Những điều cần biết về bệnh Gout
Bệnh Gút là gì?
Bệnh Gút (gout) hay còn gọi là thống phong.
Nguyên nhân gây ra bệnh là do sự rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể, Ở Việt Nam, do lạm dụng bia rượu quá mức và chế độ ăn uống thừa chất đạm quá nhiều dẫn đến rối loạn chuyển hóa acid uric, gây ra bệnh Gút. Acid uric là nhân purin có trong DNA và RNA bị phân hủy sinh lý. Sau khi hình thành, acid uric đi vào máu rồi đến thận sẽ được lọc bỏ, đào thải ra khỏi cơ thể. Khi lượng acid uric trong máu tăng cao, thận không kịp lọc để đào thải dẫn đến tích tụ thành tinh thể urat trong các mô, nhất là trong các khớp xương. Tích lũy càng nhiều càng khiến các khớp xương viêm nhiễm, đau nhức khó chịu, từ đó gây lên bệnh Gút.
Người nào dễ bị bệnh Gút
Tỷ lệ mắc bệnh gút là khoảng 1/200 người trưởng thành. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi người, không phân biệt tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên, nam giới từ 30–50 tuổi và phụ nữ trong giai đoạn sau mãn kinh thường mắc bệnh này nhiều hơn. Bệnh ít khi xảy ra ở người trẻ và trẻ em.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh Gút bao gồm:
- Chế độ ăn quá nhiều đạm và hải sản
- Tuổi tác và giới tính: bệnh xuất hiện nhiều hơn ở nam giới và người lớn tuổi
- Uống nhiều rượu bia trong thời gian dài
- Béo phì
- Gia đình có người từng bị gút
- Mới bị chấn thương hoặc mới phẫu thuật
- Tăng cân quá mức
- Tăng huyết áp
- Chức năng thận bất thường
- Sử dụng một số loại thuốc có thể là nguyên nhân làm tích tụ axit uric trong cơ thể như: Aspirin, Thuốc lợi tiểu, Thuốc hóa trị liệu, Các loại thuốc có thể làm suy giảm hệ miễn dịch như cyclosporine
- Từng mắc các bệnh như đái tháo đường, suy giảm chức năng thận, bệnh tim, xơ vữa động mạch, tắc nghẽn mạch máu, bệnh truyền nhiễm, tăng huyết áp
- Mất nước
Biểu hiện của bệnh Gút
Bệnh gút đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, người bệnh thường xuyên bị đau đớn đột ngột giữa đêm và sưng đỏ các khớp khi đợt viêm cấp bùng phát, đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác ở chân (như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân) và ít gặp hơn ở khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay), cả cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng.
Hầu hết các biểu hiện của bệnh gút thường kéo dài vài giờ trong 1–2 ngày. Tuy nhiên, đối với trường hợp nặng, cơn đau có thể xảy ra trong vòng vài tuần. Nếu người bị bệnh gút không dùng thuốc trị gút thường xuyên, các triệu chứng của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn.
U cục tophi: bệnh này đặc trưng bởi sự tích tụ tinh thể dưới da. Thông thường, các khối này sẽ xuất hiện xung quanh ngón chân, đầu gối, ngón tay và tai. Nếu không được xử lý đúng cách thì u tophi sẽ ngày càng lớn hơn.
Tổn thương khớp: nếu người bệnh không dùng thuốc trị gút, khớp có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương xương và các khớp khác.
Tổn thương các cơ quan khác: nếu không điều trị gút đúng cách, các tinh thể acid uric không chỉ tích tụ quanh khớp mà còn tích tụ trong nội tạng như thận (gây ra sỏi thận, viêm thận kẽ, suy thận): tim (gây viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim).
Các phương pháp điều trị Gút
Điều trị nội khoa: Là phương pháp quan trọng, cần thiết để điều trị dứt điểm bệnh. ở các mức độ bệnh khác nhau bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp, bệnh nhân cần uống thuốc đều đặn, đúng giờ, đúng liều. Đơn thuốc thông thường điều trị bệnh gồm: thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc ức chế sản sinh acid uric và thuốc tăng đào thải acid... Các thuốc hạ acid uric máu có thể phải dùng suốt đời.
Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật cắt bỏ nốt tophi được chỉ định trong trường hợp:
- Gout kèm biến chứng loét
- Bội nhiễm hạt tophi
- Hạt u tophi kích thước lớn, ảnh hưởng đến vận động hoặc vì lý do thẩm mỹ
Phòng ngừa bệnh Gút:Thay đổi lối sống giúp phòng ngừa và điều trị hiệu quả bệnh Gút:
Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc được kê đơn.
Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe.
Điều trị tốt các bệnh lý mạn tính có thể gây bệnh gút thứ phát như suy thận, các bệnh lý chuyển hóa, đái tháo đường, tăng huyết áp...
Tập thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần; Duy trì cân nặng hợp lý
Đặc biệt cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý:
- Tránh ăn nội tạng động vật, nhất là gan...
- Hạn chế ăn hải sản và các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt chó...)
- Ăn ít chất béo bão hòa như bơ, mỡ động vật, dầu dừa, dầu lạc...
- Giảm sử dụng các thức uống có cồn, đặc biệt là bia rượu
- Hạn chế uống cà phê, trà, nước uống có ga
Các loại thực phẩm bệnh nhân Gút nên hạn chế
- Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, rau xanh, cà chua, ...
- Thay thế dùng đường tinh luyện bằng đường tự nhiên trong rau củ và ngũ cốc
- Nên dùng các sản phẩm chứa ít chất béo
- Uống nhiều nước: uống từ 2,5–3 lít nước mỗi ngày
Các loại thực phẩm bệnh nhân Gút nên ăn
Có thể nói bệnh Gút là bệnh rối loạn chuyển hóa liên quan tới xương khớp khá nguy hiểm không nên chủ quan. Bệnh nhân bị bệnh Gút cần đến khám tại các phòng khám Nội của khoa Khám bệnh BVĐK Hà Đông để được các bác sĩ tư vấn và điều trị kip thời.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.