Homestay: Thi nhau làm rồi cùng nhau than lỗ
2019-07-30 08:40:13
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Homestay được mọc lên như nấm sau mưa, có thời điểm các homestay này ăn nên làm ra. Nhưng thời gian gần đây, hàng loạt homestay tại khắp các điểm du lịch nổi tiếng hiện đang rơi vào cảnh ế ẩm, thậm chí... miễn phí để kéo khách nhưng cũng không hiệu quả, dù lượng du khách đến các điểm du lịch này tăng mạnh. Vì sao?
Hội An đang sở hữu những địa điểm du lịch thơ mộng là điều kiện để các loại hình lưu trú phát triển - Ảnh: B.D. |
Có những homestay bán với giá “tuyệt thực”, thậm chí sẵn sàng... miễn phí nếu thấy khách nhăn nhó.
Ông Lê Ngọc Thuận (chủ tịch Hiệp hội Homestay Hội An)
Cùng với sự bùng nổ du khách tại các điểm đến du lịch, phong trào "nhà nhà, người người" đua nhau đầu tư, kinh doanh dịch vụ lưu trú theo mô hình homestay khiến nguồn cung của loại hình này tăng mạnh.
Trong khi đó, chính quyền địa phương cấp phép cho hoạt động kinh doanh homestay một cách dễ dãi, không theo chuẩn mực nên phần lớn homestay thực chất là nhà nghỉ du lịch, cạnh tranh bằng mọi giá để kéo khách.
Thực tế này đẩy hoạt động du lịch cộng đồng, kinh doanh homestay vào ngõ cụt, ngày càng vắng khách.
Homestay giá... 1 USD/đêm!
Lần theo địa chỉ trên các trang booking, chúng tôi tìm đến một homestay nằm trong một hẻm nhỏ tại phường Cẩm Châu (phố cổ Hội An, Quảng Nam).
Dù giá niêm yết trên mạng là 80.000 đồng/người/ngày đêm nhưng khi thấy chúng tôi ngần ngừ, chủ nhà bảo chỉ cần trả 50.000 đồng/người/ngày đêm, với lý do "không phải chi hoa hồng cho các trang booking".
Chủ nhân của homestay này cho biết khi mới đưa vào hoạt động, giá lưu trú tại đây là 20 USD/người/ngày đêm nhưng sau đó phải hạ giá dần, thậm chí không có lãi để... giữ khách do có quá nhiều homestay mới được đưa vào hoạt động.
Tại phường Cẩm Châu - một trong những nơi đầu tiên của Hội An tổ chức dọn nhà đón khách lưu trú vào năm 2009, trong số 11 homestay từ ngày đầu đến nay chỉ còn 2 cơ sở có hoạt động tương đối, số còn lại hoạt động cầm chừng theo kiểu "được chăng hay chớ".
Ông Lê Ngọc Thuận - chủ tịch Hiệp hội Homestay Hội An - cho biết có những homestay bán với giá "tuyệt thực", thậm chí sẵn sàng... miễn phí nếu thấy khách nhăn nhó.
Trong khi đó, các homestay tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch), trung tâm du lịch homestay của tỉnh Quảng Bình, cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi một số thời điểm các homestay cạnh tranh hút khách với giá chỉ... 1 USD/người/ngày đêm!
Những chủ homestay này cho biết chỉ hi vọng có khách để lấy chi phí dịch vụ khác như ăn uống bù vào chi phí nghỉ đêm.
Và rồi, chỉ cần một homestay hạ giá, các homestay khác trong khu vực cũng phải hạ giá theo để kéo khách, tạo ra "làn sóng" cạnh tranh giảm giá, khiến cho cả du khách đến Phong Nha cũng phải ngạc nhiên khi lướt qua phần mềm đặt phòng Booking trên điện thoại.
Khi đến Phong Nha vào đầu tháng 5-2019, Anna, một du khách Bỉ, còn tỏ ra nghi ngờ về chất lượng phục vụ khi nhìn thấy mức giá công bố "bất thường" này.
Ông Nguyễn Huy Toàn, chủ một homestay ở Phong Nha với vốn đầu tư nhiều tỉ đồng, cho biết những ngày này mùa cao điểm nên còn có khách, chứ cả năm nay khách vắng teo.
"Có tháng thu nhập từ dịch vụ không đủ để trả tiền điện chứ chưa nói đến trả lãi ngân hàng" - ông Toàn nói.
