Những sáng tạo không thể tin nổi của các bác sỹ quân y những năm chống Mỹ

2017-02-26 16:13:06 0 Bình luận
Ống pháo sáng do Mỹ thả xuống được dùng làm ống nghe; dây dù được tách ra để làm chỉ khâu y tế; vải dù dùng để băng bó; dây điện được tháo từ xác máy bay, sau đó tách vỏ cao su ra khỏi lõi kim loại, vỏ cao su dùng làm ống truyền tĩnh mạch.
Trong tác phẩm “Chân trần chí thép” (Bare feet, iron will) do NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng First News xuất bản, tác giả James G.Zumwalt – một Trung tá thủy quân lục chiến Mỹ trong chiến tranh Việt Nam –  đã khắc họa rõ nét sự thiếu thốn trăm bề của lực lượng y bác sỹ Việt Nam trên chiến trường thông qua lời kể của GS-BS Lê Cao Đài.
 
Nhưng qua đó, ta thấy được sự sáng tạo, “chí thép” của quân y Việt Nam, cùng với đó là sự cảm phục của một con người từng là kẻ thù bên kia chiến tuyến. Với mong muốn “thấu hiểu kẻ thù”, năm 1994 cựu binh James G.Zumwalt quay trở lại Việt Nam để tìm gặp những cựu chiến binh Việt Nam. Một trong số đó là GS-BS Lê Cao Đài, người có 8 năm làm bác sỹ quân y trên mặt trận Điện Biên Phủ và sau đó là 8 năm ở rừng Trường Sơn.
 
“Sản xuất” y cụ từ… đồ Mỹ
 
Nhắc đến quãng thời gian chống Mỹ, khi đang giữ chức trưởng khoa phẫu thuật tại một bệnh viện quân y năm 1966, ông Đài khi đó 37 tuổi lại xung phong vào miền Nam làm việc.
 
Ông được lệnh tổ chức và điều hành một bệnh viện chiến trường. Tập hợp được hơn 400 nhân viên y tế từ các bệnh viện, ông Đài đã lập nên một bệnh viện dã chiến có tên gọi 211.
 
Hai tháng sau ngày khởi hành, 3 nhóm của Bệnh viện 211 gặp nhau ở Ngã ba Đông Dương, nơi giáp giới giữa Việt Nam, Lào, Campuchia. Để đảm bảo bí mật, các nhân viên của bệnh viện phải đào một loạt những hầm hở sâu 1 mét, mỗi cái có sức chứa chừng 4-5 người, một hầm chữ A tránh bom sâu 2 mét được đào thông vào căn hầm này.
 
Để lập được một bệnh viện với khoảng 1.000 thương binh và 400 nhân viên đòi hỏi phải đào chừng 280 hầm hở và hầm chữ A. Làm một căn cứ mới như vậy chừng một tháng, thường thì chỉ ở trong khoảng 2-3 tháng, hoặc cho tới khi bị lộ.
 
“Khi người Mỹ tiến hành phun chất độc da cam trong khu rừng mà chúng tôi đóng trại, thì chúng tôi lại phải chuyển chỗ,” ông Lê Cao Đài nhớ lại.
 

Bác sĩ Lê Cao Đài (thứ hai, hàng sau, bên phải) với các đồng đội tại Bệnh viện Quân y 211, chiến trường Tây Nguyên năm 1970.
 
Theo lời kể của ông Đài, công tác cứu thương của ta khi đó thiếu thốn đủ đường, thậm chí không có dao phẫu thuật. Để tồn tại và duy trì chức năng của một bệnh viện chiến trường, nhóm của ông đã phải ứng biến trong hoàn cảnh khắc nghiệt.
 
Những y cụ được tạo ra từ những thứ tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến y tế. Điều trớ trêu với người Mỹ là những vật dụng không liên quan tới y tế mà các y bác sỹ Việt Nam sử dụng vào mục đích cứu thương ấy lại đến từ một nguồn rất dồi dào nhưng ngoài mong đợi, đó là Chính phủ Mỹ.
 
