Nhiều cơ sở Tín ngưỡng, Tôn giáo trong và ngoài nước trang nghiêm, thành kính thiết lập ban thờ di ảnh tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ngay sau khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trong và ngoài nước đồng loạt tổ chức lễ cầu nguyện cho hương hồn Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sớm siêu thoát, anh linh Tổng Bí thư luôn sống mãi trong trái tim dân tộc Việt Nam, xin bác phù hộ cho đất nước Việt Nam hưng thịnh, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Các Phật tử tụng kinh tưởng niệm trước ban thờ di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chùa Quán Sứ - Trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nguồn: Chùa Quán Sứ.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn, đề nghị các tổ chức tôn giáo có nghi thức phù hợp với tôn giáo của mình tổ chức nghi lễ tưởng niệm cùng thời điểm Lễ viếng và Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo quy định của Ban Tổ chức lễ quốc tang. Trưa ngày 23 - 7 (tức chiều 23 - 7, giờ Việt Nam), Phòng Báo chí Toà Thánh Vatican đã công bố Điện thư của Đức Thánh Cha Phanxicô được ký bởi Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh gửi Chủ tịch nước Tô Lâm về sự qua đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng với đó ngày 21 - 7, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có thư chia buồn về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Bức thư khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo lỗi lạc, một trí tuệ lớn và là nhà tư tưởng, nhà văn hóa kiệt xuất của đất nước.
“Ngài đã hiến dâng trọn cả cuộc đời mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tư tưởng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn thương yêu nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân và luôn nhấn mạnh việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, lấy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo là nòng cốt”. Tiếp đó ngày 23-7, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký ban hành văn bản gửi các Ban, viện TƯ, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố về việc tổ chức lễ tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, vĩ nhân của lịch sử Thế kỷ XXI, luôn cống hiến hết mình không mệt mỏi tới giây phút cuối cùng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm sâu sắc đối với việc tôn trọng và bảo vệ tự do tôn giáo tại Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh cho đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động sức mạnh tiềm năng của đồng bào các tôn giáo, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, cùng đồng bào các tôn giáo cảnh giác, đấu tranh chống các thế lực lợi dụng tôn giáo gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao việc tôn trọng và bảo vệ tự do tôn giáo tại Việt Nam, tự do tôn giáo là một quyền cơ bản của mỗi con người, cần được đảm bảo và tôn trọng. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, nhiều chính sách về tôn giáo đã được thực hiện cụ thể nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do tôn giáo của mọi người dân.
Trong các văn kiện của Đảng luôn nhất quán quan điểm: Tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.
Ban thờ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Khu Di tích Quốc gia Phủ Chính, Phủ Dầy Nam Định. Nguồn: Phủ Dầy.
Mỗi tôn giáo ở Việt Nam dù có đức tin, hệ thống giáo lý, giáo luật khác nhau, nhưng cùng có điểm tương đồng ở tinh thần dân tộc, trong phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Các tổ chức tôn giáo là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với chức sắc, tín đồ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cấp chính quyền đảm bảo rằng mọi người dân, bất kể tôn giáo nào, đều được thực hành và bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình một cách tự do và không bị phân biệt đối xử. Các chính sách này không chỉ nhằm đảm bảo quyền tự do tôn giáo mà còn khuyến khích việc tôn trọng và bảo vệ các giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Một dấu mốc quan trọng phải kể tới nữa, đó là ngày 18/6/2004, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Tiếp tục thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo, Luật Tín ngưỡng tôn giáo được Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 18/11/2016 và được Chủ tịch nước ký Lệnh số: 12/2016/L-CTN ngày 01/12/2016 công bố Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là sự cụ thể hóa quan điểm và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo, thể hiện nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Những nội dung mới của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng được bổ sung để tạo sự tương thích với luật pháp quốc tế trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, ký kết và thi hành nhiều hiệp định. Việt Nam bác bỏ những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam được nêu trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2024 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng tổ chức lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đền thờ Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng huyện Tiên Lãng. Nguồn: Phật Giáo Hải Phòng.
Trong lịch sử cách mạng dân tộc, dân chủ thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, các chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã có nhiều công lao trong việc vận động tín đồ tham gia đóng góp tích cực trong công cuộc giành độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, hạnh phúc cho đồng bào cả nước.
Với chính sách tôn giáo ngày càng cởi mở, hoạt động quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra rất đa dạng, phong phú. Nhiều đoàn của tôn giáo ra nước ngoài dự hội nghị, hội thảo, mở rộng quan hệ quốc tế với các tổ chức tôn giáo quốc tế, tham gia diễn đàn khu vực và quốc tế như: Đối thoại liên tín ngưỡng Á - Âu (ASEM), đối thoại Liên tín ngưỡng khu vực Châu Á Thái Bình Dương…
Với vai trò là nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thúc đẩy sự hợp tác và đối thoại giữa các tôn giáo, nhằm xây dựng một xã hội đoàn kết và hòa hợp. Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh rằng sự tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo và giữa các cộng đồng tín ngưỡng khác nhau là nền tảng quan trọng để xây dựng một xã hội văn minh và phát triển bền vững.
Thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua các tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực nhập thế, hiện diện và có đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực của xã hội, nhất là trong các lĩnh vực an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu... góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có công với nước, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, tàn tật, xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; chăm sóc, giúp đỡ những người bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt... với số tiền mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng.
Qua việc triển khai và kết quả thu được trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho thấy tất cả các tôn giáo ở Việt Nam đều tích cực hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Toàn dân chống đại dịch Covid-19; Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch”; các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) V/v tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19.
Thánh thất Cao Đài Hà Nội làm lễ cầu nguyện cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: UBMTTQVN thành phố Hà Nội.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ngay trong lễ phát động toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chiều ngày 13/4/2020 đã có 65 chức sắc, chức việc, tín hữu của 07 tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội đến trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố hiến 56 đơn vị máu để cứu, chữa những bệnh nhân mắc dịch bệnh Covid-19.
Tất cả 43 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều có những hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả tham gia phòng, chống dịch, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc và tình cảm, trách nhiệm với đất nước với nhân dân.
Di ảnh tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chùa Đại Ân Tokyo Nhật Bản. Nguồn: Thích Tâm Trí.
Với tầm nhìn chiến lược và sự quan tâm sâu sắc, trong suốt sự nghiệp hoạt động chính trị của mình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có đóng góp to lớn đối với sự phát triển bền vững của các tôn giáo. Những chính sách và di sản của Tổng Bí thư để lại sẽ không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Trong bối cảnh đất nước hội nhập và biến đổi, với những chính sách mang tầm nhìn xa trông rộng của Tổng Bí thư và sự đồng lòng của toàn dân, trên tinh thần "Biến đau thương thành hành động", chúng ta tiếp tục phấn đấu và tin tưởng rằng nước ta sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa trong công cuộc xây dựng tiềm lực, vị thế, và uy tín quốc tế, một đất nước hùng cường và hạnh phúc cho đất nước Việt Nam./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.