Còn tại huyện Hoa Lư (Ninh Bình), nơi có khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, nhiều homestay cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm tương tự sau một thời gian nhà nhà đua nhau làm homestay.
Anh Vũ Văn Ngọc (chủ một homestay ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải) cho biết đã bỏ ra hơn 3 tỉ đồng để đầu tư làm homestay nhưng hơn 9 tháng qua chỉ thu được khoảng... 100 triệu đồng.
"Không riêng gì gia đình tui mà hầu hết các homestay tại khu vực này đều đang ế ẩm. Nếu tình trạng này kéo dài, chỉ vài ba năm nữa các chủ homestay sẽ đổ nợ vì phần lớn đều vay vốn ngân hàng để làm homestay. Không có khách, thu không đủ bù chi, lấy gì trả nợ ngân hàng" - anh Ngọc dự báo.
Hơn 3.000 homestay, công suất phòng giảm
Theo Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam năm 2018 do Tổng cục Du lịch vừa phát hành, tính đến hết năm 2018 cả nước có 28.000 cơ sở lưu trú du lịch với trên 550.000 buồng/phòng, tăng hơn 2.400 cơ sở lưu trú và hơn 42.000 buồng/phòng so với năm 2017.
Riêng loại hình nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), cả nước có 1.892 cơ sở đã qua kiểm tra điều kiện với 13.400 phòng, tăng 7,5% so với năm 2017, và 1.126 cơ sở với 7.372 phòng chưa được kiểm tra điều kiện. Như vậy, đến hết năm 2018, cả nước có 3.018 homestay với khoảng 21.000 phòng. Công suất buồng/phòng bình quân đạt khoảng 54%, giảm nhẹ so với năm 2017.
Theo Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam năm 2018 do Tổng cục Du lịch vừa phát hành, tính đến hết năm 2018 cả nước có 28.000 cơ sở lưu trú du lịch với trên 550.000 buồng/phòng, tăng hơn 2.400 cơ sở lưu trú và hơn 42.000 buồng/phòng so với năm 2017.
Riêng loại hình nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), cả nước có 1.892 cơ sở đã qua kiểm tra điều kiện với 13.400 phòng, tăng 7,5% so với năm 2017, và 1.126 cơ sở với 7.372 phòng chưa được kiểm tra điều kiện. Như vậy, đến hết năm 2018, cả nước có 3.018 homestay với khoảng 21.000 phòng. Công suất buồng/phòng bình quân đạt khoảng 54%, giảm nhẹ so với năm 2017.
Cung tăng, cầu giảm?
Nhiều chủ nhân các homestay tại Hội An bức xúc cho biết hoạt động kinh doanh homestay rơi vào tình cảnh "sống dở chết dở" như hiện nay là do sự dễ dãi trong cấp phép kinh doanh homestay, dẫn đến hiện tượng bùng nổ các homestay mới đưa vào hoạt động, bán phá giá để cạnh tranh hút khách.
Số liệu của ngành du lịch Hội An cũng cho biết trên địa bàn hiện có hơn 300 homestay với hơn 1.200 phòng, chưa kể khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ...
Theo chủ nhân một homestay, việc UBND TP Hội An (Quảng Nam) vừa có quyết định điều chỉnh quyết định cấp phép, quản lý loại hình lưu trú tại Hội An theo hướng nới lỏng hơn, đặc biệt là làm homestay hay xây villa du lịch (diện tích đất được làm villa cũng chỉ từ 150m2 đất thay vì 250m2 như trước), càng đẩy các villa, homestay đang hoạt động vào thế cạnh tranh khốc liệt và "chết" nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Ngọc Dung - đại diện Phòng văn hóa thông tin Hội An, việc nới lỏng các quy định đều dựa trên các quy định của luật hiện hành chứ không thể làm khác.
"Trước đây Hội An có quy định chặt về việc cấp phép, diện tích mở villa phải đủ 250m2 nhưng nay phải điều chỉnh để phù hợp với luật. Vì Hội An không cấp villa dưới 250m2, nhiều chủ cơ sở chạy lên tỉnh, rồi có thông tin cò mồi thu 200-300 triệu đồng/giấy phép. Hội An không cấp thì phía trên tỉnh Quảng Nam cũng cấp" - bà Dung nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Hoạt - chủ tịch UBND xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư, Ninh Bình), chỉ riêng trên địa bàn xã này hiện có trên 70 cơ sở homestay và 12 khách sạn, dù nhiều thông tin cho biết con số thực tế còn cao hơn nhiều.
