Ông cụ tật nguyền bỏ quê lên phố 13 năm nhặt rác mưu sinh
Ông Phạm Tiến Tài (SN 1955< quê Nam Định) đã rời quê lên Hà Nội mưu sinh được 13 năm. Ông sinh ra tại đất biển Giao Thuỷ, quanh năm làm muối, khiến người già như ông Tài chẳng đủ sức để bươn chải.
(Ảnh: Pháp luật và Bạn đọc)
Vốn tật nguyền, đôi bàn chân bị lệch, yếu nên ông Tài đi lại khó khăn hơn người khác. Sống trên đời đã hơn nửa đời người, ông chưa bao giờ oán trách số phận.
Mặc dù ở quê có người vợ đã từng đồng cam cộng khổ, con cháu một tay ông Tài nuôi lớn, song ông chưa một lần an hưởng tuổi già mà sống cô độc nơi xứ người.
Theo Pháp luật và Bạn đọc, ông Tài tâm sự: "Có con, nhưng phức tạp. Vì nếu tôi ở nhà mà khuyết tật như này, không lao động cho con được việc gì, chỉ ngồi đấy mà ăn thì chắc chắn không ổn. Các con thì phải nuôi con chúng nó ăn học. Với làm ở dưới quê, ngày cũng có vài trăm ngàn, cũng chỉ đủ phục vụ cho vợ chồng con cái chúng nó ăn thôi. Chứ làm sao mà chúng nó dư mà nuôi thân tôi được. Nên tôi bảo vợ tôi, tôi ra đi tự kiếm cơm nuôi thân. Bà ở nhà lao động mà kiếm sống chứ cũng không phụ thuộc vào con cái được đâu".
(Ảnh: Pháp luật và Bạn đọc)
Tại Hà Nội, ông cụ tật nguyền bắt đầu công việc bới rác, địa điểm quen thuộc là ngõ 155 Cầu Giấy. Hàng ngày, ông dành 16 tiếng mưu sinh, đi hết từ quận Đống Đa, sang quận Ba Đình rồi quận Cầu Giấy trên chiếc xe đạp cũ có tuổi đời xấp xỉ 40 năm. Công việc này cho ông đồng lương ít ỏi, ngày thì 40.000 - 50.000 đồng, hôm thì 70.000 - 80.000 đồng, chỉ đủ cơm cháo qua ngày.
(Ảnh: Pháp luật và Bạn đọc)
Cứ tầm 8h tối, ông đã có mặt trên đoạn đường Cầu Giấy quen thuộc. Bới rác đến 11h đêm, ông tìm lượn khắp quận cho đến tận 4h sáng. Ngày ngủ được nhiều thì 5 tiếng, ít thì 4 tiếng. Nhưng khi đồng hồ điểm 8h, ông Tài đã phải dậy để sửa soạn, ăn uống và đi làm. Cứ như vậy, ông lại bắt đầu cuộc hành trình 16 tiếng của mình từ 11h đến 4h sáng ngày hôm sau.
Biết rằng vất vả, khổ cực nhưng ông không bao giờ ca thán mà tự an ủi chính mình. Chỉ riêng có đôi bàn chân những khi trái gió, trở trời đau nhức khiến ông cắn răng chịu đựng.
May mắn, ở nơi "đất khách", ông Tài còn nhận được một thứ ý nghĩa và giá trị vô cùng - đó là tình người. Quen mặt ông cụ đi nhặt nhạnh bìa carton, ve chai, những bà con ở quận Cầu Giấy cứ căn đến giờ ông xuất hiện là mỗi người lại giúp một tay. Khi thì bìa carton, khi thì chai lọ, đôi lúc là gạo, thức ăn, chén trà... cứ thế người đàn ông có tuổi ở Nam Định như được tiếp thêm sức mạnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.