Quảng Trị: Thương binh Trần Hữu Thắng, tấm gương thương binh làm kinh tế giỏi
Theo Báo Lao động xã hội, Ông Thắng là con trai duy nhất trong gia đình. Năm 1977, ông cưới vợ xong thì vào bộ đội, biên chế thuộc Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Cuối năm 1979, khi tham gia chiến đấu, ông bị thương nặng. Ngoài hai vết thương ở tay và đùi, vết thương trên mặt đã làm mất một phần xương hàm bên phải và đứt gần hết lưỡi của ông. Đơn vị đưa ông về nước điều trị. Sau đó ông phải dưỡng thương suốt 15 tháng mới ổn định sức khỏe.
Rời quân ngũ trở về quê hương, sức khỏe giảm sút, hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, bố mẹ già yếu, nhưng ông Thắng vẫn nỗ lực vượt qua, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, phát triển kinh tế hiệu quả. Ông Thắng được bầu làm Bí thư Đảng ủy bộ phận thôn Huỳnh Công Đông 3 nhiệm kỳ và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến năm 2016 ông làm Chi hội trưởng Chi hội 9 Hội Cựu chiến binh (CCB) xã.
Thương binh Trần Hữu Thắng bên vườn tiêu của gia đình.
Ông Thắng chia sẻ, trong thời gian này ông cùng với các hội viên xây dựng chương trình, kế hoạch về xây dựng nông thôn mới ở cụm dân cư gắn với phong trào “CCB gương mẫu”, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông Thắng đã nỗ lực xây dựng Chi hội 9 là điểm sáng về phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, các mô hình sản xuất hiệu quả, được cấp trên đánh giá cao. Trong đó có 7 mô hình gia trại tiêu biểu như chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, trồng thanh long, tiêu, bưởi… Ông Thắng đã động viên các gia đình CCB trồng tiêu, môn, ném, bưởi thành vùng chuyên canh, tập trung, xây dựng thành gia trại. Nhờ đó nhiều mô hình phát triển hiệu quả đem lại thu nhập cao, trở thành điểm tham quan học tập cho các CCB trong vùng, hội viên của Chi hội 9 và gia đình CCB đều có cuộc sống khá giả. Bên cạnh cùng giúp nhau phát triển kinh tế, Chi hội 9 đã thành công trong việc phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Chi hội đã cảm hóa, động viên và giáo dục giúp đỡ các cháu chậm tiến bộ tránh sa vào tệ nạn, 100% gia đình CCB đạt gia đình văn hóa.
Về phần mình, ông Thắng tổ chức quy hoạch lại đất của gia đình để phát triển các loại cây công nghiệp, đặc biệt là cây tiêu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vườn tiêu của ông hằng năm thu về gần 200 triệu đồng; ngoài ra 1,5 ha cao su đang cho khai thác mủ cũng đem lại nguồn thu 50- 60 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thời vụ cho 5- 8 lao động địa phương với thu nhập từ 4- 5 triệu đồng/tháng/ người. Gia đình ông còn có mô hình nuôi bò sinh sản cho thu nhập cao. Năm 2018, ông Thắng trồng 1 ha bưởi diễn với 480 gốc, đang phát triển tốt, có cây đã cho quả bói…
Phát huy truyền thống gia đình và quê hương, ông Thắng luôn mẫu mực trong gia đình và xã hội. Ba người con của ông được ăn học đàng hoàng và đang công tác trong các ngành thuộc lực lượng vũ trang. Với nụ cười hiền hậu, ông Thắng vui mừng chia sẻ càng lao động thấy sức mình càng khỏe và dẻo dai hơn. Mang thương tật trong người nên mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát, ông lại đau nhức nhối, nhưng điều đó không làm giảm được ý chí phấn đấu vươn lên làm giàu cho mình và cho quê hương của thương binh Trần Hữu Thắng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.