Ông Hoạt thừa nhận dịch vụ du lịch cộng đồng này đều mang tính tự phát, các chủ homestay vốn chưa có kinh nghiệm, kỹ năng trong lĩnh vực du lịch và hầu hết chưa qua đào tạo.
Chủ nhân một homestay tại thôn Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) cho biết chỉ một xóm nhỏ của anh cũng đã có khoảng chục homestay, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, cạnh tranh phá giá để kéo khách.
Đáng chú ý, khoảng 80-90% các homestay trong xã đều xây dựng bằng tiền vay vốn ngân hàng nên nguy cơ đổ nợ rất lớn.
Theo thống kê của ngành du lịch tỉnh Quảng Bình, tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng hiện có hơn 100 cơ sở lưu trú, hầu hết là homestay, gấp đôi so với chỉ hơn một năm trước. Ông Trần Nam Trung, chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, thừa nhận việc bùng nổ homestay ở Phong Nha không đi kèm theo chất lượng nên việc thu hút khách và giữ khách là vô cùng khó. "Nhưng chúng tôi không thể hạn chế, mà chỉ có thể khuyến cáo" - ông Trung cho biết.
Điểm lưu trú dạng homestay trên đường Đặng Thái Thân, TP Đà Lạt có giá 89.900 đồng/người/đêm bao ăn sáng - Ảnh: T.T.D. |
Homestay hay nhà trọ?
Cũng theo ông Trần Nam Trung, hầu hết các homestay trên địa bàn đều do nông dân địa phương vay tiền rồi bước vào nghề du lịch. Nghiệp vụ không có. Ngoại ngữ không có. "Ngay chính họ hầu hết cũng chưa hiểu homestay là gì để phục vụ du khách tốt nhất" - ông Trung nói. Còn bà Lê Thị Ngọc Hiếu - chủ homestay (Cẩm Châu, Hội An) - cũng cho biết phần lớn các homestay do người dân lập ra đều thiếu đủ thứ, từ kỹ năng như ngoại ngữ, thái độ tiếp đón, đến cơ sở vật chất, vốn liếng...
Chủ cơ sở Ly Phúc homestay tại Hội An cho rằng bản chất của homestay là khách đến trải nghiệm, nói chuyện, ăn ở trong nhà dân nhưng các homestay hiện nay hoạt động theo kiểu "guesthouse", khách đến homestay biệt lập với dân bản địa, lưu trú theo kiểu nhà trọ.
"Trong khi đó, việc cấp phép dễ dãi, ai có đất cũng mở được homestay nên những người theo đuổi hình thức lưu trú đúng nghĩa gặp rất nhiều khó khăn" - vị này cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Homestay Hội An Lê Ngọc Thuận cũng đề nghị chính quyền cần định nghĩa lại tên gọi thế nào là homestay để trả lại giá trị thực. Bởi bản chất homestay là chủ nhà có phòng thừa mới đón khách vào ở, lấy sinh hoạt, bối cảnh gia đình ra làm sản phẩm.
Nhưng hiện nay hầu như ai đủ diện tích đất cũng được làm homestay, không tương tác với khách, khách đến mà như ở trọ. "Khách đến ở thấy quá nhạt nhẽo, không xứng đáng với đồng tiền, kỳ vọng nên họ nói xấu về homestay, về du lịch Hội An" - một chủ homestay nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Thanh - vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch - cho rằng dịch vụ homestay với đặc thù vừa là sản phẩm du lịch vừa là cơ sở lưu trú, khách được sống cùng người dân địa phương để trải nghiệm văn hóa, nếp sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa nên chỉ tập trung chủ yếu ở mấy tỉnh miền núi phía Bắc, ĐBSCL, khu phố cổ Hội An, một số nơi ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, các cơ sở lưu trú du lịch thực chất là các nhà nghỉ du lịch nhưng lại được đăng ký và treo biển là homestay.
Theo ông Thanh, Tổng cục Du lịch chưa có điều tra đánh giá cụ thể về tình trạng hoạt động của loại hình dịch vụ du lịch homestay để đưa ra khuyến cáo với người dân. Tùy tình hình từng nơi mà các cơ quan quản lý ở địa phương có thể đưa ra cảnh báo, nhưng Tổng cục Du lịch cũng có trách nhiệm cung cấp nhiều thông tin để hỗ trợ người dân đưa ra đánh giá, quyết định đầu tư kinh doanh du lịch.
