Phổ Phong viết tiếp trang sử mới
Đảng bộ xã Phổ Phong có 287 đảng viên sinh hoạt ở 12 chi bộ. Đồng chí Nguyễn Đẹp, Thị ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025), Phổ Phong triển khai nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.
Nổi bật là kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả. So với đầu nhiệm kỳ năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 63,47% lên 68,45%; thương mại - dịch vụ tăng từ 31,1% lên 31,6%; nông, lâm nghiệp tăng từ 5,17% lên 5,24%. Thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm thay đổi cơ cấu lao động theo xu hướng tăng lao động trong các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giảm dần lao động nông nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc làm của xã chiếm 53,58%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,2% năm 2020 xuống còn 3,3% vào tháng 6/2023.
Đảng ủy xã Phổ Phong khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã.
Trong lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng ủy xã Phổ Phong chú trọng nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong mọi lĩnh vực, tạo sức lan tỏa, thu hút quần chúng nhân dân tham gia. Các đồng chí đảng ủy viên được phân công phụ trách theo dõi từng chi bộ kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tổ chức vận động người dân thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế như: Thâm canh cây lúa, mở rộng diện tích trồng cây keo; dồn đổi, tích tụ đất đai; xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp…
Theo Chủ tịch UBND xã Phan Tiến Định, là xã thuần nông với 1.042 ha diện tích sản xuất lúa, những năm qua, bằng các giải pháp đưa khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, năng suất lúa được tăng mạnh, đạt 58 tạ/ha, sản lượng đạt 60.436 tấn/năm. Các loại cây trồng như: ngô, đậu phụng, dưa hấu... cũng đều tăng năng suất, sản lượng so với trước. Với 1.890 ha rừng hiện có, tỷ lệ che phủ rừng của Phổ Phong đạt 80%, diện tích khai thác trung bình hằng năm đạt 378 ha.
Lãnh đạo xã Phổ Phong thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với người dân về phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới được đặc biệt quan tâm với việc đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp 34 công trình trọng điểm. Trong đó, 3 công trình giao thông là: Tuyến ngõ Tiếp đi Đức Lân và tuyến đường vào Nhà lưu niệm Nguyễn Nghiêm đi giáp Cống bà Lực, tuyến đường từ nhà Lê Tây (Vạn Trung) đi giáp Quốc lộ 24, nâng cấp tuyến đường từ Trường Tiểu học (ngõ Thới đến đường bê tông Nguyễn Cước).
Đặc biệt, nghề làm chổi đót đã giúp nhiều hộ gia đình xã Phổ Phong thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Toàn xã hiện có khoảng trên 600 hộ dân tham gia sản xuất chổi đót, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động. Gia đình ông Huỳnh Cư, ở thôn Gia An đã có khoảng 40 năm gắn bó với nghề làm chổi đót. Ông cho biết, bình quân mỗi ngày, cơ sở của ông sản xuất khoảng 200 cây chổi đủ loại như: chổi kẽm bện truyền thống, chổi quấn dây cước, chổi cán thân đót, chổi cán nhựa… Hay như cơ sở chổi đót của chị Nguyễn Thị Lê. Hằng ngày, cơ sở của chị có khoảng 10 lao động tham gia vào các công đoạn bóc tách, phân loại nguyên liệu, bó và bện chổi. Theo chị Lê, cứ sau Tết Nguyên đán, hoa đót nở là thời điểm các cơ sở làng nghề sản xuất chổi đót ở Phổ Phong lại tỏa đi khắp nơi thu mua nguyên liệu. Nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, làng nghề ngày càng phát triển nên mấy năm gần đây, các chủ cơ sở sản xuất chổi đót ở Phổ Phong không chỉ thu mua nguyên liệu tại các huyện miền núi trong tỉnh mà đến các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế mua đót nhập về từ Lào hay lên các tỉnh Tây Nguyên để thu mua.
Những chiếc chổi đót nơi đây nổi tiếng với độ bền đẹp, chắc chắn khó có nơi nào sánh kịp. Trước đây, nghề làm chổi đót vốn chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn, những năm gần đây nghề chổi đót đã mang lại thu nhập chính cho người dân Phổ Phong, giúp họ làm giàu từ nghề truyền thống. Năm 2022, sản phẩm “Chổi đót Phổ Phong” được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận sản phẩm OCOP.
Nghề làm chổi đót mang lại thu nhập ổn định cho người dân Phổ Phong.
Xã Phổ Phong đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, xã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; nâng cao chất lượng từng tiêu chí; đồng thời triển khai kế hoạch xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu thôn Hiệp An. Phấn đấu đưa xã về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.
Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phổ Phong tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương núi Ấn - sông Trà, cái nôi cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi; đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, huy động tối đa các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.