Nhớ về Dương Thị Xuân Quý, nữ nhà báo liệt sĩ can trường
Nữ nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý. |
Sinh ra trong một dòng tộc trí thức, nghệ sĩ yêu nước chống thực dân Pháp. Ông nội là cụ Dương Trọng Phổ, từ rất sớm đã vận động cho Đông Kinh Nghĩa Thục, bị thực dân Pháp đày ra Côn Lôn. Cha là ông Dương Tụ Quán là một nhà giáo sau chuyển sang làm báo, chủ trương tờ Văn Học tạp chí, rồi tạp chí Tri Tân. Bác ruột là ông cử Dương Bá Trạc vừa tham gia tích cực trong Đông Kinh Nghĩa Thục vừa viết báo viết văn. Sau khi đàn áp Đông Kinh Nghĩa Thục, thực dân Pháp mời ông làm tri huyện nhưng ông từ chối và tiếp tục hoạt động chống Pháp, bị chúng đày ra đảo Côn Lôn. Một người bác ruột nữa của Dương Thị Xuân Quý là nhà nghiên cứu nổi tiếng Dương Quảng Hàm. Hai người anh con bác ruột của chị là các hoạ sĩ Dương Bích Liên, Dương Cẩm Chương.
Có lẽ bởi thế với Dương Thị Xuân Quý, khả năng viết, đam mê báo chí và văn chương như một bản năng. Sau khi tốt nghiệp khoá học của Lớp nghiệp vụ báo chí, chị về làm phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968. Là một phóng viên năng nổ với cá tính mạnh mẽ, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ở nhiều vùng nông thôn miền Bắc. Bảy năm làm phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, Dương Thị Xuân Quý đã viết nhiều bài báo, một số truyện ngắn và bút ký, có những tác phẩm viết ngay tại tuyến lửa khu IV.
Chính bởi sự cứng cỏi, xông xáo, đã định đi đâu để tìm hiểu thực tế thì dù có mưa to, gió lớn cũng đi đó mà khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Dương Thị Xuân Quý đã có mặt ngay tại các vùng trọng điểm tuyến lửa ở Nghệ An, Hà Tĩnh để viết. Nung nấu nhiệt huyết yêu nước, từ năm 1965, chị đã viết đơn tình nguyện xin vào chiến trường miền Nam. Nhưng nguyện ước phải đến tháng 4/1968 mới trở thành hiện thực. Chị lên đường vượt Trường Sơn vào miền Nam, khi con gái mới 16 tháng tuổi, và chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã có mặt ở chiến trường từ một năm trước đó.
Trong bức thư gửi gia đình ngày 16/4/1968, chị viết “Ngày mai 17/4/1968, em chuyển sang cùng chiến trường với Quốc. Những ngày qua, em rất khỏe và phấn khởi. Em khỏe đến mức khó hiểu. Chúng em đã đi dưới biển trăng rất tuyệt diệu. Trước khi đi em đã gửi thư cho anh như anh đã dặn. Anh cứ yên tâm về em”. Chị phấn khởi khoe về cuộc sống hạnh phúc đầy mới mẻ, về chiếc máy ảnh mới “Em được phát một chiếc máy ảnh Đức trị giá 1500đ (Một nghìn năm trăm đồng) đẹp và tốt lắm. Em mang theo 5 cuộn phim được phát. (Máy ảnh, em có gửi chiếc hộp của nó về nhà đấy). Chiếc đồng hồ cũ của em em cho cái Bích Ngọc. Em đã mua được đồng hồ nữ Liên Xô rất tốt rồi. Dọc đường nếu túng em sẽ bán đồng hồ đi”.