Cũng theo ông Thanh, Tổng cục Du lịch đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia về nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê - homestay (lần hai) vào năm 2017. Các địa phương cần tìm hiểu và phải có trách nhiệm hướng dẫn cho người dân về điều này. "Người dân có quyền tự do kinh doanh, nhưng khi đầu tư phải đánh giá thị trường để tránh đầu tư ồ ạt vào một loại hình kinh doanh nào đó dẫn tới thua lỗ" - ông Thanh nói.
Thuê biệt thự, chung cư để mở... homestay!
Đà Lạt là thành phố được xem là có nhiều homestay nhất cả nước, với mật độ dày đặc do sự bùng nổ của lượng du khách đến thành phố sương mù này, với hơn 7 triệu lượt khách trong năm 2018, gấp đôi con số lượt du khách đến thành phố này vào năm 2015 (3,5 triệu lượt).
Dù chưa có số liệu đầy đủ nhưng theo Sở VH-TT&DL Lâm Đồng, đến cuối năm 2018, tại Đà Lạt có khoảng 1.500 homestay đang hoạt động với tổng số khoảng 15.000 phòng và dự báo con số này đang tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong thực tế, các homestay này hoạt động như khách sạn hay nhà nghỉ. Người dân mua đất xây mới các căn hộ cho thuê hoặc thuê nhà, biệt thự để cải tạo cho thuê. Thậm chí nhiều người thuê lại hàng loạt căn chung cư và cải tạo công năng để đón khách ngay bên trong chung cư...
Do lượng khách lớn trong khi nguồn cung cơ sở lưu trú chưa đáp ứng nhu cầu, giá thuê homestay ở đây rất cao, ngang giá hoặc thậm chí cao giá hơn cả khách sạn 3 sao.
Trong một trao đổi mới đây liên quan đến hoạt động du lịch tại Đà Lạt, bà Nguyễn Thị Nguyên, giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng, cho rằng các quy định hiện tại rất khó áp dụng với loại hình kinh doanh homestay, bởi các homestay này được vận hành như khách sạn nhưng hình thức giống như hộ gia đình.
(M.VINH)
Đà Lạt là thành phố được xem là có nhiều homestay nhất cả nước, với mật độ dày đặc do sự bùng nổ của lượng du khách đến thành phố sương mù này, với hơn 7 triệu lượt khách trong năm 2018, gấp đôi con số lượt du khách đến thành phố này vào năm 2015 (3,5 triệu lượt).
Dù chưa có số liệu đầy đủ nhưng theo Sở VH-TT&DL Lâm Đồng, đến cuối năm 2018, tại Đà Lạt có khoảng 1.500 homestay đang hoạt động với tổng số khoảng 15.000 phòng và dự báo con số này đang tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong thực tế, các homestay này hoạt động như khách sạn hay nhà nghỉ. Người dân mua đất xây mới các căn hộ cho thuê hoặc thuê nhà, biệt thự để cải tạo cho thuê. Thậm chí nhiều người thuê lại hàng loạt căn chung cư và cải tạo công năng để đón khách ngay bên trong chung cư...
Do lượng khách lớn trong khi nguồn cung cơ sở lưu trú chưa đáp ứng nhu cầu, giá thuê homestay ở đây rất cao, ngang giá hoặc thậm chí cao giá hơn cả khách sạn 3 sao.
Trong một trao đổi mới đây liên quan đến hoạt động du lịch tại Đà Lạt, bà Nguyễn Thị Nguyên, giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng, cho rằng các quy định hiện tại rất khó áp dụng với loại hình kinh doanh homestay, bởi các homestay này được vận hành như khách sạn nhưng hình thức giống như hộ gia đình.
(M.VINH)
Ông Nguyễn Văn Mỹ (giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt):
Khách phải được trải nghiệm về ẩm thực, văn hóa...
Homestay có thể thay đổi tùy theo thị hiếu của khách. Nhưng bản chất của homestay không phải là nghỉ dưỡng, mà chủ yếu là sự trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực, cuộc sống nên mô hình đảm bảo giúp khách có sự tương tác tốt với dân bản địa, có thể xây dựng mô hình để khách cùng ăn, ở, sinh hoạt với người dân. Nếu homestay ở vùng nông thôn nhưng ở trong 4 bức tường như khách sạn với máy lạnh, khách sẽ không thích.