Ông Đài kể về việc xoay sở của đội ngũ nhân viên:“Chúng tôi sử dụng mảnh kim loại, thường là từ số bom không phát nổ của Mỹ. Chúng tôi lấy kim loại từ những quả bom đó để làm dao mổ và một số thiết bị khác. Chúng tôi cũng dùng kim loại từ vỏ đạn pháo, hoặc mảnh nhôm từ xác máy bay. Tất cả các nhu cầu về y tế được đáp ứng theo kiểu này, từ thiết bị phẫu thuật, hộp tiệt trùng y cụ, ông nghe…”
 
Ông Đài nhấn mạnh: “Chúng tôi không bỏ phí thứ gì mà người Mỹ cung cấp”. Bất cứ phế liệu nào cũng được tháo tung rồi chế tác để sử dụng vào việc này việc kia. Chẳng hạn như pháp sáng được người Mỹ thả xuống vào ban đêm để quan sát hoạt động của bộ đội đã cung cấp vật liệu cho rất nhiều ứng dụng: ống pháo sáng được dùng làm ống nghe; dây dù được tách ra để làm chỉ khâu y tế; vải dù dùng để băng bó…
 
Khi phát hiện máy bay Mỹ rơi, người ta nhanh chóng tìm kiếm những vật liệu còn sót lại. Dây điện được tháo từ máy bay, sau đó tách vỏ cao su ra khỏi lõi kim loại, vỏ cao su dùng làm ống truyền tĩnh mạch.
 
Bệnh viện cũng thiếu ống tiêm, các nhân viên y tế lại dựa vào trí sáng tạo của mình. “Thoạt tiên, chúng tôi không có cách nào đựng thuốc để tiêm,” ông Đài giải thích. “Sau khi tiêm kháng sinh hoặc một vài loại thuốc khác, chúng tôi giữ lại ống tiêm để dùng tiếp. Nhưng không thể giữ tất cả lại được… Vì thế, chúng tôi quyết định sản xuất ngay tại bệnh viện.
 
Khi có một đơn vị mới từ Hà Nội vào, tôi hỏi sỹ quan chỉ huy rằng anh ấy có người thợ thủ công nào không. Anh ấy có 3 người. Họ bảo tôi để làm ống tiêm thì chỉ cần thủy tinh hoặc chai lọ cũ là đủ. Từ đó, việc sản xuất ống tiêm trở nên rất dễ dàng….
 
Vào giai đoạn này – từ năm 1967-1968 – chúng tôi bắt đầu giải phóng một số vùng ở Campuchia. Bên trong và xung quanh các cơ sở quân sự ở Campuchia có rất nhiều chai bia và soda rỗng, một nguồn nguyên liệu tốt để làm ống tiêm.
 
Những thợ thủ công kia đã nói với chúng rôi rằng điều quan trọng nhất là xây cái hầm lò để đun thủy tinh. Sức nóng của lò cũng là điều quan trọng. Rất dễ để có than củi ở trong rừng, nhưng than củi không cho sức nóng tốt bằng than đá. Một người ở binh xưởng vũ khí rất rành về lĩnh vực này, anh ấy nói có thể dùng than củi nhưng không phải loại thường, đó là than củi được đốt trong điều kiện yếm khí, loại than này cho nhiệt lượng cao.
 
Sau khi đã có lò nung và loại than cần thiết, chúng tôi bắt đầu nấu chảy thủy tinh. Các thợ thủ công khi đó đã thổi thành ống tiêm… Chúng tôi đã vận dụng sự sáng tạo của mình để sản xuất ống tiêm trong suốt cuộc chiến”.
 

Cuộc chia ly ngày ấy - Tranh của Họa sỹ Vũ Giáng Hương, vợ của bác sỹ Lê Cao Đài. Họa sỹ Vũ Giáng Hương là con gái của nhà văn Vũ Ngọc Phan.
 
Thời điểm đó, các nhân viên y tế chỉ mang được một ít thuốc khử trùng từ miền Bắc vào, nhưng vẫn thiếu trầm trọng. Vì thế, họ đã tới gặp bà con người dân tộc thiểu số. “Họ biết cách làm cồn” ông Đài nhớ lại.
 
