Người khuyết tật vẫn khó vay vốn để tự học nghề và tự sản xuất
Trong bài tham luận tại Đại hội của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam, ông Đặng Văn Thanh (Phó Chủ tịch Hiệp hội) cho biết Việt Nam có trên 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động; gần 2000 cơ sở kinh doanh và dịch vụ với khoảng 200 nghìn NKT; 97% cơ sở này là các cơ sở nhỏ và vừa.
Theo ông Thanh, nhiều năm qua được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của NKT đã từng bước được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. NKT được nâng cao năng lực, hòa nhập xã hội. Nhưng thực tế vấn đề tiếp cận chính sách đối với họ vẫn còn những hạn chế, đặc biệt là tìm việc làm.
Trong số hơn 60% người khuyết tật trong độ tuổi lao động và có thể lao động được thì chỉ có khoảng 30% là được đào tạo nghề và có việc làm tương đối ổn định
Người khuyết tật khó khăn trong việc tiếp cận việc làm nhất là trong 2 năm trở lại đây do tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tạo việc làm cũng như tìm việc làm của người khuyết tật do phải giãn cách xã hội, nhiều công ty giải thể, các công việc của NKT không được hoạt động….
Ông Thanh cho rằng, chính sách dạy nghề chưa chú trọng đầu ra, thiếu tài liệu giáo trình giảng dạy, quy định về dạy nghề cho NKT khó tiếp cận.
Người khuyết tật khó có thể hay ít cơ hội tham gia vào đa dạng các ngành nghề đặc biệt là các ngành nghề có thu nhập cao. Nhiều chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật chưa mang lại hiệu quả cao. NKT có thể tiếp cận việc làm thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm nhưng chưa nhiều so với tỷ lệ NKT trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động.
Ông Thanh cho rằng, chính sách dạy nghề chưa chú trọng đầu ra, thiếu tài liệu giáo trình giảng dạy, quy định về dạy nghề cho NKT khó tiếp cận. Chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tạo việc làm cho NKT khó thúc đẩy doanh nghiệp. Quy định doanh nghiệp phải nhận tỷ lệ nhất định lao động là NKT trong Luật lao động 1993 đã bị bãi bỏ và thay vào đó chỉ là khuyến khích.
Mặt khác, vấn đề việc làm cho NKT chưa được quan tâm nhiều trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia mà chủ yếu mới ở các chương trình trợ giúp hoặc lồng ghép. Thiếu các hướng dẫn cụ thể, chi tiết để NKT hòa nhập và tiếp cận việc làm, tỷ lệ NKT được đào tạo nghề còn thấp; việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề chưa thực sự đảm bảo tiếp cận đối với nhiều dạng khuyết tật.
Cũng theo ông Thanh, một rào cản quan trọng là sự phân biệt đối xử với lao động là NKT và từ chính bản thân người khuyết tật (chưa nhận thức đúng và đầy đủ với khả năng lao động của người khuyết tật). NKT khó khăn tiếp cận giáo dục -> thiếu trinh độ, thiếu khả năng để đáp ứng công việc; khó khăn tiếp cận giao thông, xây dựng -> Không tiếp cận được đến nơi làm việc; khó khăn trong tiếp cận thông tin, hạn chế nhận thức -> khó có thể tiếp cận thông tin về việc làm…
"Cơ sở kinh doanh của NKT khó khăn tiếp cận vốn vay để có thể học nghề hay tự tạo việc làm cho bản thân, mở rộng sản xuất." - Vị đại diện của người khuyết tật nói.
Ông Đặng Văn Thanh kiến nghị trong văn bản luật phải quy định về việc phải tiếp nhận số lượng nhất định người lao động vào làm việc tại doanh nghiệp. Điều chỉnh chính sách để khuyến khích doanh nghiệp nhận lao động là NKT; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nhận lao động là người khuyết tật. Ông cũng đề nghị nhà nước tạo điều kiện hơn để người khuyết tật tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, khuyến khích NKT tự tạo việc làm và hỗ trợ đồng cảnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.