Nghe tiếng chim hót, hòa mình vào tự nhiên, sóng biển rì rào... bao giờ cũng hấp dẫn khách hơn. Tất nhiên, homestay cần đáp ứng nhu cầu cơ bản về ăn, ngủ, vệ sinh... Thậm chí có thể phân cấp sâu, từ giá rẻ đến mô hình có hồ bơi sinh thái nhưng nước tự nhiên, phòng cao cấp để phù hợp từng đối tượng khách.
Do đó, homestay nên được ưu tiên phát triển mạnh hơn vì nhờ nó người dân có thể làm giàu, tận dụng được giá trị văn hóa, lịch sử, tự nhiên đang rất đa dạng cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị này. Trong thực tế, không cần học thức cao vẫn có thể làm homestay thành công nếu làm đúng cơ bản các nguyên tắc như: Không đốt cháy giai đoạn, không chạy theo phong trào, tuyên truyền trong việc xây dựng homestay.
Thực tế cho thấy sự phát triển homestay ào ạt theo phong trào, thiếu thực tiễn cuộc sống, hoạt động như loại hình nhà nghỉ hay cơ sở lưu trú bình thường... đã đẩy các homestay vào tình trạng ế khách, thua lỗ như đang diễn ra phổ biến hiện nay. Thậm chí nhiều homestay ở miền núi phía Bắc có vốn đầu tư cao, cơ sở vật chất "sang chảnh" hơn hẳn chỗ khác nhưng do không gian ồn ào, xô bồ khiến khách không muốn ghé, buộc phải hạ giá phòng xuống còn vài chục nghìn đồng/người.
Bà Phan Yến Ly (trưởng phòng phát triển sản phẩm Công ty Saigontourist):
Làm sai bản chất, homestay sẽ thất bại
Với sự bùng nổ của lượng du khách thời gian gần đây, không ít nông dân "rũ bùn" đứng lên tham gia làm du lịch, homestay. Tuy nhiên, do chuyên môn không có nên họ thường làm một cách tự phát, không tham khảo nên xác suất thành công vì thế không cao, dẫn đến thua lỗ.
Các công ty du lịch khó ký kết đưa khách đến do nhiều homestay không đáp ứng được yêu cầu cơ bản về ăn, ngủ, sinh hoạt, các giấy tờ liên quan. Bản chất homestay thể hiện ngay trong tên gọi. Đó là ngôi nhà thật sự, không gian đảm bảo cho khách có những sinh hoạt đời thường để trải nghiệm văn hóa, ẩm thực...
Do đó, nhiều người không hiểu bản chất này dẫn đến phát triển sản phẩm sai nên thất bại.
NGUYỄN TRÍ ghi
Ông Trần Văn Khoa (giám đốc điều hành Công ty TNHH Jack Tran Tours, TP Hội An, Quảng Nam):
Khách ở homestay phải được khám phá truyền thống bản địa
Không phủ nhận dịch vụ homestay ở Hội An đã tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp du khách trải nghiệm văn hóa bản địa ở Hội An.
Nhưng những năm gần đây, homestay đã bị chệch hướng, không còn giữ nền tảng văn hóa truyền thống của người dân Hội An, không cùng ăn cùng ở với dân mà đang thiên về thương mại hóa.
Khi ở với người dân, du khách phải được cùng trải nghiệm văn hóa bản địa, người dân phải cho du khách thấy được giá trị cuộc sống, truyền thống bản địa mà du khách mong muốn được xem như ăn uống thế nào, đi chợ làm sao, cuộc sống như thế nào... mới là homestay đúng nghĩa.
Giá cả là vấn đề thứ hai, homestay Hội An đang rớt giá thảm hại do vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, nhất là với sự xuất hiện của các villa mới đưa vào hoạt động.
Việc thiếu cơ chế quản lý về giá dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy giảm giá khiến chất lượng dịch vụ homestay đi xuống rất nhiều, mất dần bản chất. Nếu như không có giải pháp, sắp tới sẽ ảnh hưởng đến những hộ đang kinh doanh homestay đúng nghĩa, họ sẽ bán hết vì không đủ tiềm lực cạnh tranh.
