Quảng Ninh: Đặc biệt quan tâm người có công với Cách mạng
Từ năm 2018 đến nay, ngành Y tế Quảng Ninh đã triển khai Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh được ngành Y tế giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho 300 nạn nhân chất độc hóa học mỗi năm. Tại Bệnh viện, các nạn nhân chất độc hóa học được các y, bác sĩ thăm khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe và các chế độ ăn uống, ngủ, nghỉ. Thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, cán bộ Bệnh viện còn tuyên truyền, phổ biến những chính sách liên quan đến người cao tuổi; tư vấn, hướng dẫn cách phòng tránh bệnh thường gặp. Đồng thời, tổ chức tập huấn và hướng dẫn nâng cao kiến thức cho nạn nhân, người nhà nạn nhân trong phát hiện sớm và can thiệp sớm các vấn đề về sức khỏe, các kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng cho các nạn nhân tại nhà.
Các Y, bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh chăm sóc nạn nhân chất độc hóa học/dioxin
Là người bị nhiễm chất độc hóa học ở chiến trường Thừa Thiên Huế từ năm 1968-1975, ông Đặng Văn Xá (phường Kim Sơn, TX Đông Triều) cho biết: Sau 2 tuần điều dưỡng và phục hồi chức năng tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, dù thời gian không dài nhưng ông cảm thấy sức khỏe của mình cải thiện nhiều. Bên cạnh việc được thăm khám, kiểm tra sức khỏe, dịp này ông còn được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con cháu, ôn lại kỷ niệm ở chiến trường xưa với những người đồng đội đã cùng ông “Vào sinh, ra tử” năm nào.
Nói về nhiệm vụ chăm sóc các đối tượng là người có công, Bác sĩ Phạm Quang Dũng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, cho biết: Hiện đa số NCC tuổi cao, là thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học mang trong người vết thương chiến tranh. Những người này đều có bệnh, một số người mắc bệnh mạn tính, sức yếu, đi lại khó khăn. Vì thế, việc chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng giúp cho nhiều người có cơ hội khám bệnh, hiểu đúng về tình trạng sức khỏe của bản thân, từ đó có chế độ sinh hoạt, luyện tập, chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Cùng với Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho NCC, đối tượng chính sách khi đến khám, điều trị. Đối với những người tuổi cao, sức yếu, nhất là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nặng, khó khăn đi lại, luôn được nhân viên y tế hỗ trợ làm thủ tục khám, chữa bệnh, thường xuyên thăm hỏi, động viên kịp thời, giúp họ yên tâm điều trị.
Hằng năm vào các dịp lễ, Tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), ngành Y tế tỉnh chủ động phối hợp với các địa phương, ban, ngành liên quan, nhất là Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Bộ CHQS, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức nhiều đợt truyền thông, khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí, thăm hỏi, tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, NCC, thân nhân gia đình liệt sĩ… trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) được phân công chăm sóc, điều dưỡng cho NCC. Trung tâm theo dõi sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án của từng người; phối hợp với các bệnh viện khám sức khỏe ban đầu, căn cứ vào tình trạng bệnh tật, sức khỏe để có chỉ định cách chăm sóc, chế độ ăn uống phù hợp với từng người.
Trung tâm Giải độc và Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam (Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh), mỗi năm giải độc dioxin qua xông hơi bằng phương pháp Hubbard cho gần 200 người trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng tập trung, hằng năm, toàn tỉnh còn có hàng nghìn lượt đối tượng do sức yếu được hưởng chế độ chăm sóc, điều dưỡng tại nhà. Những hoạt động chăm sóc sức khỏe cho gia đình chính sách, NCC thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với những đã người hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do của dân tộc.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.