Những đóng góp thầm lặng của khoa Huyết học- Truyền máu bệnh viện ĐKHĐ
Trong hệ thống y tế, nếu như bác sỹ và điều dưỡng là những người trực tiếp chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân thì nhân viên các khoa xét nghiệm lại là những người cống hiến thầm lặng, hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả, dù họ không trực tiếp chăm sóc người bệnh. Họ âm thầm làm việc bất kể ngày đêm, tiếp xúc trực tiếp với các mẫu bệnh phẩm như máu và các chất dịch cơ thể...với nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng họ vẫn chuyên tâm làm việc một cách tỉ mỉ, cẩn thận để cho ra những kết quả xét nghiệm nhanh chóng, kịp thời và chính xác nhằm phục vụ cho việc điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Th.S BSCKII Nguyễn Thị Hương Liên – Trưởng khoa Huyết Học Truyền máu có nhiều năm trăn trở với nghề, chị chia sẻ: Một công việc mà trong nghề y thường ví là “những chú ong chăm chỉ đứng sau cánh gà”. Đúng như vậy, những nhân viên của khoa nhiều khi bệnh nhân không biết mặt, người nhà của bệnh nhân không biết tên nhưng kết quả công việc chúng tôi làm ra đã góp phần để chẩn đoán và hướng đến phác đồ điều trị của bác sỹ đối với từng bệnh nhân. Một kết quả xét nghiệm không chỉ giúp các bác sỹ lâm sàng chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời mà còn có thể dự báo sớm những nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó có những kết quả xét nghiệm được xem như “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán, vì vậy có thể xem xét nghiệm là một lĩnh vực không thể thiếu, luôn hổ trợ tích cực trong công tác điều trị bệnh, đó là những thành công như khi tìm ra Ký sinh trùng sốt rét, TB Hargraves hoặc kết quả bất thường của chức năng đông cầm máu, điện di Huyết sắc tố... giúp các bác sỹ lâm sàng có hướng điều trị đúng, giúp bệnh nhân mau hồi phục.
Trong giai đoạn cả nước chung tay phòng chống đại dịch Covid -19, khoa đã cử các Kỹ thuật viên tham gia hỗ trợ và tăng cường công tác xét nghiệm Covid-19 của Bệnh viện (5 kỹ thuật viện đó là Kiều Quốc Hùng, Nguyễn Ngọc Hiến, Đặng thị Hảo, Hoàng Mai Hương, Phùng Trung Kiên tham gia tăng cường tại khoa Vi sinh), các bác sĩ và kỹ thuật viên còn lại tại khoa luôn chủ động hoàn thành tốt các nhiệm vụ cấp phát máu và làm xét nghiệm cho bệnh nhân nói chung, đặc biệt là xét nghiệm phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 nói riêng, có ngày chúng tôi làm xét nghiệm cho bệnh nhân thường (bệnh nhân không bị CoVid-19), thì với hơn 100 bệnh nhân Covid-19 đã làm hơn 600 xét nghiệm.
Cùng với đó dịch Covi-19 ngày càng diễn phức tạp, tình hình máu lại rất khan hiếm, khoa Huyết học Truyền máu đã phối hợp với Viện Huyết học truyền máu TƯ tổ chức được 6 buổi hiến máu tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, thu được gần 200 đơn vị máu. Cũng trong thời gian này Khoa Huyết học truyền máu cùng các khoa lâm sàng trong bệnh viện đã vận động được tổng số 486 người tham gia hiến máu trong đó có 45 cán bộ nhân viên y . Thật hạnh phúc và tự hào trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành và khan hiếm máu, với sự hỗ trợ của Viện HHTM TƯ, và sự chỉ đạo quyết liệt của Ban giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Đông - khoa khoa Huyết học Truyền máu chúng tôi đã cấp phát máu an toàn và kịp thời, cứu sống nhiều bệnh nhân trở về với cuộc sống bình thường. Vui nhất là khi có máu để cấp phát kịp thời cho người bệnh nhưng ngược lại, buồn lắm những khi máu rất ít mà người bệnh có chỉ định truyền máu phải chờ máu để truyền.
Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật viên xét nghiệm của chúng tôi như: Kỹ thuật viên Nga, Hảo, Thùy , Thu, My, Phượng, trong lúc dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao để đảm bảo an toàn bệnh viện – an toàn người bệnh chúng tôi phải làm 4 tại chỗ, với tâm thế phải luôn tập trung cao độ để bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, đặc biệt định nhóm máu và phát máu cần phải chính xác và an toàn. Công việc vất vả là thế, nhưng tôi và đồng nghiệp ai cũng xác định tư tưởng phải cố gắng làm thật tốt và tự hào vì mình được tham gia vào tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19, góp phần giúp hàng ngàn người bệnh trở về bên gia đình sau bao ngày xa cách.
