Quy định mới về người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp
2017-02-09 15:22:34
0 Bình luận
Bộ Công Thương vừa ban hành quy định về việc xác định người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Lao động Trung Quốc làm việc trên công trường xây dựng lò giếng đứng mức -300 mét, Công ty than Hà Lầm. (Ảnh: Nguyễn Đán/TTXVN) |
Việc xác nhận người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ với WTO không thuộc diện cấp giấy phép lao động thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2016/NĐ-CP và Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH.
Theo Bộ Công Thương, hiện diện thương mại quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (gọi tắt là Nghị định số 11/2016/NĐ-CP) bao gồm các hình thức: tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Căn cứ xác định người lao động nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ với WTO không thuộc diện cấp giấy phép lao động quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP gồm doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam.
Cùng với đó, hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ quy định tại Phụ lục I Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH. Ngoài ra, người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang Việt Nam làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài ra, lao động kỹ thuật di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ với WTO không thuộc diện cấp giấy phép lao động quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP phải là doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam.
Hơn nữa, hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động thuộc phạm vi mười một ngành dịch vụ quy định tại Phụ lục II Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH. Đáng lưu ý là người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang Việt Nam làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.
Bộ Công Thương cho biết giấy tờ để chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động quy định tại điểm c khoản 3 Điều 8 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP bao gồm: Văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử người lao động sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam có nêu vị trí công việc, chức danh công việc và thời gian làm việc.
Mặt khác, văn bản chứng minh người lao động nước ngoài là chuyên gia thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP
Ngoài ra, còn phải có văn bản chứng minh người lao động nước ngoài là lao động kỹ thuật thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH. Thêm đó là các văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH.
Đặc biệt, văn bản chứng minh hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động trong phạm vi 11 ngành dịch vụ quy định tại các Phụ lục của Thông tư này là một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương; giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; giấy phép thành lập Chi nhánh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo TTXVN