ngoài biệt danh Hai Cụt, ông Hai còn có biệt danh khác là "thầy đờn một tay" với ngón đờn ghita phím lõm nức tiếng một thời.
Ông Thái Văn Hai (Ảnh: Dân trí)
Ông cho biết, năm 16 tuổi, ông tham gia du kích bị trúng bom, mất cánh tay phải. Không còn đánh trận được nữa, ông Hai về quê làm vườn.
Hồi đó, người dân quê ông mê đờn ca tài tử, mỗi khi nhà ai trong ấp có tiệc lại mời những người biết hát vọng cổ, biết đờn ca tài tử đến góp vui. Từ thưởng thức, ông Hai dần yêu thích và mày mò tập đàn. Nhưng với người tật nguyền như ông, tay cầm đơn không chắc, nên không phải ai cũng cho ông mượn tập.
Lâu dần, sự mê đờn của ông Hai cũng khiến nhiều người cảm động, có vài người cũng muốn dạy ông Hai đánh đờn nhưng không dạy nổi. Các nhạc công đều đánh đờn bằng 2 tay, không ai biết làm sao để gảy bằng một tay nên chẳng thể nào dạy cho ông Hai được. Ngoài nhạc lý, tất cả những kỹ thuật còn lại ông Hai đều phải tự học, tự rút kinh nghiệm.
Mất một tay nhưng tài chơi đàn của ông Hai khiến mọi người ngưỡng mộ (Ảnh: Dân trí)
Sau thời gian dài tập luyện, ông Hai dần tiến bộ. Điệu "gảy một tay" của ông tạo nên thứ âm sắc độc đáo không giống bất kỳ ai. Tiếng đờn "khó nhọc" của ông Hai chứa đủ ai oán, tiếc thương, nỗ lực như cô đọng cảm xúc một đời người. Những tiếng đờn phát ra từ "thợ đờn một tay" đều khiến người nghe mê đắm.
Năm năm học nghề, đến năm 1971, tại một bữa tiệc trong vùng, tiếng đàn "độc" của ông Hai vô tình lọt vào tai ông bầu Đoàn cải lương Rạng Đông, rồi ông Hai được mời tham dự đội nhạc công của gánh hát. Kể từ đó, ông Hai đã cùng đoàn cải lương đi lưu diễn khắp các tỉnh miền Tây.
Ông có thể vừa dùng tay vừa dùng chân chơi nhạc cụ (Ảnh: Dân trí)
Năm 1973, sau một đêm diễn ở Sóc Trăng, ông Hai được người dân mến mộ mời ở lại mở lớp dạy đờn. Chuyện từ một người tàn tật không ai nghĩ có thể gảy đờn đến một người tàn tật có thể dạy đờn, mỗi lần nhớ đến ông Hai vẫn không khỏi tự hào.
Dạy đờn được mấy năm thì cưới vợ, ông Hai đưa cả gia đình về quê sinh sống. Tiếng đờn "một tay" không chỉ giúp ông Hai kiếm tiền nuôi được vợ con mà còn giúp ông dành về nhiều danh hiệu.
Ông Hai vui vẻ cho biết, mấy chục năm qua ông tham gia không it cuộc thi đờn lớn nhỏ, hầu như cuộc thi nào ông cũng đạt giải. Năm 1998, trong cuộc thi văn nghệ do Quân khu 9 tổ chức, với màn độc tấu ghita phím lõm bản Nam xuân vọng cổ, ông Hai dành được huy chương vàng.
"Hồi trước nhiều công ty du lịch mời tôi đi gảy đờn cho các đoàn khách quốc tế, thu nhập cũng được, hai năm nay dịch bệnh nên ở nhà. Cây đờn thay đổi cuộc đời tôi, lâu dần, người yêu đờn cũng ít đi nhưng có lẽ tôi thì yêu đến chết", ông Hai chia sẻ.
Người như ông Hai có thể gọi là "biệt tài", và ở miền tây không ít nhân vật như thế. Như ông Khưu Văn Chắc ở phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, An Giang. Ở tuổi U90, ông có niềm đam mê phượt bằng mô tô, chăm sóc hình thể.
Những bài tập gym cầu kỳ hay nâng tạ đến 80kg chưa bao giờ làm khó được ông Chắc. Trước đây, khi ở tuổi ngoài 50 sức khỏe của ông Chắc cũng xuống dốc như bao người trung niên khác khi mắc các chứng bệnh như cao huyết áp, tim mạch và bệnh gout.
Bước qua tuổi 60, ông Chắc không thể làm việc nặng, khuân vác nhiều một chút đã thở hổn hển, xương khớp cứ đau nhức triền miên. Được bạn bè thôi thúc ông quyết định đến phòng gym gần nhà rèn luyện, nâng cao sức khỏe.
Tính đến nay, ông Chắc đã tập gym được hơn 20 năm, mỗi ngày ông đều cố gắng dành 2 giờ đồng hồ cho việc tập luyện. Năm 2016, cụ ông 85 còn nhận được giấy chứng nhận huấn luyện viên thể hình, trở thành huấn luyện viên thể hình lớn tuổi nhất Việt Nam.
Ngoài tập gym, ông Chắc còn có đam mê với xe mô tô phân khối lớn. Năm 82 tuổi ông mới đi thi và lấy bằng lái xe mô tô. Cụ ông còn là "tay lái" cừ khôi thường xuyên "phượt" từ An Giang về Vũng Tàu để thăm người thân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.