Ông Trần Xuân Cương (giám đốc Công ty TNHH Netin, Quảng Bình):
Phần lớn các homestay hoạt động như... nhà trọ
Là công ty chuyên tổ chức các tour du lịch về với Quảng Bình, khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng bà con dân tộc Vân Kiều ở Quảng Ninh (Quảng Bình), kết nối dịch vụ đặt phòng homestay, tôi cho rằng dịch vụ này là một cách để góp phần quảng bá du lịch tỉnh Quảng Bình, giải quyết được dịch vụ lưu trú mùa cao điểm, phục vụ cho khách có nhu cầu trải nghiệm mới. Du khách đa phần muốn trải nghiệm cuộc sống với người dân, các điểm bà con dân tộc còn hoang sơ, các làng bản, thôn quê đúng nghĩa chưa có bàn tay con người xây dựng. Một số homestay ở gần khu vực Phong Nha cũng cho du khách được trải nghiệm cùng cày ruộng, làm nông như người địa phương với mức giá ngang khách sạn 3 sao. Thực tế khách quốc tế sẵn sàng chi tiền để có những trải nghiệm đó và phản hồi rất tốt.
Tuy nhiên, phần lớn homestay ở Quảng Bình hiện nay hoạt động như cơ sở lưu trú hay nhà nghỉ trọ, khách vào ngủ lại ban đêm và sử dụng các dịch vụ mua bán hàng hóa đơn thuần. Ngoài ra, tình trạng các homestay hạ giá để lấy chiết khấu từ các đơn vị lữ hành cũng là một phần ảnh hưởng du lịch lữ hành, tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng.
Chúng tôi đang cùng với chính quyền miền núi Quảng Ninh (Quảng Bình) mở dịch vụ homestay cho du khách cùng trải nghiệm với bà con dân tộc Bru - Vân Kiều. Nhưng muốn thành công phải có sự vào cuộc của chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, chính quyền tạo cơ chế hỗ trợ để người dân được đào tạo, tập huấn bài bản chứ không mở rộng ồ ạt.
(ĐOÀN NHẠN ghi)
Khách phải được trải nghiệm về ẩm thực, văn hóa...
Homestay có thể thay đổi tùy theo thị hiếu của khách. Nhưng bản chất của homestay không phải là nghỉ dưỡng, mà chủ yếu là sự trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực, cuộc sống nên mô hình đảm bảo giúp khách có sự tương tác tốt với dân bản địa, có thể xây dựng mô hình để khách cùng ăn, ở, sinh hoạt với người dân. Nếu homestay ở vùng nông thôn nhưng ở trong 4 bức tường như khách sạn với máy lạnh, khách sẽ không thích.
Nghe tiếng chim hót, hòa mình vào tự nhiên, sóng biển rì rào... bao giờ cũng hấp dẫn khách hơn. Tất nhiên, homestay cần đáp ứng nhu cầu cơ bản về ăn, ngủ, vệ sinh... Thậm chí có thể phân cấp sâu, từ giá rẻ đến mô hình có hồ bơi sinh thái nhưng nước tự nhiên, phòng cao cấp để phù hợp từng đối tượng khách.
Do đó, homestay nên được ưu tiên phát triển mạnh hơn vì nhờ nó người dân có thể làm giàu, tận dụng được giá trị văn hóa, lịch sử, tự nhiên đang rất đa dạng cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị này. Trong thực tế, không cần học thức cao vẫn có thể làm homestay thành công nếu làm đúng cơ bản các nguyên tắc như: Không đốt cháy giai đoạn, không chạy theo phong trào, tuyên truyền trong việc xây dựng homestay.
Thực tế cho thấy sự phát triển homestay ào ạt theo phong trào, thiếu thực tiễn cuộc sống, hoạt động như loại hình nhà nghỉ hay cơ sở lưu trú bình thường... đã đẩy các homestay vào tình trạng ế khách, thua lỗ như đang diễn ra phổ biến hiện nay. Thậm chí nhiều homestay ở miền núi phía Bắc có vốn đầu tư cao, cơ sở vật chất "sang chảnh" hơn hẳn chỗ khác nhưng do không gian ồn ào, xô bồ khiến khách không muốn ghé, buộc phải hạ giá phòng xuống còn vài chục nghìn đồng/người.
Bà Phan Yến Ly (trưởng phòng phát triển sản phẩm Công ty Saigontourist):
Làm sai bản chất, homestay sẽ thất bại
Với sự bùng nổ của lượng du khách thời gian gần đây, không ít nông dân "rũ bùn" đứng lên tham gia làm du lịch, homestay. Tuy nhiên, do chuyên môn không có nên họ thường làm một cách tự phát, không tham khảo nên xác suất thành công vì thế không cao, dẫn đến thua lỗ.
