Nhiều tấm gương người khuyết tật vượt khó vươn lên
Năm nay đã gần 60 tuổi nhưng ông Phạm Trung Thanh không thể nào quên cái ngày ông gặp tai nạn bị mất đi một cánh tay vào năm 1988. Mặc cảm về bản thân cùng với hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn nên ông gần như mất đi niềm tin vào cuộc sống. Sau gần 10 năm khi vết thương đã hồi phục, được sự thương yêu, động viên của gia đình, vợ con cùng với sự đùm bọc của bà con lối xóm và chính quyền địa phương, ông đã vượt qua mặc cảm bệnh tật, mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế theo quy mô trang trại vườn, ao, chuồng. Với ý trí, nghị lực vươn lên, đến nay kinh tế gia đình ông dần ổn định, bản thân ông cũng bớt đi mặc cảm và tự tin hơn trong cuộc sống. Ông Thanh cho biết: “Là người khuyết tật, bản thân tôi cũng cố gắng động viên vợ con làm ăn, cố gắng không để trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tôi cũng mong muốn những người như tôi cố gắng vươn lên thoát cảnh nghèo đói và không nên ỷ lại vào mọi người”.
Sau khi có cuộc sống ổn định, ông quyết định mở rộng mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản với quy mô hơn 2 ha. Đầu tư gần 100 triệu đồng để cải tạo ao đầm và thả hàng vạn con giống cá nước ngọt như trắm, chép, rô phi... nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm nên mô hình nuôi cá của gia đình ông luôn cho hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và trở thành mô hình điểm để cho bà con trong xã và các xã lân cận học hỏi. Ông Lê Văn Bầu - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho biết: “Ông Phạm Trung Thanh tuy là người khuyết tật nhưng ông đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển mô hình kinh tế theo hướng vườn, ao, chuồng nên cuộc sống đã thoát nghèo và vươn lên, chúng tôi đánh giá rất cao mô hình của ông. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ động viên các hộ gia đình khác, đặc biệt là những hộ nghèo và đối tượng khuyết tật học tập mô hình của ông”.
Tấm gương vượt qua khó khăn của người khuyết tật (Ảnh: minh họa)
Hiện nay trên địa bàn huyện Hải Hà có hơn 1.000 đối tượng khuyết tật, trong đó có hơn 300 đối tượng được hưởng trợ cấp thường xuyên. Tuy nhiên với ý trí và nghị lực, các đối tượng khuyết tật đã không cam chịu số phận, vượt lên chính mình để phấn đấu làm giàu cho gia đình và xã hội. Ngoài mô hình của ông Phạm Trung Thanh, trên địa bàn huyện Hải Hà còn rất nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng VAC, mô hình nuôi ong lấy mật... đem lại hiệu quả kinh tế cao đã giúp cho các đối tượng là người khuyết tật trên địa bàn huyện Hải Hà có kinh tế ổn định và vững tin vào cuộc sống. Những tấm gương khuyết tật như ông Phạm Trung Thanh và còn nhiều đối tượng khác rất đáng để chúng ta trân trọng và học tập.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.