Ô tô Trường Hải: Hiện đại để thỏa sức vươn tay
Nhà máy Thaco Kia được đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất công nghệ mới nhất theo hướng tự động hóa một cách hợp lý và quản trị theo số hóa. |
Năng lực tăng gấp đôi, nhân công giảm phân nửa
Giữa tháng 9/2019, Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) đã đưa vào hoạt động Nhà máy Ô tô Thaco Kia sau hơn 6 tháng tiến hành nâng cấp, mở rộng. Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Thaco cho hay, trước đó, từ tháng 3/2019, Thaco đã tiến hành nghiên cứu, thiết kế, mở rộng và nâng cấp toàn diện nhà máy Thaco Kia với sự giám sát và hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp từ các kỹ sư, chuyên gia của Tập đoàn Kia Motors - Hàn Quốc. Trên tổng diện tích mới là 20 ha và vốn đầu tư 450 tỷ đồng, sau khi được nâng cấp, quy mô Nhà máy mới đã lên tới 50.000 xe/năm, thay vì chỉ có 20.000 xe/năm trước đó.
Trong dự án này, Nhà máy mới đã được mở rộng nhà xưởng thêm 5.000 m2 và đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất công nghệ mới nhất theo hướng tự động hóa một cách hợp lý và quản trị theo số hóa.
Tại đây có dây chuyền hàn chuyên biệt cho từng mẫu xe với hệ thống vận chuyển body tự động và được trang bị thiết bị định vị các vị trí hàn, nhằm gia tăng độ chính xác và đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Kia Motors toàn cầu; dây chuyền sơn tĩnh điện ED được vận hành tự động, trang bị hệ thống kiểm soát thông số kỹ thuật hiện đại; dây chuyền sơn màu sử dụng công nghệ sơn ướt (wet on wet) với hệ thống cấp sơn tự động đáp ứng yêu cầu đa dạng về các màu sơn cao cấp theo yêu cầu của khách hàng; dây chuyền lắp ráp được đầu tư hoàn toàn mới với băng chuyền tự động và xe tự hành (AGV) cấp phát vật tư, linh kiện một cách chính xác theo kế hoạch sản xuất.
Nhà máy áp dụng hệ thống điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền sản xuất tự động, đúng với tinh thần của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để hình thành nhà máy thông minh.
Tiết lộ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bảo cho biết thêm, sau khi được nâng cấp, số lao động trong Nhà máy Thaco Kia mới chỉ còn lại trên dưới 400 người, giảm gần nửa số lượng so với 700 người khi nhà máy cũ hoạt động.
Không chỉ có nâng cấp dây chuyền sản xuất, trong khuôn viên Nhà máy Thaco Kia mới còn có khoảng sân vườn với diện tích 1,5 ha trang trí tiểu cảnh, hài hòa với quy hoạch tổng thể của khu công nghiệp nhằm tạo không gian làm việc xanh sạch và thân thiện với môi trường.
Nhà máy áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế IATF 16949, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 và hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 đảm bảo đáp ứng điều kiện xuất khẩu sang các nước khu vực ASEAN.
Theo kế hoạch, năm 2019, Thaco Kia sẽ xuất khẩu 500 xe Kia Sedona sang thị trường Thái Lan và sang năm 2020, số lượng này sẽ tiếp tục tăng lên.
Trước đó, đầu năm 2018, Thaco cũng đã đưa vào hoạt động Nhà máy Thaco Mazda có quy mô vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, công suất giai đoạn I là 50.000 xe/năm, lớn nhất và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời đạt chuẩn toàn cầu của Tập đoàn Mazda Nhật Bản.