Các công ty du lịch khó ký kết đưa khách đến do nhiều homestay không đáp ứng được yêu cầu cơ bản về ăn, ngủ, sinh hoạt, các giấy tờ liên quan. Bản chất homestay thể hiện ngay trong tên gọi. Đó là ngôi nhà thật sự, không gian đảm bảo cho khách có những sinh hoạt đời thường để trải nghiệm văn hóa, ẩm thực...
Do đó, nhiều người không hiểu bản chất này dẫn đến phát triển sản phẩm sai nên thất bại.
NGUYỄN TRÍ ghi
Ông Trần Văn Khoa (giám đốc điều hành Công ty TNHH Jack Tran Tours, TP Hội An, Quảng Nam):
Khách ở homestay phải được khám phá truyền thống bản địa
Không phủ nhận dịch vụ homestay ở Hội An đã tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp du khách trải nghiệm văn hóa bản địa ở Hội An.
Nhưng những năm gần đây, homestay đã bị chệch hướng, không còn giữ nền tảng văn hóa truyền thống của người dân Hội An, không cùng ăn cùng ở với dân mà đang thiên về thương mại hóa.
Khi ở với người dân, du khách phải được cùng trải nghiệm văn hóa bản địa, người dân phải cho du khách thấy được giá trị cuộc sống, truyền thống bản địa mà du khách mong muốn được xem như ăn uống thế nào, đi chợ làm sao, cuộc sống như thế nào... mới là homestay đúng nghĩa.
Giá cả là vấn đề thứ hai, homestay Hội An đang rớt giá thảm hại do vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, nhất là với sự xuất hiện của các villa mới đưa vào hoạt động.
Việc thiếu cơ chế quản lý về giá dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy giảm giá khiến chất lượng dịch vụ homestay đi xuống rất nhiều, mất dần bản chất. Nếu như không có giải pháp, sắp tới sẽ ảnh hưởng đến những hộ đang kinh doanh homestay đúng nghĩa, họ sẽ bán hết vì không đủ tiềm lực cạnh tranh.
Ông Trần Xuân Cương (giám đốc Công ty TNHH Netin, Quảng Bình):
Phần lớn các homestay hoạt động như... nhà trọ
Ông Trần Xuân Cương |
Là công ty chuyên tổ chức các tour du lịch về với Quảng Bình, khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng bà con dân tộc Vân Kiều ở Quảng Ninh (Quảng Bình), kết nối dịch vụ đặt phòng homestay, tôi cho rằng dịch vụ này là một cách để góp phần quảng bá du lịch tỉnh Quảng Bình, giải quyết được dịch vụ lưu trú mùa cao điểm, phục vụ cho khách có nhu cầu trải nghiệm mới. Du khách đa phần muốn trải nghiệm cuộc sống với người dân, các điểm bà con dân tộc còn hoang sơ, các làng bản, thôn quê đúng nghĩa chưa có bàn tay con người xây dựng. Một số homestay ở gần khu vực Phong Nha cũng cho du khách được trải nghiệm cùng cày ruộng, làm nông như người địa phương với mức giá ngang khách sạn 3 sao. Thực tế khách quốc tế sẵn sàng chi tiền để có những trải nghiệm đó và phản hồi rất tốt.
Tuy nhiên, phần lớn homestay ở Quảng Bình hiện nay hoạt động như cơ sở lưu trú hay nhà nghỉ trọ, khách vào ngủ lại ban đêm và sử dụng các dịch vụ mua bán hàng hóa đơn thuần. Ngoài ra, tình trạng các homestay hạ giá để lấy chiết khấu từ các đơn vị lữ hành cũng là một phần ảnh hưởng du lịch lữ hành, tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng.
Chúng tôi đang cùng với chính quyền miền núi Quảng Ninh (Quảng Bình) mở dịch vụ homestay cho du khách cùng trải nghiệm với bà con dân tộc Bru - Vân Kiều. Nhưng muốn thành công phải có sự vào cuộc của chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, chính quyền tạo cơ chế hỗ trợ để người dân được đào tạo, tập huấn bài bản chứ không mở rộng ồ ạt.
(ĐOÀN NHẠN ghi)
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Duy Đạt (t/h)