Quy định về xác nhận thương binh không còn giấy tờ
Bố của bà Hoàng Ngọc Ánh (Hà Nội) là ông Hoàng Văn Chung, sinh ngày 17/10/1965, thường trú tại thôn Quăn 2, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; nhập ngũ ngày 6/9/1983, xuất ngũ tháng 9/1989.
Trong thời gian phục vụ quân đội bố của bà Ánh bị thương, được điều trị tại Bệnh viện 106, ra viện ngày 26/2/1989. Sau đó chưa có đợt giám định, đơn vị cho bố của bà nghỉ phục viên chờ chế độ. Năm 1994, bố của bà Ánh đã mang giấy chứng nhận thương tật và nhiều giấy tờ kèm theo nộp tại Huyện đội Văn Chấn nhưng khi có đợt giám định và làm chế độ lại được thông báo từ Huyện đội là bị thất lạc giấy tờ.
Sau rất nhiều lần đề nghị giải quyết chế độ, tháng 6/2014, bố của bà Ánh được biết hồ sơ sau khi được tiếp nhận đã bị thất lạc, có giấy biên nhận của cán bộ tiếp nhận hồ sơ.
Đối chiếu quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng thì bố của bà Ánh đủ các điều kiện, tiêu chuẩn công nhận thương binh theo Điều 6 của Thông tư này. Tuy nhiên, đến nay UBND xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái chưa hoàn thiện các thủ tục và hồ sơ.
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, bà Hoàng Ngọc Ánh đề nghị cơ quan chức năng giúp đỡ công nhận thương binh với trường hợp bố của bà.
Về vấn đề này, UBND tỉnh Yên Bái trả lời như sau:
UBND tỉnh đã giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái chủ trì, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND huyện Văn Chấn kiểm tra, xem xét, giải quyết phản ánh của bà Hoàng Ngọc Ánh về chế độ thương binh đối với ông Hoàng Văn Chung.
Ngày 29/3/2018, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái có Văn bản số 892/BC-BCH báo cáo kết quả giải quyết đơn của ông Hoàng Văn Chung, cư trú tại xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn.
Theo đó, ngày 6/8/2015, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái nhận được đơn đề nghị giải quyết chế độ thương binh của ông Chung. Trong đơn ông Chung nêu rõ ngày 18/11/1988, ông Chung cùng Đoàn kiểm tra của đơn vị đến kiểm tra tại lô lựu đạn của kho quân khí thì phát hiện một quả lựu đạn hỏng mất chốt an toàn, chốt buộc bằng lạt bật ra phát hoả. Ông Chung cầm quả lựu đạn chạy ra khỏi kho để ném ra ngoài thì không kịp, quả lựu đạn đã nổ, ông Chung bị nát bàn tay.
Sau khi nghiên cứu, xem xét đơn của ông Chung, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái nhận thấy, nếu đúng như đơn trình bày thì trường hợp bị thương của ông Chung là hành động dũng cảm cứu tài sản Nhà nước và nhân dân, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch kiểm tra kho quân khí của đơn vị.
Trường hợp bị thương của ông Chung đủ điều kiện được xác lập hồ sơ xác nhận thương binh theo Điểm e, Khoản 1, Điều 27 Mục 6 Chương II Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Điểm d, Khoản 1, Điều 12 Mục 4 Chương II Thông tư số 202/2013/TT-BQP ngày 7/11/2013 của Bộ Quốc phòng về hướng dẫn trình tự, thủ tục xác nhận tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng (“Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân”). Tuy nhiên khi lập hồ sơ phải có đủ các giấy tờ làm căn cứ xác nhận thương binh theo đúng quy định tại Khoản 5, Điều 11 Thông tư số 202/2013/TT-BQP.
Từ những nội dung trên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo Phòng Chính trị có Công văn số 2379 về việc đề nghị Sư đoàn 355, Quân khu 2 cung cấp thông tin về trường hợp bị thương của ông Hoàng Văn Chung.
Ngày 1/10/2015, Sư đoàn 355, Quân khu 2 đã có Công văn số 293 về việc phúc đáp Công văn số 2379 của Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái. Nội dung công văn nêu rõ: Quá trình rà soát, kiểm tra hồ sơ đăng ký, quản lý quân nhân bị thương hiện đang lưu giữ tại Sư đoàn, không thấy có tên ông Hoàng Văn Chung. Do đó, Sư đoàn 355, Quân khu 2 không có cơ sở để đề nghị xác nhận thương binh đối với ông Chung.
Như vậy, kết quả xác minh, tìm kiếm các giấy tờ làm căn cứ xác nhận bị thương chưa đủ cơ sở để lập hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh đối với ông Chung theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, Điều 12 Thông tư số 202/2013/TT-BQP nêu trên.
Để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng với phương châm giải quyết chế độ chính sách kịp thời chính xác, đúng người, đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách hiện hành, không nhầm lẫn đối tượng, không để xảy ra tiêu cực. Song song với việc xác minh thu thập căn cứ để lập hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh đối với ông Chung theo quy định, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn vận dụng hướng dẫn đối tượng lập hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng về hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chế độ chính sách như thương binh không còn giấy tờ.
Ngày 20/8/2016, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã nhận được hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh của ông Hoàng Văn Chung. Hồ sơ được lập theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, xét duyệt, thẩm định hồ sơ, nhận thấy tại mục trường hợp bị thương trong Bản khai cá nhân của ông Chung khai do thi hành nhiệm vụ cứu nổ kho vũ khí. Đối chiếu quy định tại Điều 1 Chương 1 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP: “Chỉ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đối với người hy sinh, bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu từ ngày 31/12/1991 trở về trước không còn giấy tờ”.
Theo đó, trường hợp ông Hoàng Văn Chung không thuộc đối tượng đề nghị xác nhận thương binh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP.
Mặt khác, nếu trường hợp bị thương của ông Chung là hành động dũng cảm cứu tài sản của Nhà nước, quân đội, thì đây là hành động cần phải được tôn vinh, động viên khen thưởng kịp thời để nhân rộng trong toàn đơn vị, nhưng trong lý lịch đảng viên của ông Chung do Đảng uỷ Sư đoàn 355 ký xác nhận, mục khen thưởng bỏ trống. Đây là vấn đề phải được đơn vị trực tiếp quản lý đối tượng làm rõ để làm căn cứ lập hồ sơ xác nhận thương binh đối với ông Chung (có lý lịch đảng viên kèm theo).
Ngoài ra, cơ quan chức năng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã nghiên cứu nội dung các văn bản khác để giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công nhưng hiện tại chưa có văn bản nào để có thể vận dụng đề nghị giải quyết hưởng chế độ thương binh như trường hợp của ông Hoàng Văn Chung.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.