Ra mắt sách 'Dòng máu cao quý' của nữ nhà văn Bỉ Amélie Nothomb
Đây là một trong những tiểu thuyết mang tính cá nhân, cảm động nhất của Amélie Nothomb. Trong tác phẩm, nữ văn sĩ đã nhập vai cha của mình và xưng “tôi” để nhường chỗ cho Patrick Nothomb kể lại câu chuyện về cuộc đời mình, từ thời thơ ấu vào những năm 1940 cho đến năm 1964.
Tiểu thuyết "Dòng máu cao quý" kể về những năm đầu cuộc đời của ngài Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb, cha của nhà văn Amélie Nothomb.
Tiểu thuyết "Dòng máu cao quý" của nữ nhà văn nổi danh người Bỉ - Amélie Nothomb.
"Dòng máu cao quý" là cuốn tiểu thuyết thứ 30 của nữ văn sĩ văn Amélie Nothomb, tác giả người Bỉ nói tiếng Pháp nổi tiếng thế giới. Tác phẩm đã đạt Giải Renaudot năm 2021 và lọt vào danh sách “100 cuốn sách tiêu biểu của năm” do Tạp chí văn học uy tín Lire bầu chọn. Cuốn sách ra mắt bạn đọc trong khuôn khổ Những ngày Văn học châu Âu tại Việt Nam năm nay.
"Dòng máu cao quý" kể về những năm đầu cuộc đời của ngài Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb, cha của nhà văn Amélie Nothomb. Ông qua đời năm 83 tuổi sau khi bị vỡ phình mạch vào tháng 3 năm 2020, trong lúc diễn ra phong tỏa do COVID-19. Tại thời điểm đó, Amélie Nothomb đã không thể gặp và nói lời tạm biệt với cha mình.
Nhà phê bình văn học Olivia de Lamberterie đã nhận định: "Dòng máu cao quý" là “một tác phẩm lôi cuốn” khi được bắt đầu đầy kịch tính bằng chi tiết Patrick Nothomb những tưởng mình sẽ chết trẻ như người cha mà ông chưa từng được gặp, khi đang cận kề bên bờ vực sinh tử.
Sự kiện Ra mắt tiểu thuyết "Dòng máu cao quý" của nữ nhà văn Bỉ Amélie Nothomb.
Bằng lối kể chuyện đầy lôi cuốn, người đọc hồi hộp dõi theo những cuộc đấu trí căng thẳng, những màn đối đáp khéo léo của chàng nhân viên lãnh sự trẻ tuổi Patrick Nothomb với Tổng thống Gbenye trong nỗ lực cứu sống bản thân và những người dân Bỉ bị giam giữ.
“Tàn bạo, dịu dàng và hài hước” như tạp chí Télérama nhận xét, Amélie Nothomb đã dựng lại chân dung cha mình, một con người mạnh mẽ, đầy thấu cảm và can trường. Bằng cách ngược dòng quá khứ tìm về nguồn gốc và nhấn mạnh những mâu thuẫn trong gia đình ông, Amélie Nothomb dường như cũng làm lành với chính bản thân và mang lại hơi thở mới cho sáng tác của bà.
Chính điều này khiến "Dòng máu cao quý" trở thành “tác phẩm mà chưa độc giả nào của Amélie Nothomb từng được đọc, tác phẩm mà mọi độc giả của Amélie Nothomb đều mong chờ” như nhận định của nhà phê bình văn học François Busnel.
Nữ nhà văn Amélie Nothomb sinh năm 1967. Bà là con gái của Ngài Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb làm việc tại Nhật Bản. Lên 5 tuổi, cô tiếp tục theo cha đi công cán Trung Quốc, Mỹ, rồi các nước Đông Nam Á. Nothomb chỉ trở về Bỉ năm 17 tuổi và hoàn toàn bị sốc khi khám phá, hoà nhập với nền văn hoá phương Tây. Năm 19 tuổi, sau một biến cố trong gia đình, Nothomb trở lại Nhật Bản làm việc cho một tập đoàn lớn tại Tokyo. Và câu chuyện về cơn ác mộng Nhật Bản bắt đầu khi cô gái người Âu phải tuân theo những luật tục và lề lối của người Nhật. Nothomb thậm chí từng phải làm việc trong toilet ở tập đoàn nọ. Tuy nhiên, khoảng thời gian này lại là nguồn tư liệu cho cuốn tiểu thuyết mang đậm màu sắc tự truyện: “Sững sờ và run rẩy” - tác phẩm bestseller đầu tiên của Nothomb với 500.000 bản được bán ra. Hơn thế, cuốn sách này đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp viết lách của bà. Nothomb trở thành một hiện tượng của văn học đương đại, đặc biệt tại các nước nói tiếng Pháp. Bà được biết đến như một nhà văn kỳ lạ và bí ẩn với văn phong hài hước, giàu liên tưởng và vô cùng mãnh liệt. Cho đến nay, bà đã cho ra đời gần 20 tác phẩm với nhịp độ 1 cuốn/năm. Các tác phẩm của Amélie Nothomb đã được xuất bản tại Việt Nam: Sững sờ và run rẩy, Hồi ức kẻ sát nhân, Nhật ký chim én, Vòng tay Samurai. |
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.