Người đàn ông vượt biến cố trở thành giám đốc, tạo việc làm cho người cùng cảnh
Anh Phạm Văn Tám (SN 1971, trú ở thôn Tân Phúc, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Anh sinh ra khỏe mạnh như bao người khác và mang ấp ủ vào đại học. Chính sự đam mê của mình, anh đã nỗ lực thi đạt điểm cao vào trường đại học Đà Nẵng trong sự vỡ òa của gia đình và người thân.
Thế nhưng vui mừng chưa lâu, anh phải đối mặt với biến cố lớn nhất cuộc đời. Năm 1995, trong một lần đi phát rẫy thuê, anh bị tai nạn lao động và mất đi đôi chân vĩnh viễn. Không muốn cha mẹ buồn lòng, anh Tám tự động viên mình vượt qua, lạc quan và học tập mọi thứ.
Anh Tám nỗ lực vươn lên từ đôi chân tật nguyền, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương (Ảnh: Người đưa tin)
Dù ngồi trên chiếc xe lăn nhưng anh Tám đã học và làm rất nhiều việc, từ những việc nhỏ nhất như khoét sáo diều, đóng ghế nhỏ để bán. Ai thuê việc gì cũng làm, miễn sao có tiền để sống, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Như có duyên với nghề mộc, anh mày mò, tự học hỏi làm những sản phẩm lớn hơn, có giá trị hơn. Dần dần, anh không chỉ kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân mà còn mở được một xưởng mộc nho nhỏ. Cũng từ trong công việc, anh đã tìm được niềm vui trong cuộc sống.
Một thời gian sau, anh Tám mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư thêm thiết bị làm đồ gỗ, dần dần tay nghề lên cao. Lúc này anh đã nghĩ ra ý tưởng muốn giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ giống mình. Sau đó anh nhận những người khuyết tật trong xã đến học việc và tạo công ăn việc làm cho họ.
Trang trại nuôi bò của anh Tám (Ảnh: Người đưa tin)
Anh Tám chia sẻ, mơ ước duy nhất sau này của anh là xây dựng một cơ sở thật lớn để tạo công ăn việc làm cho thật nhiều người cùng cảnh ngộ.
Năm 2008, là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, khi anh gặp gỡ và kết duyên với chị Nguyễn Thị Từ, một người con gái cùng xã. Tình yêu của hai người không nhiều lãng mạn nhưng có thừa sự chân thành. Chính tình yêu của chị Từ đã trở thành nguồn sống mới giúp anh thay đổi cuộc đời. Niềm vui của đôi vợ chồng trẻ được nhân lên khi họ sinh được hai đứa con có nếp, có tẻ.
Tháng 6/2013, được sự giúp đỡ của hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Hà Tĩnh, anh Tám thành lập Doanh nghiệp tư nhân Diễm Phát do anh làm giám đốc. Doanh nghiệp của anh đã tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động là người khuyết tật và cho thu nhập đều đặn (mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng). Nhưng để thực hiện mục tiêu dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật, điều mà anh lo nhất là vốn, sau đó đến thị trường, máy móc đã lạc hậu cần phải đầu tư mua mới.
Bên cạnh đó, anh Tám còn mở rộng mô hình sản xuất trang trại chăn nuôi bò, trồng cây ăn quả. Năm 2018, anh Tám đã bàn với vợ cùng nhau xây dựng trang trại, mua gần 30 con bò về làm giống với tổng chi phí lên đến gần 500 triệu đồng. Ngoài ra anh còn mở rộng trang trại kết hợp trồng cây ăn quả, tạo thêm việc làm cho bà con địa phương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.