Người phụ nữ khuyết tật “gồng gánh” 4 miệng ăn
Bà Hường tên đầy đủ là Nguyễn Thị Hường, khai sinh ngày 5/6/1966 tại thôn Đại Từ xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Gia đình có 5 chị em gái, mẹ bị bệnh mất sớm, bà theo bố sinh sống tại quê nhà. Sau này, khi các chị em của bà đều trưởng thành và có cuộc sống riêng bên chồng con, bà lại đơn độc phụng dưỡng người bố cao tuổi.
Được biết, bà Hường bị khuyết tật bẩm sinh khiến đôi chân càng ngày càng bé lại, bắp chân của bà cũng chỉ gần bằng bắp tay của người trưởng thành. Hễ khi trái gió trở trời, chân tay lại đau nhức cộng thêm việc sức khoẻ yếu nên bà không thể làm được việc nặng.
Bà Hường dù sức khoẻ yếu, chân tay gầy guộc nhưng luôn nỗ lực mỗi ngày để chăm sóc con và bố cao tuổi. Ảnh: Đinh Hạnh
Gia đình có 5 chị em gái nhưng bà Hường là người duy nhất không lấy chồng. Do sức khỏe yếu, đôi chân lại khiếm khuyết nên khi lên 18 tuổi, bà Hường đã đi “xin” một đứa con rồi một mình vừa nuôi con, vừa chăm bố già. Tuy nhiên, cuộc đời lại thêm một lần nữa thử thách bà khi anh Hoàn 14 tuổi bị tai nạn nghiêm trọng, bị liệt nửa người. Khó khăn chồng chất khó khăn, bà Hường vốn định sử dụng số tiền tích luỹ ít ỏi để sửa sang lại căn nhà nhưng khi con gặp nguy hiểm, bà dồn hết tiền chạy chữa cho con.
Căn nhà nhỏ tối om, ngổn ngang đầy những phế phẩm, rải rác từ ngoài cổng. Ảnh: Đinh Hạnh
Với tình yêu bao la của người mẹ, được mẹ chăm sóc trong suốt những ngày liệt giường, anh Hoàn đã dần bình phục và có thể đi lại được. Tay phải anh bị liệt nên giờ thành tật, cầm nắm đồ vật hơi ngượng. Đến năm 17 tuổi, anh Hoàn lấy vợ, người xóm bên. Hai vợ chồng được một cậu con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên cuộc hôn nhân chỉ kéo dài hai năm. Vợ anh Hoàn không chịu được cảnh nghèo khó đã bế con bỏ đi. Bà Hường thương con, nhớ cháu nhưng bất lực, nuốt nước mắt vào trong. Sức khoẻ tuy còn hạn chế nhưng anh thương mẹ, quyết định ra Hải Phòng tìm việc làm với mong muốn vừa nuôi sống bản thân, vừa phụ giúp mẹ già. Tại đây anh quen chị Án (43 tuổi, quê ở Yên Lập- Phú Thọ) và nên duyên vợ chồng.
Khi anh chị tiến tới hôn nhân cũng là lúc sóng gió ập đến bởi mọi người đều ái ngại về mối quan hệ “ đũa lệch” này. Người nói ra nói vào vô kể, họ thêm, bớt và đem chuyện tình cảm lên mạng xã hội khiến cuộc sống của gia đình bị đảo lộn. Bà Hường nhìn đứa con dâu gần bằng tuổi mình vừa nói: “Dù mọi người có bàn tán xôn xao hay nói không tốt gì thì nó cũng là con dâu nhà tôi, chúng nó đến với nhau là duyên số nên tôi không buồn”.
Bà Hường và người con dâu thứ hai. Ảnh: Đinh Hạnh
Khi được hỏi về công việc hàng ngày để nuôi gia đình, bà Hường trầm ngâm, đôi mắt đượm buồn và nói: “ Tôi là người khuyết tật nên được nhà nước hỗ trợ 405.000 đồng một tháng, bố tôi được hỗ trợ hơn 200.000 đồng nhưng số tiền ấy cũng không thấm gì so với nỗi lo cơm áo gạo tiền cho cả gia đình. Hàng ngày tôi thức dậy từ mờ sớm đi nhặt nhạnh cua, ốc ngoài đồng bán lấy tiền. Vào mùa lúa, tôi dậy từ 3 giờ sáng đi cấy thuê, tối về cấy ruộng nhà. Đất ruộng người ta không canh tác nữa, tôi còn mượn để làm, còn mùa gặt tôi không đi gặt thuê được bởi chân tôi yếu, không vác được lúa nên mọi người không thuê tôi. Ngoài ra tôi có nuôi thêm đàn chó nhỏ để phòng bán những lúc cấp bách”.
Bà Hường kể: “ Trong nhà, tôi là lao động chính. Trên tôi có bố già, năm nay đã ngoài 80 tuổi, cụ không còn minh mẫn, đi lại khó khăn nên việc chăm cụ vất vả hơn. Dưới tôi còn hai đứa con, con trai là Nguyễn Hữu Hoàn (21 tuổi) và con dâu là Hoàng Thị Án (43 tuổi). Mặc dù còn trẻ nhưng sức khoẻ yếu, nó từng bị liệt nửa người nên không làm ra tiền được. Vợ nó lớn tuổi nhưng làm ăn cũng không đạt, vừa vay mượn được chút vốn mở tiệm nhỏ nhưng dịch covid kéo dài lại phải đóng cửa”.
Hiện tại ngôi nhà của gia đình bà Hường chẳng có gì giá trị, chiếc tủ lạnh cũ không còn sử dụng được, nơi thờ cúng tổ tiên cũng không phải một ban thờ như thường thấy mà được kê trên nóc của thùng phuy đựng lúa. Cả nhà chỉ có một bóng đèn nên khung cảnh ngôi nhà lại thêm tối tăm, lạnh lẽo.
Trải qua biết bao thăng trầm, bà Hường hiểu được những khó khăn đều là những phép thử để bà kiên cường hơn. Dù đôi chân không lành lặn, cuộc sống phía trước còn nhiều gian nan nhưng bà quyết không đầu hàng số phận. Bà luôn nỗ lực hàng ngày để hoàn thành trách nhiệm của một người con đối với bố, là tấm gương cho các con, đồng thời là chỗ dựa vững chắc cho gia đình.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.