Cựu chiến binh trồng cây ăn quả, thoát nghèo chỉ bằng một cánh tay
Ông Nguyễn Văn Sơn, 64 tuổi ở ấp Bình Long, xã Thanh Bình huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang là tấm gương thương binh vượt khó làm giàu.
Thời trẻ ông tham gia chiên trường tại Campuchia. Năm 1987, trong chuyến tuần tra tuyến đường biên giới Campuchia - Việt Nam, ông chạm phải mìn 652B (loại mìn tự động) bị mất nguyên cánh tay trái, cụt 3 ngón tay của bàn tay phải và hỏng 1 mắt trái, được công nhận thương binh 1/4.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sơn bên vườn thanh long của mình (Ảnh: VOV)
Trở về quê hương, ông Sơn quyết tâm khắc phục hoàn cảnh, không dựa vào nguồn trợ cấp thương tật của nhà nước để khẳng định bản chất của người lính Cụ Hồ.
Được cha mẹ cho riêng 3 công đất ruộng, ông trồng lúa, chăn nuôi heo và mở dịch vụ buôn bán tạp hóa. Công việc khá vất vả đối với một người thương binh mới lành vết thương, nhưng ông Sơn đã không ngại khó, ngại khổ và vượt qua, trước sự thán phục của mọi người.
Sau khi lập gia đình, ông Sơn ngày càng chăm chỉ làm lụng hơn như mở trại nuôi heo nái, bò thịt, mua máy bơm để bơm nước thuê cho người dân có nhu cầu và chuyển đất lúa sang trồng cây thanh long. Dù mất sức 81% nhưng ông vẫn lao động cật lực, phải thức khuya, dậy sớm. Những công việc khó khăn ngoài khả năng do hạn chế di chuyển thì có người vợ trợ giúp. Đồng vợ, đồng chồng công việc làm ăn thuận lợi, sau mỗi mùa vụ đều có tiền dư dành dụm. Tích góp từ lao động, vợ chồng người thương binh này đã mua thêm đất và đến nay đã làm chủ được 1 ha đất. Toàn diện tích đất này được ông đầu tư trồng cây thanh long, nay đã 7 năm tuổi.
Mặc dù đã ở tuổi 60, người thương binh này vẫn lấy lao động là nguồn vui. Không chỉ cần cù trong lao động sản xuất, thương binh Nguyễn Văn Sơn còn học Chủ tịch Hồ Chí Minh tính giản dị, tích cực trong các hoạt động địa phương. Với tâm niệm "Thương binh tàn nhưng không phế", ông Sơn vẫn tự tin chiến thắng trên mọi mặt trận.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.