“Họ thường nấu rượu gạo, nhưng vấn đề khó khăn ở đây là chúng tôi không biết cách ủ men. Vì thế chúng tôi tới gặp họ để tìm hiểu xem họ dùng lá gì để gây men. Sau đó, chúng tôi trồng sắn để lấy tinh bột phục vụ cho việc nấu cồn”.
 
Máy phát điện chạy bằng sức người
 
Việc cung cấp điện năng tối thiểu cho bệnh viện cũng là thách thức lớn. Ở những nơi có suối nước, người ta có thể xây trạm thủy điện nhỏ. Nhưng thông thường, họ dựa vào máy phát chạy dầu.
 
Tuy nhiên, các trường hợp cấp cứu thì không thể chờ dầu. Bác sỹ phải phẫu thuật ngay khi người bị thương được đưa đến, vì thế các y bác sỹ phải dùng nguồn năng lượng có sẵn – sức người. Họ đã nối chiếc xe đạp vào máy phát, trong khi các bác sỹ đã sẵn sàng phẫu thuật cho thương binh, một người có sức khỏe được cử ra đạp xe để làm chạy máy phát.
 
Ban đầu, đèn trong phòng mổ nhập nhòe, nhưng khi người lính kia bắt được nhịp, đèn sáng ổn định hơn, và bác sỹ bắt tay vào phẫu thuật. Khi người lính này mệt, người kia sẽ lên thay. “Đôi khi tôi phẫu thuật suốt đêm với nguồn điện được cung cấp bằng hình thức ấy,” ông Đài kể.
 
Việc thiếu điện còn gây ra nhiều vấn đề khác, chẳng hạn không thể dùng tủ lạnh để bảo quản máu. Những người lính khỏe mạnh không thể hiến máu vì họ phải giữ sức để chiến đấu ngoài mặt trận. Vì thế, trách nhiệm hiến máu dồn lên vai các nhân viên y tế.
 
Trước khi lên đường vào mặt trận, các nhân viên y tế đã được kiểm tra nhóm máu nên họ biết rằng mình có thể hiến cho ai và không thể hiến cho ai. Khi có người lính bất tỉnh và không xác định được nhóm máu, một nhân viên nhóm máu O sẽ là người cho máu.
 
Rất nhiều lần, ông Đài thực hiện nhiệm vụ trong những điều kiện rất nghiệt ngã: “Đôi khi tôi thức suốt đêm để phẫu thuật và ngủ vào ngày hôm sau. Nhiều lúc bom rơi xung quanh. Phòng phẫu thuật nằm lộ thiên nhưng trong tình huống quá nguy hiểm, chúng tôi chuyển xuống hầm…
 
Một buổi chiều năm 1969, tôi bắt đầu cuộc phẫu thuật ở phòng mổ lộ thiên, bỗng có tiếng trực thăng rất gần. Viên phi công chắc chắn đã nhìn thấy chúng tôi và báo về căn cứ bởi sau đó một chốc tôi đã nghe tiếng phản lực gầm. Khi máy bay phản lực Mỹ vù qua trên đầu, chiếc trực thăng thả một quả bom khói để chỉ điểm vị trí của chúng tôi.
 
Có một bác sỹ hỗ trợ tôi trong ca mổ, khi vụ tấn công bắt đầu, chúng tôi chuyển bệnh nhân xuống hầm… ống truyền và các thiết bị khác tạm thời được ngắt, chúng tôi chuyển bệnh nhân chạy qua một giao thông hào nhỏ để đến hầm. Suốt thời gian đó, tôi vẫn đeo găng tay và không đụng vào thứ gì cả, sau đó tôi tiếp tục mổ. Vừa lúc tôi kết thúc ca phẫu thuật, một chiếc máy bay đã phóng tên lửa phá tan phòng mổ ban đầu của chúng tôi”. 
 
Viêm nhiễm là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Ông Đài và các đồng đội không thực hiện trị thương theo phương pháp thông thường.“Chẳng hạn, ban đầu chúng tôi đóng tất cả các vết thương lại, nhưng sau đó phát hiện ra rằng nếu làm như vậy ở bệnh viện chiến trường này, vết thương sẽ dễ bị nhiễm trùng.
 
