Phát triển thị trường trái phiếu xanh tại sao không?

2020-03-25 09:12:16 0 Bình luận
Sản phẩm tài chính xanh, trong đó có trái phiếu xanh đang dần đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nguồn vốn phục vụ cho các quốc gia tăng trưởng bền vững. Ra đời từ năm 2008, trái phiếu xanh đang dần trở thành một công cụ hữu hiệu của các quốc gia trong việc thu hút vốn cho những dự án gắn liền với môi trường. Việt Nam cũng xem xét sử dụng trái phiếu xanh để tạo nguồn vốn phục vụ cho tăng trưởng xanh.

Trái phiếu xanh ra đời vào năm 2008 do Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành với mục đích tài trợ vốn cho các dự án môi trường. Mặc dù thời gian đầu chưa được các nhà đầu tư quan tâm nhưng khi các vấn đề về môi trường ngày càng trầm trọng thì trái phiếu xanh trở thành một trong những công cụ huy động vốn mới được phát triển rộng rãi ở các quốc gia trên thế giới với nhiều tổ chức phát hành như Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng phát triển ở các nước Nhật, Đức và ở một số chính quyền địa phương các nước châu Mỹ, châu Âu,…

                                     Mức độ quan tâm của các nhà đầu tư về yếu tố môi trường

Trái phiếu xanh, theo Bộ nguyên tắc phát hành và sử dụng nguồn thu từ trái phiếu xanh (Green Bond Principles GBP) năm 2015 là bất kỳ một loại trái phiếu nào mà số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu được sử dụng cho việc tài trợ hoặc tái tài trợ một phần hoặc toàn bộ dự án liên quan đến môi trường  hay còn gọi là dự án xanh như dự án năng lượng sạch, nước sạch... Mỗi quốc gia, tổ chức, khu vực khác nhau sẽ có những cách thức, quy định riêng về việc phát hành loại trái phiếu này nhưng tất cả đều dựa trên một tiêu chuẩn quốc tế GBP. Trong đó, trái phiếu xanh cần tuân thủ 4 nguyên tắc được quy định trong GBP là: sử dụng tiền thu được, đánh giá và chọn lựa dự án, quản lý tiền thu được và báo cáo về việc sử dụng vốn.

Như vậy, trái phiếu xanh cũng là một công cụ nợ để huy động vốn như các loại trái phiếu, nhưng trái phiếu xanh có đặc trưng gắn liền với mục đích sử dụng số vốn huy động được. Đó là số tiền thu về từ phát hành trái phiếu xanh phải được dùng để tài trợ hoặc tái tài trợ cho các dự án xanh. Theo GBP thì danh mục xanh gồm 10 ngành lớn và một số các lĩnh vực nhỏ điển hình như các danh mục về bảo tồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và một số các danh mục về bảo vệ môi trường như giao thông sạch, năng lượng sạch, nước sạch... Trái phiếu xanh có thể được phát hành bởi chính phủ, tổ chức tài chính, chính quyền địa phương, ngân hàng hoặc doanh nghiệp nhằm huy động vốn để thực hiện các dự án xanh. Để quản lý nguồn tiền thu được từ trái phiếu xanh dùng đúng mục đích, phải có bên thứ ba uy tín thực hiện việc theo dõi và quản lý nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác. Nếu các dự án xanh không mang lại nguồn thu cho chủ thể phát hành thì có thể sử dụng các nguồn thu khác của chủ thể phát hành để đảm bảo khả năng trả nợ, ví dụ như nguồn thu ngân sách của chính quyền địa phương, nguồn thu ngân sách nhà nước…

Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cho rằng, biến đổi khí hậu có thể làm Việt Nam tổn thất 15 tỷ USD/năm, tương đương 5% GDP. Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng ước tính, sự gia tăng một mét của mực nước biển sẽ tác động đến đời sống của khoảng 20% dân số. Ngập lụt và xâm nhập mặn do nước biển dâng sẽ làm thu hẹp diện tích đất canh tác trong nông nghiệp ở cả đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Các ngành công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng do thiếu hụt nguồn nguyên liệu và năng lượng làm cho chi phí sản xuất tăng cao. Những con số này không những chỉ khiến cho Chính phủ, các tổ chức mà còn tác động đến các nhà đầu tư cá nhân làm cho họ quan tâm hơn đến yếu tố môi trường.