Nếu điều dưỡng viên là người luôn túc trực bên người bệnh, trực tiếp cùng bác sỹ chăm sóc bệnh nhân thì bác sỹ, kỹ thuật viên như chúng tôi lại là người đứng đằng sau hỗ trợ cho quá trình điều trị đó. Dù công việc lặng thầm, ít người biết nhưng khoa Huyết học truyền máu của chúng tôi chưa từng chạnh lòng, bởi suy cho cùng, mục tiêu cao nhất vẫn là cống hiến hết mình vì sự nghiệp chữa bệnh cứu người.
Hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng cao, sự thay đổi mô hình bệnh tật, tỷ lệ người bị bệnh mãn tính không lây nhiễm ngày càng tăng dẫn tới xu hướng gia tăng nhu cầu khám chữa bệnh và phải làm xét nghiệm nhiều lần, cùng với đó là sự xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm và một số bệnh dịch mới đòi hỏi các xét nghiệm y học phải đáp ứng được yêu cầu. Kết quả xét nghiệm chính xác sẽ giúp chẩn đoán, theo dõi diễn biến và tiên lượng bệnh chính xác, có phác đồ điều trị phù hợp đồng thời hỗ trợ sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả từ đó tiết kiệm về kinh phí, rút ngắn thời gian điều trị. Các kết quả xét nghiệm còn giúp các bác sĩ có cơ sở khoa học để đánh giá, phân tích và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với người bệnh. Chính vì vậy, chất lượng xét nghiệm thường gắn liền với chất lượng chẩn đoán, điều trị, tiên lượng bệnh cũng như gắn liền với chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ người dân của ngành Y tế.
Điều khiến tôi tâm đắc trong nhiều năm qua về khoa Huyết học Truyền máu đó là cơ sở vật chất luôn khang trang sạch sẽ, trang thiết bị hiện đại,. Đặc biệt nhân lực có trình độ chuyên môn cao, tận tâm với nghề không quản ngại ngày đêm làm xét nghiệm, lưu trữ và phát máu cấp cứu an toàn. Đặc biệt từ năm 2020 khoa cấp phát 8146 đơn vị máu để cứu sống người bệnh và thực hiện xét nghiệm được 210226 xét nghiệm. Năm 2021 khoa cấp phát 8099 đơn vị máu để cứu sống người bệnh và thực hiện xét nghiệm được 193148 xét nghiệm.
Ngoài ra, các Kỹ thuật viện luôn có trách nhiệm với những việc mình làm, thận trọng, nhanh chóng… từ lời nói, hành động, việc làm, cả trong hành vi ứng xử với đồng nghiệp luôn đề cao tính trách nhiệm. Sự tận tâm và những hy sinh thầm lặng của chúng tôi chỉ mong góp phần tạo nên thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và sự tin yêu của nhân dân khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Gắn bó với nghề hơn 17 năm, Cử nhân Nguyễn Thị Nga - Kỹ thuật viên trưởng của khoa Huyết học - Truyền máu chia sẻ trong những năm công tác, chị càng thấm thía tính đặc thù của nghề này, dù thầm lặng nhưng cũng có rất nhiều niềm vui, kỷ niệm, gắn bó mật thiết với từng bệnh nhân, khi người bệnh đến khám bệnh là có bệnh phẩm gửi lên phòng xét nghiệm, cho đến khi bệnh nhân chuẩn bị xuất viện cũng cần kết quả xét nghiệm để bác sỹ quyết định.
Có nhiều đêm trực chúng tôi cùng thức với các đồng nghiệp và các bệnh nhân diễn biến nặng, vì cứ 30 phút lại có bệnh phẩm gửi đến yêu cầu làm xét nghiệm gấp. Chưa kể đến những ca bệnh cấp cứu từ sáng sớm, trưa, trong đêm phải truyền với lượng máu nhiều.
Công việc của những nhân viên kỹ thuật trong nghề y nói chung và người kỹ thuật viên xét nghiệm như tôi là hoàn toàn thầm lặng ít người biết đến nhưng lại góp công rất lớn cho sự phát triển của một bệnh viện, công việc xét nghiệm cùng với chẩn đoán hình ảnh… đã kết nối, cộng hưởng với bàn tay, khối óc và đôi mắt của người bác sỹ để tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, có phác đồ hướng điều trị đúng, giúp rút ngắn thời gian điều trị. Từ đó góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của bệnh viện trong xã hội và sự hài lòng của bệnh nhân.
Công việc rất nặng nề, áp lực luôn phải tiếp xúc với hóa chất độc hại các yếu tố gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể có nguy cơ phơi nhiễm nhưng tôi và các đồng nghiệp luôn tận tận tụy, nhiệt huyết với công việc và tự hào với công việc mà mình đã chọn.Tập thể khoa chủ động, tích cực, đoàn kết hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Chính vì vậy mà trong nhiều năm qua khoa Huyết học – Truyền máu vinh dự được Sở Y tế công nhận là “Tập thể lao động tiên tiến” nhiều năm.
Dưới đây là một số hình ảnh khoa Huyết học Truyền máu tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.