Điểm nhấn ở Nhà máy Thaco Mazda là hệ thống dây chuyền, thiết bị hiện đại, tự động hóa và công nghệ mới nhất được chuyển giao từ Tập đoàn Mazda Nhật Bản. Trong đó, đáng chú ý có dây chuyền hàn bằng robot với công nghệ hàn laser, hệ thống sơn tĩnh điện với công nghệ nhúng liên tục, dây chuyền sơn màu với công nghệ sơn lót và sơn hoàn thiện không qua công đoạn sấy đáp ứng tiêu chuẩn bề mặt theo yêu cầu của các màu sơn cao cấp, dây chuyền lắp ráp 80% tự động hóa.
Nhà máy cũng được thiết kế và xây dựng với đặc điểm là khi hoàn thành giai đoạn II, qua đó tăng công suất lên 100.000 xe/năm, thì chỉ cần lắp đặt thêm một số thiết bị (robot, kéo dài băng chuyền tự động) và sản xuất không gián đoạn.
Nhà máy Mazda mới giờ cũng chỉ có 370 công nhân thay vì 700 công nhân khi còn nhà máy cũ có công suất 25.000 xe/năm.
Tự động hóa kết hợp độ tinh xảo để tạo khác biệt
Chia sẻ về ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 tại Thaco, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT của Thaco cũng cho hay, Thaco đã biết cách ứng dụng một cách phù hợp các thành tựu này, trong đó tập trung tinh thần vào sản xuất hoàn toàn tự động hóa nhưng theo yêu cầu riêng lẻ của khách hàng. “Chúng tôi cũng muốn chia sẻ rằng những đầu tư tự động hoành tráng nhưng thiếu đi giá trị của tay nghề thủ công thì không thể cạnh tranh được trong bối cảnh hội nhập và công nghệ 4.0 thế hệ mới”, ông Dương nói.
Thaco hiện cũng đã từng bước hình thành được Trung tâm cơ khí đa dụng miền Trung gồm một tổ hợp sản xuất và gia công cơ khí với diện tích lên tới 19 ha, trong đó nhà xưởng chiếm 11,5 ha với 350 kỹ sư cơ khí và 1.300 công nhân kỹ thuật lành nghề.
Ở trung tâm này, Thaco đã làm được từ cung cấp dây chuyền, vật liệu, thí nghiệm vật liệu, gia công phôi, gia công định hình, gia công cơ khí chính xác, xử lý bề mặt nguyên vật liệu và đặc biệt chúng tôi đã bắt đầu gia công sản xuất các chi tiết cho các doanh nghiệp khác ngoài ô tô như là Doosan Vina, General Electric, Makitech (Nhật Bản), Agata (Nhật Bản), Three Star (Nhật Bản) và một số doanh nghiệp trong nước đặt tại địa bàn Chu Lai.
Doanh thu của mảng công việc này là 400 tỷ đồng trong năm 2018 và sẽ đạt 600 tỷ đồng cùng khoảng 15 triệu USD xuất khẩu trong năm nay.
Với chiến lược kinh doanh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, Thaco hiện là đối tác của các hãng xe trên thế giới là Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp) và BMW (Đức).
“Từ chỗ đi theo công nghệ nguồn, rồi công nghệ của các chuyên gia nước ngoài, đến nay chúng tôi đã có những công nghệ riêng thông qua đội ngũ kỹ sư mà chúng tôi đào tạo, huấn luyện trong hơn 15 năm qua”, ông Dương nói và cho biết, bài toán của Thaco hôm nay là mở thêm những nhà máy mới để giải quyết cho những người lao động hiện có, bởi khi đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, số lượng lao động trong các dây chuyền bấy lâu đã giảm xuống mạnh và không thể đơn giản bỏ rơi những người đã nhiều năm gắn bó.
Liên quan đến công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), Thaco đã chọn cách kết hợp với các doanh nghiệp nước ngoài để làm R&D tổng thể và đóng góp tỷ lệ là 30%. Ngoài ra, khi triển khai để gia công sản xuất chi tiết R&D, tỷ lệ tham gia của Thaco hướng tới mục tiêu đạt 60%. |
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.