Lá thư của nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý gửi về cho gia đình ngày 16/4/1968. |
Thực tế chiến trường cho thấy nữ nhà báo tỏ ra không thua kém nam giới trên tất cả các mặt trận. Vượt qua những ngày tháng băng rừng lội suối, trong, mưa bom lửa đạn của trường miền Nam khói lửa, Dương Thị Xuân Quý đã viết được truyện ngắn "Hoa rừng" và nhiều bút ký, như: "Tiếng hát trong hang đá", "Gương mặt thách thức" và "Niềm vui thầm lặng".
Tháng 12/1968, có một đợt đi thực tế xuống đồng bằng, Dương Thị Xuân Quý xin về chiến trường Quảng Đà. Những năm tháng này, Quảng Đà là chiến trường ác liệt nhất của khu V nói riêng và của cả miền Nam nói chung. Nói về quyết định của mình, chị đã từng chia sẻ với một người bạn rằng: "Bây giờ đất nước mình đang sống những ngày dữ dội nhất, đang trong cuộc chiến đấu anh dũng nhất. Tao muốn được sống như một người công dân bình thường nhất, nghĩa là “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh...Chỉ có như thế, tao mới hi vọng mình có thể ghi lại một chút gì của thời đại anh hùng mà chúng ta đang sống…”.
Đến chiến trường Quảng Đà, trước cái khốc liệt của chiến tranh, những người con của quê hương cứ đến rồi nằm xuống, chứng kiến những điều đó nhưng với lòng quả cảm của một nhà báo, chị không sợ hãi - như những dòng nhật ký chị đã viết ra vào ngày 15/12/1968: "Lạ thế, biết nguy hiểm nhưng vẫn sẵn sàng lao vào, dù có hy sinh. Đời người ai chả chết. Dĩ nhiên mình có nghĩ đến đau khổ của anh và Ly. Nhưng cái gì cũng qua thôi... Đó là ý nghĩ của mình khi được phân công đi công tác Quảng Đà từ nay đến cuối tháng 3- 1969... Lo, mình lo chứ. Nhưng mình quyết tâm và nghĩ thế này: dù có chết thì cũng như bao người phải chết thôi. Nghĩ vậy, không thấy sợ nữa...".
Đêm 3/3/1969, từ dưới hầm bí mật của vùng đông Duy Xuyên, trong thư gửi nhà văn Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý viết: “Tôi đang suy nghĩ một cái truyện vừa về Xuyên Hòa... Chuyến này tôi gặp nhiều nguy hiểm nhưng vui kỳ lạ…Địch vừa phục bắn chết bốn đồng chí của mình hôm kia và hôm qua bắn bị thương 2 đồng chí lúc qua đường…Chiều mai tôi sẽ đi Xuyên Châu với anh Tý ít ngày, tranh thủ vào quận Nam Phước. Vào ban đêm được anh à, tôi sẽ tranh thủ viết”.
Nhà báo Dương Thị Xuân Quý cùng đồng đội của mình trên chiến trường. |
Nhưng rồi chỉ vài hôm sau, vào đêm ngày 8/3/1969, Dương Thị Xuân Quý anh dũng hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trong một trận càn quét ác liệt của giặc Nam Triều Tiên khi chị cùng đồng đội từ dưới hầm bí mật tìm cách thoát ra khỏi vòng càn...
Nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi thanh xuân phơi phới, tài sản quí giá mà chị để lại là những câu chuyện kể về lòng trung thành, về tinh thần bất khuất của một nữ nhà báo kiên trung đã xông mình vào nơi lửa đạn, ghi lại những câu chuyện xúc động nhất của thời chiến. Dương Thị Xuân Quý mất đi nhưng hình ảnh, tâm hồn và tinh thần của chị vẫn còn lại, vẫn sống trong lòng người thân và bạn đọc như một tấm gương sáng về lòng yêu nước, yêu nghề, về sự hi sinh và lòng dũng cảm.
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt nhìn thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai..."
(Trích " Bài thơ về hạnh phúc" do nhà thơ Bùi Minh Quốc - chồng nữ nhà báo sáng tác).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.