Nữ thương binh làm giàu trên đất biên giới
2016-06-27 15:12:48
0 Bình luận
Trở về từ chiến trường với nhiều thương tật (là bệnh binh mất sức lao động 70%), bà Y Lia, dân tộc Xê Đăng, sinh năm 1957, ở thôn Chiên Chiết, xã Đăk Xú, huyện biên giới Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, không chỉ tự lực vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động đồng bào dân tộc thiểu số .
Bà Y Lia (ảnh trái) bên diện tích cao su của gia đình. |
Rời quân ngũ trở về mảnh đất biên giới Ngọc Hồi cằn cỗi, với ý chí của người lính Cụ Hồ, bà Y Lia đã quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Nhận thấy diện tích đất rẫy bỏ hoang nhiều, bà Y Lia đã cùng chồng khai hoang được hơn 20 ha để trồng các loại cây như sắn, ngô, đậu. Nhờ thay đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, diện tích đất hoang hóa trước kia không chỉ cho thu nhập hàng chục triệu đồng theo từng loại cây trồng mà còn giúp gia đình bà chủ động được lương thực.
Năm 1993, gia đình bà đã chuyển đổi sang trồng cao su trên diện tích 20 ha đất hiện có. Gia đình bà đã vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện Ngọc Hồi để đầu tư trồng cây cao su. Song song với việc trồng cây cao su, những cây trồng như đậu, ngô vẫn được xen canh để tăng thu nhập và lấy vốn chăm cây cao su.
Bà Y Lia cho biết: Sau 5 năm, vườn cao su phát triển mạnh và bắt đầu cho thu nhập. Từ 20 ha cây cao su, hàng năm gia đình tôi có thu nhập ổn định. Năm 2010, thu nhập của gia đình bình quân khoảng 200 triệu đồng/1 tháng (trung bình 2,4 tỷ đồng/năm). Nhờ đó, đời sống gia đình tôi được nâng cao, không còn lo cảnh đói nghèo, 4 đứa con đều đi học đại học và ra trường làm bác sĩ, giáo viên, cán bộ xã”.
Khi kinh tế gia đình đã vững, hàng năm gia đình bà còn cho từ 5 - 10 nhân công địa phương thuê khoán diện tích cao su của gia đình bà, với mức thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. Dù giá cao su những năm gần đây hạ thấp, nhưng hàng năm gia đình bà vẫn giữ mức thu nhập 70 - 80 triệu đồng/tháng,
Ông Nguyễn Hữu Bảng- Chủ tịch UBND xã Đăk Xú cho biết: Bà Y Lia là gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo Tin Tức