Vì thế chúng tôi không đóng vết thương lại mà để hở. Đối với người bị thương do máy bay ném bom cũng thế, nếu khâu vết thương lại và tìm cách khôi phục động mạch, chắc chắn sẽ bị nhiễm trùng. Cách tốt nhất là đóng hai đầu động mạch ở hai bờ vết thương nhưng để vết thương hở.
 
Khi thực hiện điều này chúng tôi còn có một phát hiện rất thú vị. Chúng tôi nhận thấy rằng nhờ đi bộ nhiều trên Đường mòn và trong rừng nên có nhiều trường hợp, cơ thể người lính phát triển các động mạch mới (gọi là “động mạch phụ”) có thể cung cấp máu ra tứ chi. Nhờ đó, khi đóng động mạch chính, mạch máu từ cơ và các bộ phận khác vẫn tiếp tục đưa máu đến chi…”

Vừa thu hoạch lúa, vừa lo tránh bom
 
Sự thiếu thốn thường trực và nghiêm trọng nhất đó là thực phẩm. Nhiệm vụ cung cấp thức ăn lại dồn lên đầu đội ngũ nhân viên y tế, vốn đã phải căng sức với công việc chăm sóc và bảo vệ an toàn cho thương binh.
 
Ông Đài kể: “Cùng với gạo, quân đội cũng cung cấp ít muối, bột ngọt, nhưng chúng tôi phải trồng sắn để có cái ăn. Quân đội chu cấp gạo cho tất cả bệnh nhân là quá may mắn rồi. Chúng tôi còn tổ chức các nhóm săn và đánh cá để cải thiện bữa ăn”.
 
Nhưng việc săn bắt và đánh cá không thể cung cấp đủ thức ăn cho đội ngũ nhân sự bệnh viện nên họ còn phải làm nông.
 
“Mỗi đơn vị đều phải trồng sắn”, ông Đài cho biết. “Phải trồng tới một trăm hecta mỗi năm để có đủ lương thực cho đơn vị. Cách trồng sắn rất thô sơ. Đầu tiên, chúng tôi tìm những khu đất thích hợp trong rừng, tốt nhất là một khu đất phẳng, gần suối.
 
Thông thường những nơi này có nhiều cây cối, chúng tôi phải đốn xuống và chờ đến khi xác cây khô vào tháng Ba hoặc tháng Tư, lúc mùa mưa bắt đầu. Đến lúc đó chúng tôi đốt xác cây để dọn sạch khu đất. Chúng tôi dọn hết các cây còn sót lại. Sau đó trồng sắn và lúa.
 
Trỉa lúa là việc rất khó, chúng tôi dùng hai cây gậy chọc xuống đất tạo thành hai lỗ, người đi sau thả hạt vào lỗ rồi nhanh chóng khỏa đất để lấp hạt lúa lại, bằng không chim sẽ ăn mất.
 
Rồi chúng tôi chờ tới mùa mưa, lúa chín và chúng tôi thu hoạch. Việc thu hoạch đều làm bằng tay, không dùng bất cứ công cụ nào, chẳng hạn cái hái, vì loại lúa này rất dễ rụng.
 
Chúng tôi không cắt lúa cũng vì lý do an ninh nữa. Khi đang thu hoạch, máy bay có thể lượn trên đầu, thế nên việc chừa lại cây lúa là để có chỗ ẩn nấp… Họ tránh bị phát hiện bằng cách ngồi xổm giữa những bụi lúa, rồi lấy tay tuốt cho hạt lúa rời ra và bỏ vào chiếc giỏ mang sau lưng. Bằng cách này, họ tránh bị phát hiện”.
 
Các khu canh tác thường cách xa bệnh viện chừng 20-30 cây số để khi máy bay Mỹ phát hiện sẽ tưởng đó là ruộng của người bản địa. Nhưng cũng có khi lính Mỹ nhận ra, thế là ông Đài và đồng đội lại phải nhìn bao công lao thành tro bụi khi ruộng bị phun chất độc màu da cam.
 
Trong trường hợp đó, thật khó để bòn mót gì từ đồng lúa, nhưng họ vẫn cố gắng vớt vát đôi chút từ rẫy sắn. Do củ sắn nằm sâu dưới đất, họ cố gắng đào lấy củ trước khi chất độc thấm xuống.
 
