Quảng Trị: ‘Lát cắt’ lịch sử và giá trị cho thế hệ trẻ
Cứ vào tháng 7 hàng năm, Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật lại phối hợp với Tạp chí điện tử Hòa Nhập thực hiện chuyến hành trình “về nguồn”, thăm lại những chiến trường khói lửa trong các cuộc chiến tranh.
Trong chuyến hành hương trở về năm 2020, đoàn công tác đã trở lại chiến trường Quảng Trị. Đây là lần thứ 3 đoàn công tác trở lại nơi đây để tri ân các Anh hùng Liệt sỹ.
Tháng 7, bầu trời Quảng Trị trong xanh, nắng và gió lồng lộng, đặc trưng của dải đất miền Trung. Thị xã Quảng Trị, mảnh đất từng chiến trường ác liệt nhất bây giờ được xây dựng gọn gàng, đẹp đẽ. Thành cổ nằm giữa trung tâm Thị xã Quảng Trị, cách bờ sông Thạch Hãn chừng 200m về phía nam. Thành cổ uy nghi, trầm mặc sáng ngời, nhưng nơi đó, máu xương của hàng vạn chiến sỹ vẫn còn vương dưới lớp cỏ non, nằm sâu dưới lớp gạch vỡ.
Thiếu tướng Lê Mã Lương dẫn đầu đoàn công tác về thăm lại chiến trường Quảng Trị
Phải đến Quảng Trị, vào Thành cổ mới cảm nhận hết sự thiêng liêng của mảnh đất anh hùng.
Có những người lính già, tóc đã bạc trắng, chân đi không còn vững phải có người dìu đỡ, nhưng ông vẫn cố bước đi để thắp cho đồng đội mình nén nhang tri ân. Trong cuộc chiến 81 ngày đêm ấy, ông may mắn trở về, nhưng đồng đội ông thì nằm lại. Máu của họ đã làm ướt đất Quảng Trị, ươm mầm cho cây cỏ, cho tương lai.
Quảng trị vốn hiền hòa như bao mảnh đất ở miền Trung ruột thịt. Thế nhưng, khi 2 miền bị chia cắt, mảnh đất này lại là chiến trường ác liệt nhất mà bao thế hệ người Việt không thể nào. Cầu Hiền Lương bên dòng sông Bến Hải, nằm trên vĩ tuyến 17 bỗng trở thành nhân chứng lịch sử cho nỗi đau chia đôi đất nước và mất mát về con người không gì có thể bù đắp nổi.
Đoàn công tác viếng thăm nhiều địa điểm tại chiến trường Quảng Trị
“Mùa hè đỏ lửa” năm 1972 mãi đi vào lịch sử của dân tộc. Tại Thành Cổ, khoảng 328.000 tấn bom đạn dội xuống mảnh đất này. Ngày cũng như đêm, đất trời Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, một cành hoa hay một ngọn cỏ nào có thể sống được.
Đến nay, những di vật, thư tín của những chiến sỹ đã chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ thị xã Quảng Trị vẫn còn được lưu giữ lại ở bảo tàng Thành cổ.
Các nhà nghiên cứu lịch sử phải thừa nhận rằng, trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một vùng đất rộng chưa đầy 3km2, khiến Mỹ phải huy động một lực lượng đông đảo và tinh nhuệ nhất gồm không quân, lục quân, hải quân. Cuộc chiến đấu máu lửa 81 ngày đêm ở Thành cổ là một bước ngoặt quan trọng góp phần mở ra con đường đi tới chiến thắng ngày 30/4/1975.
Chính vì sự hy sinh to lớn ấy, các thế hệ người Việt vẫn về đây thắp nén tâm nhang dâng lên hàng vạn chiến sỹ đã nằm lại. Chiến tranh đã lùi xa, hiện nay Thị xã Quảng Trị đã dần chuyển mình, trở thành khu đô thị trẻ sầm uất bên dòng Thạch Hãn. Nhưng ở đó, tòa Thành cổ vẫn là nơi lưu dấu lại một giai đoạn đau thương mà hào hùng, là cội nguồn nuôi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Những mất mát hy sinh lớn lao của các thế hệ cha ông khiến thế hệ trẻ hôm nay trân trọng hơn giá trị của độc lập tự do, của ổn định hoà bình, hạnh phúc và phát triển.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.