Người gieo giống cam 'tiến vua' Xã Đoài
Nhà canh tân vĩ đại
Nguyễn Trường Tộ (1830 - 1871) là một danh sĩ, kiến trúc sư, nhà cải cách xã hội Việt Nam ở thế kỷ XIX. Xuất thân trong một gia đình công giáo, cha làm nghề thuốc Đông y tại làng Bùi Chu (nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).
Nhà nghèo nhưng với bản tính thông minh, học hành chăm chỉ nên được mọi nguyền truyền tụng là "Trạng Tộ". Thế nhưng, ông lại không đỗ đạt gì có thể vì ông là người công giáo nên không được đi thi hoặc bản thân ông không muốn đi theo con đường khoa cử.
Nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ
Sau khi thôi học, Nguyễn Trường Tộ mở trường dạy Hán ngữ tại nhà rồi được mời dạy chữ Hán trong Nhà chung Xã Đoài (nay thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Tại đây, ông gặp Giám mục người Pháp Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu, nhận nhiệm vụ về Xã Đoài năm 1846) dạy cho tiếng Pháp và giúp tìm hiểu về các môn khoa học thường thức của phương Tây.
Nguyễn Trường Tộ là một trong những trí thức người Việt có cơ hội tiếp xúc với nhiều thành tựu văn minh, kỹ thuật phương Tây. Chính những điều đó đã tác động mạnh mẽ tới suy nghĩ của ông. Bước vào tuổi 30, Nguyễn Trường Tộ đã có vốn kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật... Ông là người có hoài bão lớn, khát khao canh tân đất nước mãnh liệt.
Từ những năm 60 của thế kỷ XIX, khi triều đình nhà Nguyễn suy yếu, đất nước dần rơi vào tay thực dân xâm lược, Nguyễn Trường Tộ đã đau đáu với nỗi niềm yêu nước, vận mệnh dân tộc và đưa ra những yêu cầu canh tân để sớm đưa đất nước hùng cường.
Trong cả cuộc đời của mình, Nguyễn Trường Tộ đã viết và gửi lên triều đình Huế 58 bản điều trần, luận văn, tờ bẩm, kiến nghị nhằm mục đích canh tân đất nước, chấn hưng dân trí, coi trọng khoa học, giáo dục tạo thế vững mạnh cho dân tộc để giữ vững độc lập, bảo vệ đất nước bằng sức mạnh quân sự, chính sách ngoại giao mềm dẻo.
Những cải cách, đề nghị của Nguyễn Trường Tộ khá toàn diện, bao quát hầu hết các lĩnh vực như chính trị, quốc phòng, kinh tế, nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính, giáo dục, văn hóa - xã hội...
Các đề xuất cải cách đất nước của Nguyễn Trường Tộ trình đệ vào những năm cuối đời đều được vua Tự Đức bàn đi tính lại nhưng đều không được sử dụng. Nguyên nhân chính là do bối cảnh chính trị - xã hội đương thời thiếu những điều kiện quan trọng để thực hiện các biện pháp, kế hoạch canh tân của Trạng Tộ. Vua Tự Đức và triều đình còn mang nặng tư tưởng thủ cựu, lạc hậu, xử lý vấn đề Nam Kỳ còn lúng túng, bế tắc.
Dù những tư tưởng cải cách của ông chưa được phúc đáp nhưng đã để lại nhiều bài học quý giá, nhiều vấn đề đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện những đóng góp to lớn của ông với nhân dân, với quê hương và đất nước.
Người gieo giống cam "tiến vua" Xã Đoài
Theo lịch sử ghi chép lại thì cam Xã Đoài có từ hàng trăm năm trước, là vật phẩm tiến vua và được vua phong lên thượng đẳng các loại cam bởi chính hương vị của nó.
Hiếm có loại trái cây nào có đặc tính đặc biệt và kỳ lạ như cam Xã Đoài. Hương vị ngọt dịu, thơm ngon, ăn xong trên môi còn dính chút mật như mật ong khiến cam Xã Đoài "quyến rũ" được bất cứ người nào từng may mắn thưởng thức.
Vườn cam Xã Đoài tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc
Trong cuốn "Lời hứa ghép tim" của tác giả linh mục Anton Trần Đức Hà, là người được sinh ra trên mảnh đất Xã Đoài có ghi chép lại sự kiện đó như sau: "Trong ký ức, thầy (bố) tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một câu chuyện của ông cụ Đậu Đình Văn, thân phụ cố linh mục Phêrô Đậu Đình Triều. Cụ Văn là người ở vùng biển Cửa Lò theo lời mời gọi của các thừa sai lên định cư tại Tân Hưng. Cụ là anh vợ và là hàng xóm sát nhà nội tôi, nhờ lòng thành kính dâng tiến vua Bảo Đại thứ cam ngon nên được Hoàng Thượng thưởng ban chức cửu phẩm để tỏ lòng biết ơn".
Theo cuốn Lịch sử xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), cam Xã Đoài có nguồn gốc từ châu Phi, được các cố đạo người Pháp mang đến Xã Đoài vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Không lâu sau, nó tạo nên một thương hiệu cam nổi tiếng mang tên ngôi làng mà nó hợp duyên, làng Xã Đoài.
