Những bông hồng khuyết tật vượt lên chính mình, tự chủ kinh tế
Đó là chị Đinh Thị Yến (ở xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Chị Yến khuyết tật vận dộng, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và làm việc. Trước đây, chị từng đi học may nhưng đi tìm việc thì nhiều doanh nghiệp từ chối.
Chị Yến (áo đen)- chủ Hợp tác xã May mặc Cúc Phương (Ảnh: Kinh tế đô thị)
Năm 2017, chị Yến tham gia “nhóm phát triển hòa nhập” thuộc Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” do Tổ chức ActionAid tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam và Tổ chức phát triển quốc tế CBM đồng tài trợ.
Qua những hoạt động của dự án, chị Đinh Thị Yến và nhiều chị em khuyết tật được khảo sát nhu cầu thị trường, tạo ra những mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, đào tạo nâng cao tay nghề, xây dựng gắn mã thương hiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng giữa đơn vị sản xuất hàng hóa và nhà cung cấp hàng hóa. Những phụ nữ khuyết tật còn được học hỏi nhiều kiến thức về phòng chống thiên tai có hòa nhập NKT...
Hợp tác xã của chị Yến đảm bảo thu nhập cho chị em phụ nữ khó khăn (Ảnh: Kinh tế đô thị)
Năm 2019, sau khi đến thăm mô hình nhóm may xã Thạch Bình (do Dự án hỗ trợ) và tìm hiểu cách thức triển khai mô hình, khi trở về địa phương, chị Yến đã tổ chức cuộc họp với nhóm hòa nhập xã Cúc Phương để tập hợp các chị em có mong muốn cải thiện cuộc sống bằng nghề may và vận động địa phương hỗ trợ đối ứng với dự án để xây dựng nhóm may xã Cúc Phương.
Đến nay đã hơn 2 năm phát triển, nhóm may đã phát triển thành Hợp tác xã (HTX) May mặc Cúc Phương. Mô hình HTX này đã và đang tạo việc làm cho 26 phụ nữ khuyết tật và phụ nữ nghèo với mức thu nhập bình quân 80.000 – 100.000 đồng/người/ngày, cao nhất khoảng 150.000 – 180.000 đồng/người/ngày.
Đến nay, mô hình May mặc do Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của NKT và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” hỗ trợ đã đảm bảo công ăn việc làm ổn định và phù hợp với sức khỏe cho 52 xã viên là phụ nữ khuyết tật và người nhà của NKT ở 2 xã Cúc Phương và Thạch Bình.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (40 tuổi, quê Thanh Hóa) cũng là tấm gương vượt lên số phận, trở thành chủ doanh nghiệp và tích cực tham gia công tác thiện nguyện. Chị Hiền mắc bệnh còi xương do tuyến yên không phát triển từ nhỏ, cơ thể của chị chỉ bằng đứa trẻ. Khiếm khuyết cơ thể không ngăn cản khao khát vươn tới tri thức của chị. 20 năm ngồi trên ghế nhà trường, chị Hiền là học sinh khá, giỏi và đạt được nhiều danh hiệu trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh và thành phố Thanh Hóa.
Chị Hiền tại Diễn đàn "Truyền cảm hứng Phụ nữ khởi nghiệp trong nền kinh tế số" (Ảnh: Báo Dân sinh)
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng kế toán doanh nghiệp sản xuất của Trường Đại học Lao động - Xã hội năm 2004, Thu Hiền nhận báo cáo của các công ty tư nhân về kê khai thuế hàng tháng. Chưa hài lòng với kết quả bước đầu đạt được, đến cuối năm 2004, chị quyết tâm thi đỗ vào ngành Tài chính - Kế toán của Trường Đại học Vinh (Nghệ An). Năm 2008, sau khi tốt nghiệp, Thu Hiền tiếp tục làm kế toán cho các doanh nghiệp tư nhân. Chị luôn được các khách hàng, đối tác đánh giá là một kế toán có tâm với nghiệp vụ giỏi. Năm 2010, chị có quyết định táo bạo trong sự nghiệp khi thành lập Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ và Thương mại Suri chuyên sản xuất bàn ghế đá Granito cung cấp cho các công viên, trường học, đình chùa và bệnh viện; cho thuê kho bãi, gara sửa chữa ô tô và Kinh doanh dịch vụ Billiard thể thao giải trí…
Dù nhỏ bé và đi lại khó khăn hơn nhiều so với tất cả công nhân viên trong công ty và khách hàng, nhưng nữ doanh nhân 40 tuổi này nói rằng chị không cần sự đối xử đặc biệt. "Luật pháp không đòi hỏi mọi thứ trên thế giới phải được hạ thấp cho ai đó vì chiều cao của người đấy. Tôi có thể làm được mọi điều tôi mong muốn trong điều kiện công bằng như tất cả mọi người". Tính cách chân thành, cởi mở và tư duy quyết đoán, sáng tạo của chị đã giúp các nhân viên và khách hàng vượt qua được những lo lắng ban đầu có thể có về năng lực của người nữ doanh nhân này.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 song Công ty của Thu Hiền vẫn đang nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo thu nhập ổn định cho gần 20 lao động với mức thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ thế,chị còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là cho người khuyết tật. Từ nhiều năm qua, Thu Hiền luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào, các lớp học về kỹ năng sống, về thuyết trình, các cuộc thi dành cho người khuyết tật..., nhất là các chương trình của Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Thanh Hóa… tổ chức; Làm diễn giả cho các diễn đàn truyền cảm hứng cho phụ nữ khởi nghiệp trong nền kinh tế số tại các tỉnh thành ở Việt Nam. Chị còn tham gia nhiều cuộc hội thảo trong nước và nước ngoài như: Hội nghị 4 nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin về người khuyết tật năm 2007; Giao lưu người khuyết tật Châu Á. Mới đây nhất, chị cũng đã là một trong những khách mời truyền cảm hứng tại Diễn đàn "Truyền cảm hứng Phụ nữ khởi nghiệp trong nền kinh tế số" do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tháng 10/2020.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.