Biến đổi khí hậu với những tác hại nghiêm trọng ảnh hưởng đến kinh tế xã hội đã làm cho các quốc gia chú trọng nhiều hơn đến yếu tố môi trường và đề ra định hướng tăng trưởng xanh cho nền kinh tế. Để thực hiện tăng trưởng xanh, các quốc gia cần một nguồn vốn lớn để triển khai thực hiện các dự án xanh vì môi trường.

Theo Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA), để giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2050, thế giới sẽ cần đến 46 nghìn tỷ USD, tương đương với 1 nghìn tỷ USD/năm. Để đáp ứng nhu cầu đó, năm 2008, trái phiếu xanh được ra đời, trở thành một trong những kênh thu hút vốn mới, hiệu quả để thu hút hàng trăm tỷ USD phục vụ cho phát triển kinh tế xanh trên thế giới.

Tại Việt Nam, Chính phủ trong định hướng phát triển bền vững đến năm 2030, đã chú trọng đến tăng trưởng xanh cũng như các sản phẩm tài chính xanh, trong đó có trái phiếu xanh. Với những thành công bước đầu trong việc phát hành thí điểm trái phiếu xanh của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trái phiếu xanh đang được chú trọng phát triển trong thời gian tới. Để phát triển trái phiếu xanh trong tương lai, cần phải đánh giá được thuận lợi, khó khăn khi phát triển công cụ huy động vốn này ở Việt Nam.

Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách mang tính định hướng để phát triển thị trường vốn xanh nói chung, công cụ huy động vốn xanh nói riêng như: (1) Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ), (2) Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ), (3) Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 của Bộ Tài chính. Đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động phát triển của thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam. Đến cuối năm 2015, Ủy ban Chứng khoán quốc gia với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh. Trên cơ sở đó, vào ngày 20/10/2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương và chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thí điểm trái phiếu xanh chính quyền địa phương. Theo đó, hai địa phương triển khai thí điểm trái phiếu xanh là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu, với loại trái phiếu xanh phát hành là trái phiếu chính quyền địa phương, thời gian từ năm 2016 - 2017, kỳ hạn từ 3-5 năm. Đến năm 2018, theo thống kê sơ bộ, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh cho 34 dự án; Bà Rịa-Vũng Tàu phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu xanh với kỳ hạn 5 năm cho 8 dự án. Điều này cho thấy về cơ sở pháp lý, Chính phủ mới chỉ ban hành các văn bản mang tính định hướng, phát triển chung cho thị trường vốn xanh mà chưa có những văn bản pháp lý hướng dẫn cụ thể về thị trường trái phiếu xanh, đặc biệt là tiêu chí về trái phiếu xanh trong nước, cơ chế giám sát, quản lý sử dụng nguồn vốn xanh huy động từ trái phiếu xanh, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan… Bên cạnh đó, mặc dù đã triển khai gần 4 năm nhưng cho đến năm 2019, việc phát hành trái phiếu xanh mới chỉ dừng lại ở việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương mang tính thí điểm, chưa thu hút được sự tham gia của các chủ thể khác như ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp trong những ngành nghề “xanh” có liên quan. Điều này dẫn đến những tác động nhất định đến sự quan tâm của nhà đầu tư đối với trái phiếu xanh trên thị trường.

