Người khuyết tật nỗ lực khẳng định bản thân và xây dựng cộng đồng
Nỗ lực chiến đấu với nghịch cảnh, cùng với sự sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, không chỉ giúp người khuyết tật vươn lên mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng đa dạng và bền vững. Thông qua những hỗ trợ giải quyết việc làm, người khuyết tật có thể tự khẳng định bản thân, chăm lo cho chính mình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Chị Nguyễn Thị Ân - Trưởng Bộ phận Chăm sóc Khách hàng, Công Ty TNHH Fujisan Việt Nam - là một trường hợp điển hình khác. Sau khi hoàn thành xong hai tấm bằng cử nhân sư phạm và kỹ sư lâm nghiệp, chị Nguyễn Thị Ân tràn đầy tự tin, mở ra cho mình những hoài bão lớn.
Thế nhưng, biến cố ập đến khi đôi mắt của chị dần mất đi thị lực. Trải qua nhiều lần phẫu thuật nhưng vẫn không tìm được ánh sáng, từ mặc cảm đến can đảm, chị luôn tự động viên rằng: "Nếu không vượt qua được thì chính mình sẽ thất bại trong cuộc sống và trở thành gánh nặng cho gia đình, người thân".
Chị Nguyễn Thị Ân (giữa) quyết tâm vượt lên khỏi hoàn cảnh sức khoẻ để thích nghi với công việc
Từ ngày đôi mắt không còn nhìn thấy, dường như đôi tai của chị Ân thính hơn, các đầu ngón tay cũng nhạy bén hơn trước. Chị mạnh dạn đăng ký thi tuyển vào vị trí Trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng tại một công ty tư nhân. Mức lương hiện nay của chị từ 15-18 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, Mai Văn Hải, 25 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện đang thuê trọ tại Long Biên, Hà Nội. Là một người khuyết tật với nhiều khó khăn trong cuộc sống, Hải từng làm nghề bán hàng rong trước khi quyết định học marketing bán hàng qua livestream đầu năm nay.
Dù đã từng tham gia phỏng vấn offline tại một công ty, nhưng do vấn đề đi lại khó khăn, Hải không được nhận. Không nản lòng, Hải quyết định học thêm các kỹ năng như chỉnh sửa video và thiết kế trên Canva. Sau sáu tháng miệt mài, Hải đã có thể sử dụng máy tính thành thạo, đặc biệt thiên về các công việc chỉnh sửa và thiết kế.
Dẫu vậy, một trở ngại lớn vẫn tồn tại: Hải chưa có máy tính riêng. Điều này khiến em không thể làm việc tại nhà như một số công việc tuyển dụng yêu cầu. Hiện tại, để đến nơi làm việc Hải sẽ phải đi taxi. Dù biết chi phí di chuyển cao, nhưng em vẫn mong muốn được làm tại một công ty để tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Hay trong một tiệm làm bánh bao ở quận Hoàng Mai, những nhân viên thuộc cộng đồng người khuyết tật ở đây cũng thuần thục với nhiều đầu việc. Mỗi chiếc bánh hoàn thành đều mang lại niềm vui tới họ.
Cửa hàng bánh bao trên phố Đại Từ, Q. Hoàng Mai, Hà Nội hơn 6 năm qua đã trở thành điểm tựa giúp người khuyết tật học nghề có nguồn thu nhập ổn định - Ảnh: VTC
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm của Hà Nội, mỗi khi tổ chức phiên giao dịch, đơn vị này đều lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Điều đó mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cho người yếu thế.
Trong thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật tại Hà Nội có sự tham gia của 37 doanh nghiệp, trong đó 14 doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới lao động khuyết tật. Trong tổng số 1.286 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, có 516 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật.
Một trong số đó là Công ty Thương mại S.COOL, đang cần tuyển từ 20-30 nhân sự cho workshop trải nghiệm làm terrarium - những hệ sinh thái mô phỏng môi trường tự nhiên trong bể kín. Anh Nguyễn Quốc Trường, Giám đốc Công ty cho biết, qua quá trình hợp tác với người lao động khuyết tật, anh nhận thấy nhiều người có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực thủ công, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất các sản phẩm terrarium tinh xảo của công ty.
Anh Nguyễn Quốc Trường chia sẻ: "Chúng tôi ưu tiên tuyển dụng người điếc, khiếm thính cho workshop sắp tới. Sau đó, nếu các bạn cảm thấy phù hợp và muốn gắn bó lâu dài, chúng tôi sẵn sàng đào tạo nghề và ký hợp đồng lao động".
Bà Đỗ Thị Huyền – Chủ tịch Hội người Khuyết tật thành phố Hà Nội cho biết: Cơ hội mở mang giúp những người khuyết tật tự tin hơn, tự tin là chính mình, tự tin hòa nhập cộng đồng. Họ có khả năng đóng góp sức lao động, khả năng của mình cho gia đình, xã hội".
Thay vì đau khổ với bi kịch, nhiều người khuyết tật chọn cách bước ra bóng tối và chiến đấu với nghịch cảnh. Dù khuyết tật nhưng họ có thể làm những điều mà người khác không thể, bằng ý chí và nghị lực của chính bản thân. Họ luôn sống tích cực, dám ước mơ và hiện thực hóa mơ ước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.