Nhiều địa phương thiệt hại nặng nề do mưa lũ
Trạm biến áp ở phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên) bị ngập dẫn đến mất điện toàn khu vực. Ảnh: Báo Thái Nguyên |
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTTTKCN) tỉnh Thái Nguyên, trận mưa đêm 9/9 rạng sáng ngày 10/9 mưa lũ đã làm 3 người chết, 1 người bị thương nhẹ (tổ 5 phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên); làm gần 1.100 ngôi nhà bị ngập, 2 nhà bị hư hỏng, khoảng 670 ha lúa ngập, 43 ô tô bị hư hỏng, 2 điểm trường bị ảnh hưởng, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, chia cắt… Đặc biệt, trạm biến áp 110 kV ở phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên) bị ngập dẫn đến mất điện toàn khu vực.
Ngay sau đó, Ban Chỉ huy PCTTTKCN tỉnh cùng các địa phương, sở, ngành, đơn vị chức năng đã tập trung triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai để sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Chiều tối 10/9, tình hình ngập úng tại TP. Thái Nguyên đã được khắc phục.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, đợt mưa này có khả năng kéo dài đến hết ngày 12/9, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Tại tỉnh Bắc Kạn, ngày 10/9, sét đánh khiến 4 người bị thương, trong đó có 3 trong một gia đình ở huyện Chợ Đồn và 1 người ở huyện Pác Nặm.
Tại thị trấn Bằng Lũng có 2 nhà bị sạt; huyện Ngân Sơn có 92 ha lúa bị thiệt hại; huyện Ba Bể có 72 ha lúa và 66,5 ha ngô bị thiệt hại. Nhiều đường tỉnh lộ bị hỏng. Ước tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra ngày 10/9 là vào khoảng 1,5 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTNTKCN tỉnh Hà Giang, trong ngày 9 và 10/9, tại Hà Giang đã xảy ra mưa to đến rất to, làm trên 300 ngôi nhà bị ngập, cuốn trôi nhiều tài sản của nhân dân ở thị trấn Yên Minh và các xã Mậu Duệ, Ngam La, Đông Minh; khiến gần 100 ha lúa của xã Mậu Duệ và thị trấn Yên Minh bị ngập úng, thiệt hại.
Nước lũ cũng đã làm hỏng 4 cột điện, 2 cầu dân sinh và ngập úng 8 điểm trường trên địa bàn. Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng bị sạt lở đất, với tổng khối lượng hàng nghìn mét khối. Tại huyện Bắc Quang, mưa lớn làm sạt lở tại một số tuyến đường, gây ách tắc giao thông.
Bên cạnh đó, một vết nứt dài trên 100 m đã xuất hiện tại khu đồi thôn Nà Ngoãng, xã Côn Lôn, có khả năng gây nguy hiểm đến 10 hộ dân. Hiện chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra để lên phương án di dời.
Với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”, ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTTTKCN tỉnh Hà Giang chỉ đạo UBND các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Lực lượng dân quân hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Ảnh: Báo Hà Giang |
Tại tỉnh Tuyên Quang, mưa lũ trong 2 ngày 9 và 10/9 đã khiến một gia đình gồm 3 người ở xã Minh Hương, huyện Hàm Yên đã bị nước cuốn trôi. Các lực lượng đã tìm thấy thi thể của 2 người và đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân còn lại.
Mưa lũ còn làm 4 nhà dân bị đổ, sập; hơn 21 ha lúa, cây ăn quả và hoa màu bị ngập úng; nhiều tuyến đường ở các xã bị sạt lở gây ách tắc đường…
Chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết; kiểm tra, cảnh báo hộ gia đình ở ven sông suối, vách núi, taluy cao, nơi thảm thực vật thưa thớt, rừng sản xuất mới được khai thác biết thông tin để chủ động biện pháp ứng phó đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện biện pháp an toàn công trình giao thông, thủy lợi (đặc biệt là các công trình đang có sự cố, đang thi công, hồ chứa đã tích đầy nước), cầu, ngầm, tràn, đê, kè để đảm bảo an toàn công trình.
Đặc biệt, các địa phương tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Khi có thiên tai xảy ra chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của huyện, thành phố và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định để khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định đời sống, sản xuất.
Mưa to trên diện rộng và kéo dài từ sáng 9/9 đến sáng 10/9 đã gây ảnh hưởng về giao thông tại tỉnh Lai Châu. Nhiều tuyến đường tỉnh lộ đi các huyện Mường Tè, Tân Uyên, Sìn Hồ xuất hiện sạt lở taluy dương và lún sụt mặt đường, làm ách tắc giao thông cục bộ. Hiện tại trên nhiều tuyến tỉnh lộ xuất hiện tình trạng sạt lở taluy dương gây ách tắc tạm thời.
Ngay sau khi xuất hiện sạt lở, lún sụt, Sở GTVT tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị tập trung máy móc, phương tiện để thông đường tạm.
Tại tỉnh Cao Bằng, mưa lớn trong ngày 9 và 10/9 đã làm sạt lở đất 9 nhà; thiệt hại 92 ha lúa, 25 ha hoa màu; ngập và sạt lở đất, ngập nước nhiều điểm trên tuyến đường tỉnh 202, tắc đường tại nhiều tuyến đường giao thông nông thôn.
Những trận mưa lớn kéo dài trên 2 giờ trong sáng 10/9 đã khiến nhiều tuyến phố trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, bị ngập trong nước, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của các phương tiện giao thông và sinh hoạt của người dân.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTTTKCN tỉnh Tuyên Quang khẩn trương kiểm tra, triển khai phương án đảm bảo an toàn 10 hộ dân tại thôn Nà Ngoãng, xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Cùng với đó, cơ quan chức năng kiểm tra, đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa, đê điều, công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình bị hư hại sau lũ tại các tỉnh miền Trung; tiếp tục theo dõi diễn biến mực nước trên hệ thống sông Tiền, sông Hậu tại ĐBSCL.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.