Để trái phiếu xanh thực sự trở thành một kênh thu hút vốn mới và hiệu quả nhằm đáp ứng được nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh, thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển của trái phiếu xanh trên thị trường trong thời gian tới như sau:

(1) Phát triển thị trường trái phiếu dựa trên giải quyết những vướng mắc của thị trường trái phiếu hiện nay để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo tính thanh khoản cho trái phiếu cũng như giải quyết tình trạng thông tin bất cân xứng nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Thị trường trái phiếu nói chung phát triển sẽ tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển thị trường trái phiếu xanh trong tương lai.

(2) Cần nâng cao nhận thức của các chủ thể về vấn đề môi trường. Khi các chủ thể trong nền kinh tế quan tâm đến môi trường sẽ tạo ra được những cải cách lớn trong nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính nói riêng để phát triển các công cụ huy động vốn xanh, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh. Ngoài Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp trong nền kinh tế, khi nhận thức được tầm quan trọng của môi trường, sẽ xem xét trái phiếu xanh như là một sản phẩm quan trọng trong huy động vốn. Các nhà đầu tư khi quan tâm hơn đến yếu tố môi trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các công cụ huy động vốn xanh.

(3) Xây dựng khung pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh. Muốn trái phiếu xanh thực sự là công cụ huy động vốn quan trọng cho tăng trưởng xanh, cần phải có một cơ sở pháp lý liên quan đến trái phiếu xanh bao gồm ban hành các quy định, điều kiện về trái phiếu xanh, các tiêu chuẩn lựa chọn dự án xanh đối với doanh nghiệp, đối với chính quyền địa phương và các chính phủ nhằm thuận lợi cho việc kiểm soát nguồn vốn vào các dự án xanh. Bên cạnh đó, Bộ nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm dành cho các chủ thể cũng cần được ban hành nhằm khuyến khích các hoạt động đầu tư có trách nhiệm đối với xã hội và môi trường của các chủ thể trong nền kinh tế. Trong quá trình xây dựng cơ sở pháp lý, Việt Nam, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng cũng cần có những thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế nước ta. Vì vậy, việc xác định lộ trình với từng bước cơ bản, đi từ trái phiếu xanh ở thị trường trong nước rồi tiếp cận đến khu vực và quốc tế sẽ là cơ sở quan trọng để phát triển trái phiếu xanh.

(4) Cần xây dựng những chính sách ưu đãi cần thiết để khuyến khích phát triển trái phiếu xanh trong giai đoạn đầu. Các chủ thể phát hành cần cân nhắc đến tính thanh khoản, rủi ro, khả năng sinh lời hay những ưu đãi khác dành cho người sở hữu trái phiếu xanh để thu hút nhà đầu tư. Các quốc gia trong thời gian đầu triển khai phát triển trái phiếu xanh cũng xây dựng cơ chế khuyến khích các NĐT quan tâm đến trái phiếu xanh như cho phép sử dụng trái phiếu xanh làm tài sản bảo đảm, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân…

                                                           

Mức độ nhận biết của các nhà đầu tư về trái phiếu xanh

Như vậy, với định hướng phát triển sản phẩm tài chính xanh từ năm 2005, trái phiếu xanh đã được xem như là một công cụ huy động vốn quan trọng trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay đây vẫn là một công cụ huy động vốn khá mới mẻ trên thị trường, chưa được nhiều nhà đầu tư cá nhân quan tâm bởi còn tồn tại những khó khăn nhất định liên quan đến thị trường trái phiếu, cơ chế chính sách liên quan, sự đa dạng trong sản phẩm trái phiếu xanh cũng như nhận thức của nhà đầu tư về môi trường. Do đó, để hình thành và phát triển thị trường trái phiếu xanh trong thời gian tới, Chính phủ và các ban ngành liên quan cần có những thay đổi để phát triển thị trường trái phiếu nói chung, xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn chi tiết, cụ thể liên quan đến trái phiếu xanh, khuyến khích đa dạng các sản phẩm trái phiếu xanh từ nhiều chủ thể phát hành với nhiều đặc điểm khác nhau và không ngừng nâng cao nhận thức của các chủ thể về môi trường nói riêng và đầu tư có trách nhiệm nói chung.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...