Những nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ do dịch Covid-19
Gửi câu hỏi trên Báo Chính phủ, ông Đặng Khắc Luân (Nghệ An) cho biết: Anh tải ông là Đặng Khắc Hoàng (sinh năm 1984), bị khuyết tật nặng. Hiện ông Đặng Khắc Hoàng sống cùng với bố mẹ đẻ, chưa lập gia đình. Ông có làm nghề thợ hồ, nhưng không phải nghề chính mang lại thu nhập. Do đó, ông Luân thắc mắc anh trai mình có thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 không?
Trả lời câu hỏi trên, UBND huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho hay: Ông Đặng Khắc Hoàng đang hưởng chế độ người khuyết tật nặng, dạng tật: Thần kinh, tâm thần, trí tuệ; mức hưởng: 540.000 đồng/tháng; nghề phụ hồ không phải là nghề chính mang lại thu nhập cho ông.
Ông sống phụ thuộc vào bố mẹ đẻ. Gia đình bố mẹ của ông Đặng Khắc Hoàng thu nhập chủ yếu từ nghề nuôi trồng thủy hải sản (nuôi tôm) và nông nghiệp.
Ảnh Internet
Căn cứ Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND ngày 9/8/2021 của UBND tỉnh Nghệ An quy định hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các văn bản hướng dẫn của UBND huyện, việc xác định ông Đặng Khắc Hoàng không đủ điều kiện để hưởng hỗ trợ lao động tự do.
Xét theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, quy định cụ thể như sau
- Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương;
- Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc;
- Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp;
- Chính sách hỗ trợ tiền ăn cho người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0), người phải cách ly y tế (F1);
- Chính sách hỗ trợ cho viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, người lao động làm hướng dẫn viên du lịch;
- Chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách địa phương, các tỉnh thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức hỗ trợ.
Điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định về mức hỗ trợ với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác:
Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.