Trong suy tưởng của mình về cuộc chiến tranh chống Mỹ, bác sỹ quân y Lê Cao Đài hiểu rõ tại sao Hà Nội lại chiến thắng. Thắng lợi chỉ đến với phía nào có động cơ lớn nhất, ông Đài khẳng định động cơ đó không hề hiện diện ở người Mỹ:
 
“Động lực trong cuộc chiến này chính là ước nguyện của tất cả người Việt Nam về thống nhất đất nước. Mọi người đều mong muốn điều đó. Ngược lại, đối với người Mỹ, xét ở góc độ một quốc gia, đặc biệt là với những người tham chiến tại Việt Nam, chưa bao giờ có một sự thấu hiểu về việc họ đang chiến đấu vì cái gì.
 
Ở phía chúng tôi, không bao giờ có một sự nghi ngờ hay do dự về điều mình phải làm và sẽ làm. Đó chính là nguyện ước của mọi người dân về một nền hòa bình – về một nền hòa bình trong thống nhất”.
 

GS-BS Lê Cao Đài trong một lần đi thăm trẻ em bị nhiễm chất độc dioxin.
 
Giáo sư - Bác sỹ Lê Cao Đài qua đời vào ngày 15/4/2002. Ông đóng vai trò là một nhà tư vấn về bảo vệ môi trường liên quan đến chiến tranh và được ví như là con thoi dệt lên mạng lưới khoa học quốc tế và quốc gia phát hiện phòng chống dioxin. Ông là một chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp chống dioxin của nhân loại, một nhân cách Việt Nam cao đẹp và đáng tự hào.
 
Tác giả James G.Zumwalt có cha và anh trai đều là những quân nhân Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Cha ông là Đô đốc Chỉ huy trưởng lực lượng Hải quân Mỹ tại Việt Nam, Elmo Russell Zumwalt, người sau này là Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ và là người đã phát động chiến dịch rải chất độc hóa học tại Việt Nam. Trong khi đó, người anh trai của James G.Zumwalt là Trung úy Elmo sau này chết vì phơi nhiễm chất độc da cam dioxin.


Ba cha con Đô đốc Elmo Zumwalt trong chiến tranh Việt Nam. Người bên phải là Đô đốc Elmo Zumwalt, người bên trái là trung tá James G. Zumwalt.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chủ tịch HĐND TP.Hải Phòng thăm, chúc Tết một số gia đình chính sách tiêu biểu

Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, ông Phạm Văn Lập - Chủ tịch HĐND TP.Hải Phòng đi thăm, tặng quà, chúc Tết gia đình nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng, các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn thành phố Thủy Nguyên.
2025-01-14 20:16:51

Bí thư Thành ủy Hải Phòng thăm, tặng quà gia đình có công

Chiều 14/1, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đi thăm, tặng quà, chúc tết gia đình nguyên lãnh đạo thành phố và gia đình người có công tiêu biểu nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
2025-01-14 19:42:23

Nam Định trao quà “Tết yêu thương” Xuân Ất Tỵ 2025 tại chùa An Lãng

Trước thềm Xuân Ất Tỵ 2025, chùa An Lãng, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định là một trong những nơi sớm tổ chức trao quà “Tết yêu thương”, giúp cho những người mù, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đều được vui Xuân đón Tết theo đúng tinh thần “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
2025-01-14 15:11:31

Người có công khó tiếp cận nhà ở, Thủ tướng phê bình 2 bộ và 9 địa phương

Thủ tướng phê bình Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và 9 tỉnh, thành phố chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn, kế hoạch hành động phục vụ công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát.
2025-01-13 14:00:00

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghị quyết 57 sẽ tạo bước đột phá, góp phần phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh

Sáng 13/1, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia kết hợp trực tuyến đến 15.345 điểm cầu trên cả nước và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
2025-01-13 13:05:00

Lãnh đạo TP.Hải Phòng chúc Tết các gia đình chính sách nhân dịp Tết Ất Tỵ

Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, đại diện lãnh đạo các ban, ngành TP. Hải Phòng đã đi thăm, chúc tết các gia đình chính, gia đình có công với cách mạng và các cá nhân tiêu biểu trên địa bàn thành phố.
2025-01-13 11:19:51
Đang tải...