Ước muốn giản dị của NLĐ di cư

Trò chuyện với PV Báo Lao Động, chị Phạm Thị Hậu (SN 1980, quê Gia Lộc, Hải Dương) cho biết, sau khi bố mất, mẹ đi bước nữa, chị theo ông nội lên Hà Nội kiếm sống ngay từ lúc 10 tuổi. Ban đầu chị Hậu bán nước chè, sau đó chuyển sang bán chổi, rồi bán tăm. Chồng chị mất khi con mới 2 tuổi, từ đó mình chị vất vả làm lụng nuôi con. Hiện tại con chị học lớp 6. Công việc vất vả, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng, may là ở nhờ nhà người em gái nên không mất tiền thuê nhà, tiền điện, nước. Mong muốn của chị Hậu là những NLĐ di cư như chị được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về tham gia BHXH, BHYT, giúp cho con cái được học hành thuận lợi ở trường công lập.

Chia sẻ hoàn cảnh của mình, chị Nguyễn Thị Ngọc (quê ở xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) cho hay, ở quê khó khăn nên chị phải lên Hà Nội kiếm sống, lúc bán hoa quả, khi lại bán khoai sắn. Chồng chị chạy xe ôm. Thu nhập bình quân của hai vợ chồng khoảng 6-8 triệu đồng/tháng. Gia đình phải thuê nhà trọ mỗi tháng hết 1,3 triệu đồng, tiền học cho hai đứa con hết 2 triệu đồng nên ăn uống, sinh hoạt phải hết sức dè dặt. “Hiện tại, do thu nhập thấp, vợ chồng, con cái tôi chưa có và cũng chưa dám nghĩ đến tham gia đóng BHXH, BHYT. Tôi mong rằng, Nhà nước có chính sách để NLĐ di cư được tiếp cận về an sinh xã hội như những NLĐ khác. Hiện tại, chúng tôi mới được Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) tư vấn về sức khỏe, khám bệnh miễn phí, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, về phòng tránh bạo lực gia đình…, nhưng làm sao họ có thể giúp mãi được nếu Nhà nước không có chính sách” - chị Ngọc cho biết.

Quyền được tiếp cận

Trao đổi về quyền được tiếp cận an sinh xã hội của NLĐ di cư, chị Nguyễn Lan Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế công cộng và Phát triển cộng đồng (CFPHAD) - cho hay: “Chúng tôi phối hợp với UBND và Hội LHPN phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội) tổ chức phổ biến kinh nghiệm làm kinh tế, kiến thức về sức khỏe sinh sản, khám sức khỏe miễn phí cho NLĐ di cư. Chúng tôi cũng giúp họ được vay vốn để làm ăn, mỗi người từ 1-3 triệu đồng. Đặc biệt, đối với việc thực hiện BHXH, bà Nguyễn Bích Ngọc - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách an sinh xã hội (Bộ LĐTBXH) - nhấn mạnh, NLĐ di cư có thể tham gia BHXH tự nguyện, nhưng thủ tục còn phức tạp do yêu cầu phải đăng ký tạm trú. Đối với BHYT cũng tương tự vì NLĐ di cư không có đăng ký tạm trú. Tuy nhiên có một thực tế nan giải là nếu hỗ trợ NLĐ di cư tốt quá, vô hình trung lại khuyến khích họ bỏ làng quê lên thành phố. Do đó, hỗ trợ NLĐ tại chính làng quê của họ là tốt hơn, vì các loại chính sách cho bản thân họ và con em họ đều được đảm bảo.

Để hỗ trợ NLĐ đi cư, Tổ chức Oxfam vào tháng 10.2014 hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ của VN thành lập Mạng lưới Hành động vì lao động di cư (M.net) với mục đích vận động thay đổi hệ thống chính sách để NLĐ di cư, đặc biệt là NLĐ di cư ở khu vực phi chính thức có thể tham gia và tiếp cận một cách bình đẳng vào hệ thống an sinh xã hội. Ngay trong sáng 8.12, Oxfam chính thức ra mắt Mạng lưới M.net gồm 6 thành viên là Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT); Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI); Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD); Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (PLD); Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo VN (VIJUSAP) và Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng (SDRC).