Căn cứ vào các đặc điểm di truyền học, các nghiên cứu khoa học đều khẳng định giống cam Xã Đoài thuộc giống cam Valencia của Tây Ban Nha, được các nhà truyền giáo phương tây đưa vào Việt Nam từ hàng trăm năm nay.
Thế nhưng, đặc biệt thú vị khi chúng ta biết rằng người đã gieo giống, để tạo nên những cây cam đầu tiên mang tên Xã Đoài danh bất hư truyền sau này, chính là danh nhân Nguyễn Trường Tộ.
Sách "Catholicisme et sociétés asiatiques" (Công giáo và các xã hội Châu Á) của tác giả Alain Fores viết: "Tại tòa giám mục Xã Đoài, quê hương nơi ông trở về, ông đã xây dựng lại một ngôi làng trên vùng đất màu mỡ hơn và được tưới tiêu tốt hơn, để tạo ra nhiều loại cam Tây Ban Nha do các nhà truyền giáo giới thiệu và từ đó trở nên nổi tiếng".
Tìm hiểu sâu hơn về các tài liệu và tư liệu để lại thì nhân vật ông được nhắc tới trong cuốn sách chính là Nguyễn Trường Tộ, còn được gọi là Thầy Lân, một danh sĩ, kiến trúc sư và là nhà cải cách xã hội Việt Nam ở thế kỷ XIX chính là người đầu tiên đã gieo những hạt giống cam Tây Ban Nha trên mảnh đất Xã Đoài - Nghệ An - Việt Nam.
Nguyễn Trường Tộ bắt đầu gieo những hạt giống cam Tây Ban Nha tại Xã Đoài ở giai đoạn 1864 - 1871. Việc trồng cam của ông Nguyễn Trường Tộ đã được ông Thái Văn Kiểm ghi lại trong sách của mình từ năm 1972.
Việc tại sao Nguyễn Trường Tộ lựa chọn giống cam Tây Ban Nha về trồng tại quê hương Xã Đoài mà không phải là giống cây ăn quả khác có câu chuyện:
Thời kỳ đó, những người đi tàu trên biển mấy tháng, thiếu rau xanh sẽ mắc nhiều chứng bệnh. Sau đó có thủy thủ đem chanh, cam theo và uống thường xuyên lại giảm bệnh nên bác sĩ mới nghiên cứu trường hợp và bổ sung cam chanh trong thực đơn cho người đi lâu ngày trên biển để tăng sức đề kháng chống bệnh tật cho cơ thể.
Ông Nguyễn Trường Tộ, thời điểm đó có lẽ đã biết ưu điểm của quả cam với sức khỏe. Việc di chuyển từ nước này sang nước khác bằng đường biển dài ngày, ăn những quả cam ngọt lành, thơm mát, giàu vitamin là cách để giảm thiểu những chứng bệnh do thiếu rau xanh gây ra.
Những lợi ích đó, cùng với sự tư vấn giống cam của các nhà truyền giáo, sự am tường về chất đất, khí hậu ở quê hương là lí do hình thành nên những vườn cam Xã Đoài thơm ngon, nổi tiếng.
Cam Xã Đoài dù đã được nhân giống, chiết cành trồng ở nhiều nơi nhưng vẫn không đâu sánh bằng vùng đất Nghi Diên. Đó chính là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Theo lý giải của những lão nông gắn bó hết cả cuộc đời với cây cam Xã Đoài, thì cam ở đây ngon trước hết là do có giống cam tốt, lại được trồng trên nền đất thịt nặng có tầng canh tác sâu và hàng năm được bồi đắp một lớp phù sa lắng đọng của kênh nhà Lê.
Phía dưới tầng đất canh tác nếu đào sâu xuống khoảng trên dưới một mét sẽ thấy một lớp vỏ sò, hến, ốc biển đã và đang phân hủy. Đặc điểm của loại đất này cùng với giống cam tốt đã tạo nên hương vị thơm ngon nổi tiếng của cam Xã Đoài.
Quy trình canh tác truyền thống của cam Xã Đoài cũng rất kỳ công, kỹ lưỡng, đòi hỏi người trồng cam phải tuân thủ đúng kỹ thuật, tỉ mỉ từng công đoạn, tạo nên bí quyết truyền đời riêng tại đây.
Cam Xã Đoài có giá trị kinh tế cao
Cứ gần vào vụ cam chín, khách thập phương vì hâm mộ cam Xã Đoài ngon ngọt mà đến tận vườn để đặt. Càng sát Tết giá cam càng cao, có khi lên đến 100.000đ/quả, thậm chí có tiền mà chậm chân cũng không thể mua được loại cam đặc biệt này để thưởng thức hoặc làm quà biếu.
Cam thì ở nơi nào cũng có nhưng cam Xã Đoài thuộc hàng đặc sản, vỏ mỏng, nhiều nước, giọt cam sánh đậm đà như mật ong. Hương thơm của trái cam vương vấn, thơm ngào ngạt, lan toả trong không gian rộng lớn, len lỏi vào từng ngõ ngách khiến ai ngửi thấy cũng phát thèm. Đúng như miêu tả về hương vị cam Xã Đoài của nhà thơ Phạm Tiến Duật:
"Cam Xã Đoài mọng nước
Giọt vàng như mật ong
Bổ cam ngoài cửa trước
Hương bay vào nhà trong".
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.